Phát huy vai trò của phối hợp liên ngành trong công tác THADS

Thời gian qua, việc thực hiện hiệu quả Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC về phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự (THADS) không những đã tạo cơ sở để các ngành thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình mà còn góp phần gắn kết trách nhiệm phối hợp giữa các ngành có liên quan nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác THADS.

100% tỉnh, thành phố triển khai Quy chế

Với sự nỗ lực, quyết liệt chỉ đạo của liên ngành Trung ương, Quy chế đã được triển khai toàn diện trên các nội dung, phát huy vai trò quan trọng trong thực tiễn công tác THADS. Tới nay, 63/63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc đã ban hành Quy chế phối hợp trong công tác THADS. Trong đó, có tỉnh Phú Yên sau khi xem xét nhận thấy Quy chế phối hợp đã được ký kết có những nội dung không còn phù hợp với quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung Luật THADS năm 2014 nên đã ban hành Quy chế phối hợp liên ngành mới.

Đối với cấp huyện, về cơ bản đã tổ chức ký mới Quy chế phối hợp liên ngành, trong đó, có 100 Chi cục (của 16 tỉnh) thực hiện theo nội dung Quy chế của tỉnh đã ký mà không ban hành quy chế riêng.

Thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành, đối với việc thi hành các vụ án lớn, phức tạp, khó thi hành, cơ quan THADS đã làm tốt vai trò chủ trì, chủ động báo cáo Ban Chỉ đạo THADS để chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan Công an, TAND, VKSND cùng cấp trong việc tổ chức họp liên ngành để kịp thời có quan điểm, đường lối thống nhất giải quyết vụ việc. Từ đó, giúp hạn chế lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; góp phần nâng cao hiệu quả công tác THADS; bảo đảm các bản án, quyết định được thi hành nghiêm trên thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, nhà nước và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Cụ thế, tính đến ngày 31/3/2016, tổng số việc THADS trọng điểm là 2.860 việc với tổng số tiền là 476.812.727.287.000 đồng. Trong 26 địa phương có lượng án lớn, các địa phương có nhiều vụ việc thuộc danh sách án trọng điểm là Bình Dương (234 việc), Đồng Nai (112 việc), Hà Nội (83 việc), Thanh Hóa (79 việc), thành phố Hồ Chí Minh (67 việc)… đặc biệt, Tây Ninh là đơn vị rà soát lập danh sách nhiều nhất với 320 vụ việc.

Vẫn còn nhiều điểm “nghẽn”

Tuy nhiên, công tác phối hợp vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Một số Tòa chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan THADS cấp tỉnh và cấp huyện còn chậm, không gửi kèm các tài liệu liên quan theo đúng quy định; chưa thông báo bằng văn bản cho cơ quan THADS về trách nhiệm dân sự trong bản án, quyết định của vụ án hình sự.

Một số việc cần phải có đính chính, giải thích quyết định, bản án của Tòa án nhưng chưa thực hiện đúng theo quy định. Cá biệt, có việc cơ quan THADS đề nghị nhiều lần nhưng chưa nhận được trả lời hoặc trả lời chung chung của cơ quan Tòa án có thẩm quyền, gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án.

Trong công tác cưỡng chế, cơ quan Công an còn chậm trễ trong phối hợp xây dựng kế hoạch bảo vệ cưỡng chế, có nơi xây dựng kế hoạch bảo vệ cưỡng chế còn chưa sát với tình hình thực tế. Một số cơ quan THADS xây dựng kế hoạch cưỡng chế sơ sài, chưa cung cấp đầy đủ các tài liệu có liên quan, đặc biệt đối với những vụ án phức tạp chưa mô tả chi tiết, trình tự thực hiện, vị trí, địa hình, địa vật khu vực cưỡng chế, làm cơ sở cho việc tham gia và xây dựng kế hoạch bảo vệ cưỡng chế.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan THADS, Công an, Tòa án, Viện kiểm sát trong việc xử lý các bản án tuyên có sai sót, khó thi hành đã đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, một số nơi chỉ dừng lại ở việc thống kê, phân loại chưa có giải pháp cụ thể hoặc việc tổ chức để giải quyết vụ việc còn chậm trễ, thiếu quyết liệt, thiếu sự đồng thuận giữa các cơ quan liên ngành liên quan dẫn đến có những vụ việc kéo dài nhiều năm chưa thi hành được.

Do đó, để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong THADS, đại diện Cục THADS thành phố Hà Nội cho rằng cần đưa công tác phối hợp trong THADS vào tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm đối với các ngành, kịp thời khen thưởng những đơn vị, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương có thành tích tốt trong công tác phối hợp tổ chức THADS đồng thời nghiêm khắc phê bình kiểm điểm những đơn vị, địa phương làm chưa tốt. Công tác phối hợp cần được đặt đúng tầm và phải huy động mạnh mẽ sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội vào hoạt động THADS.

Còn theo Cục THADS tỉnh Bắc Ninh, HĐND, UBND các cấp cần tăng cường công tác giám sát, phối hợp, hỗ trợ về kinh phí và các điều kiện khác để giúp các đơn vị thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Mặt khác, cần tiếp tục tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về THADS bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân cũng là một trong những giải pháp quan trọng được nhiều địa phương đề xuất để việc phối hợp liên ngành ngày càng đạt nhiều kết quả khả quan hơn trong thời gian tới.

Kim Quy

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/phat-huy-vai-tro-cua-phoi-hop-lien-nganh-trong-cong-tac-thads-316224.html