Phát huy truyền thống công nhân vùng Mỏ trong đổi mới đất nước

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than 12/11/1936-12/11/2016), mới đây, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Công đoàn Than - Khoáng sản VN (TKV) đã phối hợp với Tạp chí Lao Động và Công đoàn, thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy truyền thống CN mỏ trong đổi mới kinh tế của đất nước”.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng; nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt cùng nhiều lãnh đạo, chuyên gia ngành than đã tham dự hội thảo.

Truyền thống đáng tự hào

Khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Minh Chuẩn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV TKV nhấn mạnh, Hội thảo là diễn đàn khoa học quan trọng nhằm đúc kết bài học kinh nghiệm từ ý nghĩa lịch sử của cuộc tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ bắt đầu từ ngày 12/11/1936, khẳng định truyền thống vẻ vang 80 năm phong trào công nhân mỏ và những đóng góp của phong trào công nhân, hoạt động công đoàn đối với sự nghiệp xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tỉnh Quảng Ninh và sự phát triển của TKV…

Đồng chí Phạm Thế Duyệt phát biểu tại hội thảo

Là người trưởng thành từ vùng Mỏ, đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị khẳng định, 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân mỏ đã viết nên truyền thống cách mạng rất vẻ vang, rất đáng tự hào. Giai cấp công nhân vùng Mỏ đã góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào cách mạng của công nhân và nhân dân cả nước theo Đảng, làm cuộc Tổng khởi nghĩa 19.8.1945, giành độc lập cho Tổ quốc Việt Nam sớm nhất ở Đông Nam Á”.

Truyền thống công nhân vùng Mỏ rất đáng tự hào

Theo “người thợ lò ưu tú” Phạm Thế Duyệt, trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược sau này, giai cấp công nhân vùng Mỏ đã góp phần không nhỏ cùng giai cấp CN và nhân dân cả nước đánh thắng kẻ thù, bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới, giai cấp công nhân mỏ Quảng Ninh đã có bước tiến vượt bậc, công nghệ sản xuất ngày càng hiện đại, đời sống công nhân được nâng cao. Vì thế, điều quan trọng là phát huy truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân mỏ 80 năm qua.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho rằng, cuộc tổng bãi công tháng 11/1936 của hơn 3 vạn công nhân vùng Mỏ không chỉ đòi được quyền lợi cho đông đảo công nhân mỏ, mà còn giáng một đòn chí mạng vào bộ máy chính quyền thực dân tàn bạo. Thắng lợi của cuộc tổng bãi công đó còn khẳng định sự lớn mạnh, ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết của giai cấp công nhân vùng mỏ, thông qua khẩu hiệu hành động “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng”.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng phát biểu tại hội thảo

Tinh thần ấy đã đồng hành với những người thợ mỏ suốt 8 thập kỷ qua, giúp ngành than vượt qua mọi khó khăn thách thức, không ngừng lớn mạnh. Với đội ngũ 113.000 CN lao động hiện nay, TKV là một tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, là nòng cốt trong nhiệm vụ cung cấp than cho đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nỗ lực vượt khó

Dẫu vậy, ngành than cũng đang đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức. Trong đó có thách thức lần đầu tiên TKV gặp phải: Giá than sản xuất trong nước cao hơn giá than nhập khẩu. Điều đó khiến than nhập tràn vào, làm than khai thác của TKV tồn tới 11 triệu tấn, trong đó khi nhiều chủng loại than trong nước không có nhu cầu tiêu thụ không được xuất khẩu, càng khiến than tồn kho tăng, các Cty thành viên của TKV liên tục phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất. Tất cả các nhà quản lý, các chuyên gia đều thừa nhận: Ngành than đã trải qua nhiều đợt khủng hoảng, nhưng chưa bao giờ lớn như hiện nay.

Tuy nhiên, là người hiểu rõ phẩm chất, tính cách của những người thợ mỏ, đồng chí Đoàn Văn Kiển - nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên TGĐ TKV, cũng từng là thợ lò - tin rằng ngành than sẽ vượt qua khó khăn, bằng “kỷ luật và đồng tâm” đã được hun đúc suốt 80 năm qua, mà ở đó có những nổi trội không ít ngành nghề có được: “Văn hóa than, tình người ngành than”.

“Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, giá than bán như cho, đời sống công nhân vô cùng khó khăn, đã có những trường hợp con theo cha mẹ lên công trường ăn chung bát cơm giữa ca. Khi ấy, các Cty than mặc dù đều hạch toán độc lập, những vẫn giúp đỡ, chia sẻ với nhau ngay cả khi két sắt của mình không còn đồng tiền nào. Rồi năm 1999, ngành than phải cắt giảm mạnh sản xuất, CN tạm nghỉ việc vài tháng, nhưng thợ mỏ vẫn đoàn kết, san sẻ việc làm và thu nhập cho nhau để cùng vượt qua khó khăn” – đồng chí Đoàn Văn Kiển nhớ lại.

Những người thợ lò luôn sống vì nhau

Trưởng thành từ thợ lò và luôn có mặt để chỉ huy cứu nạn ở hầu hết các tai nạn lớn của ngành than, theo đồng chí Đoàn Văn Kiển, những người thợ lò luôn sống vì nhau, hy sinh cho nhau. Không chỉ vậy, họ còn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn khác của xã hội. Các lãnh đạo TKV không nhớ ngành đã xây được bao trường học, trạm xá, đường giao thông, nhà “mái ấm công đoàn”… dù nhiều người trong số họ vẫn khó khăn.

Đồng chí Phạm Thế Duyệt cho biết, vừa đi thăm một số mỏ và thấy TKV thực sự đang khủng hoảng, vì thế cần phải sớm có biện pháp tháo gỡ cho ngành than. Đồng chí đề nghị các cấp công đoàn, TKV và tỉnh Quảng Ninh phải phối hợp hơn nữa để chăm lo cho công nhân mỏ nói riêng và công nhân Quảng Ninh nói chung; tổ chức CĐ phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để chăm lo, bảo vệ cho được quyền lợi chính đáng của NLĐ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đồng chí cũng mong muốn Đảng, Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh và ngành Than sớm giải quyết những khó khăn để tiếp tục phát huy truyền thống, phát triển trong đổi mới và hội nhập.

Ngọc Tú

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phat-huy-truyen-thong-cong-nhan-vung-mo-trong-doi-moi-dat-nuoc-45084.html