Phát huy vai trò của tôn giáo để xây dựng Chính phủ kiến tạo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn lắng nghe ý kiến tâm huyết trong thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở hội nghị với các tổ chức tôn giáo sáng 19/12.

Sáng 19/12, hội nghị Thủ tướng với các tổ chức tôn giáo đã diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM).

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ngay trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946) cho đến nay, Đảng, Nhà nước luôn có chính sách nhất quán về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Các tôn giáo ở Việt Nam đã xây dựng hướng hành đạo tiến bộ, gắn bó đồng hành với dân tộc như “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo, “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo, “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ tổ quốc và dân tộc” của Hội thánh Tin Lành, “Nước vinh đạo sáng” của Cao Đài, “Vì đạo pháp và dân tộc” của Phật giáo Hòa Hảo...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VGP.

“Đồng bào các tôn giáo luôn là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu ra hàng loạt thách thức bên trong và bên ngoài. Trong đó, tranh chấp trên Biển Đông, xung đột sắc tộc, tôn giáo tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Thế lực xấu tìm mọi cách chống phá Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Những mặt trái của xã hội đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế xã hội cũng tác động đến đời sống của người dân.

Từ đó, Thủ tướng bày tỏ, để xây dựng một Chính phủ kiến tạo và phục vụ nhân dân tốt hơn, phát huy vai trò của các tôn giáo dưới sự phát triển chung của đất nước, Chính phủ mong muốn lắng nghe ý kiến tâm huyết trong việc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Trong thời gian vừa qua, cộng đồng tôn giáo đóng góp rất lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, cả nước có 269 trường mầm non, 905 nhóm lớp mầm non với 6.620 phòng học do các tổ chức tôn giáo thành lập, tương đương 1,9% tổng số cơ sở mầm non cả nước.

Về công tác bảo trợ xã hội, cả nước hiện có gần 800 cơ sở bảo trợ xã hội của các tổ chức Phật giáo, Công giáo, Cao Đài... đang nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, tàn tật, người già cô đơn, bệnh nhân tâm thần và HIV/AIDS. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, các tổ chức tôn giáo đã đóng góp cho xã hội hơn 1.000 tỷ đồng.

Hà Hương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phat-huy-vai-tro-cua-ton-giao-de-xay-dung-chinh-phu-kien-tao-post706995.html