Phát huy vai trò của công tác pháp chế trong quản lý nhà nước

(PL&XH)-"Pháp chế giữ vai trò quan trọng"- là khẳng định của nhiều đại diện Sở, ngành trên địa bàn TP Hà Nội về vai trò tham mưu của bộ phận pháp chế trong việc giúp các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Ngày 31-5, Đoàn khảo sát liên ngành của Trung ương (gồm đại diện Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ…) đã có buổi làm việc với Sở Tư pháp Hà Nội và các Sở, ban, ngành của TP về tình hình thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy pháp chế, thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND trên địa bàn Hà Nội.

Pháp chế giữ vai trò quan trọng!

Là khẳng định của nhiều đại diện Sở, ngành trên địa bàn TP Hà Nội về vai trò tham mưu của bộ phận pháp chế trong việc giúp các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. "Từ năm 2011 đến nay chưa phát hiện có văn bản nào có dấu hiệu trái luật và các văn bản này đều phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Kết quả này có vai trò không nhỏ cho các tổ chức pháp chế tại các Sở, ngành đặc biệt là các phòng pháp chế trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ" - Dự thảo Báo cáo của UBND TP khẳng định.

Từ nhận thức kể trên, ngay trước khi có Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ, UBND TP đã ban hành Quyết định số 164/2005/QĐ-UBND trong đó quy định rõ việc xây dựng, củng cố tổ chức pháp chế tại cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc TP Hà Nội. Đã có 4 phòng pháp chế được thành lập tại các Sở, doanh nghiệp trên địa bàn TP vào giai đoạn này là: Văn phòng UBND TP, Sở Xây dựng, Sở Công an, TCty thương mại Hà Nội. Các Sở còn lại cũng đều bố trí cán bộ làm công tác pháp chế.

Sau đó, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, UBND TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo các Sở, ngành còn lại khẩn trương xây dựng Đề án thành lập phòng pháp chế. TP cũng đã trình HĐND TP ban hành Nghị quyết về kế hoạch sử dụng biên chế năm 2012 trong đó có nội dung tăng 65 biên chế chuyên trách làm công tác pháp chế theo quy định của Nghị định 55.

Đến nay, Hà Nội đã có 6/14 cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc UBND TP thành lập phòng pháp chế, đó là các Sở, ngành: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế, Nội vụ, Công an TP và TCty Thương mại Hà Nội. Số lượng mỗi phòng ít nhất là 3 cán bộ, trong đó nhiều cán bộ có trình độ cử nhân luật. Nhiều Sở, ngành còn lại cũng đã hoàn thiện đề án thành lập phòng pháp chế theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP nêu trên và đang trình UBND TP xem xét, quyết định như: Tài chính, Công thương, Kế hoạch - Đầu tư… Thời gian qua, các phòng pháp chế được thành lập và các cán bộ được phân công làm công tác pháp chế cũng đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm mọi quyết định của UBND TP, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được đưa ra có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.

Đoàn khảo sát liên ngành của Trung ương làm việc tại Sở Tư pháp Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Cần "cú huých" để pháp chế mạnh hơn

Là yêu cầu được ông Nguyễn Hồng Tuyến, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, đại diện Đoàn khảo sát liên ngành nhấn mạnh tại buổi làm việc.

Theo phản ánh của các Sở, ngành trên địa bàn TP, mặc dù nhận thức được vai trò của bộ phận pháp chế, tuy nhiên khó khăn hiện nay của nhiều đơn vị là chưa tìm đủ số lượng biên chế pháp chế theo quy định nên đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thành lập phòng pháp chế và gây ra tình trạng thiếu cán bộ chuyên trách về pháp chế.

Nhiều phòng pháp chế mới thành lập, do chưa được bổ sung biên chế chuyên trách kịp thời nên các Sở, ngành phải điều chuyển cán bộ từ bộ phận khác sang làm công tác pháp chế. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ cho lực lượng pháp chế hiện cũng chưa thỏa đáng, không đáp ứng đủ mức sống trung bình nên khó khuyến khích động viên họ phát huy khả năng, toàn tâm, toàn ý với công việc…

Từ thực trạng kể trên, đại diện các Sở, ban, ngành của TP Hà Nội đã kiến nghị Đoàn khảo sát khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, thực hiện Nghị định số 55 của Chính phủ. Trong đó, đối với văn bản hướng dẫn về chế độ phụ cấp cần bổ sung đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp là cán bộ làm công tác xây dựng, kiểm tra văn bản, theo dõi thi hành pháp luật tại Sở Tư pháp, phòng Tư pháp. TP cũng kiến nghị tăng số lượng biên chế cho các phòng pháp chế của Hà Nội do đây là đô thị đặc biệt, có dân số đông, hoạt động quản lý đa dạng và phức tạp. Đồng thời, đề xuất Bộ Nội vụ sớm có ý kiến về việc đề nghị tăng thêm biên chế chuyên trách làm công tác pháp chế cho địa phương để có đủ điều kiện thành lập phòng pháp chế theo quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương.

Ghi nhận những khó khăn của TP cũng như tiếp nhận kiến nghị từ các Sở, ban, ngành của Hà Nội, Phó Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến cho hay, hiện Bộ Tư pháp đã xây đựng đầy đủ các văn bản hướng dẫn về tổ chức biên chế đối với tổ chức pháp chế, hướng dẫn về nghiệp vụ công tác pháp chế, chế độ ưu đãi với người làm công tác pháp chế và hiện đang tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện. Dự kiến trong tháng 6 này sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn nghiệp vụ công tác pháp chế để giải quyết vướng mắc cho cơ sở. Đáng chú ý, trong năm 2012, dự kiến Đề án tăng cường năng lực cán bộ làm công tác pháp chế sẽ được ban hành, sẽ tạo "cú huých" cho pháp chế "mạnh" hơn.

Hưng Việt - Tôn An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20120601103230979p1002c1022/phat-huy-vai-tro-cua-cong-tac-phap-che-trong-quan-ly-nha-nuoc.htm