Phát huy thế mạnh mô hình viện - trường trong chăm sóc sức khỏe

Mặc dù thành lập chưa lâu, nhưng chặng đường mười năm qua, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã phát huy được những thế mạnh mô hình viện - trường, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và khám, chữa bệnh. Không chỉ là cơ sở thực hành của trường đại học có bề dày 115 năm kinh nghiệm trong đào tạo bác sĩ, bệnh viện còn biết phát huy hiệu quả chất xám của những người vừa là thầy giáo, vừa là thầy thuốc để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Sau 10 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã trở thành một trong những trung tâm y học lâm sàng lớn, ứng dụng thành công hàng loạt kỹ thuật tiên tiến trong các lĩnh vực tim mạch, nội khoa, ngoại khoa, ung bướu, phục hồi chức năng, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, huyết học, sinh hóa và sinh học phân tử… vào chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Bệnh viện là cơ sở đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam tổ chức và thực hiện được chống đau cho tất cả người bệnh sau phẫu thuật, người bệnh đau do ung thư giai đoạn cuối... đã có hơn 100 nghìn ca gây mê được thực hiện thành công, trong đó có rất nhiều ca phẫu thuật lớn, nhưng không để xảy ra bất cứ tai biến nào liên quan đến gây mê hồi sức.

Trong khi đó, tỷ lệ chết trong gây mê tại các nước phát triển là từ 0,5 đến 1 trường hợp/10 nghìn ca gây mê; ở các nước đang phát triển là từ 5 đến 10 trường hợp/10 nghìn ca gây mê. Bệnh viện đã áp dụng thành công kỹ thuật dùng alteplase liều thấp 0,6 mg/kg thay vì liều cố định 100 mg như thế giới áp dụng cho người bệnh tắc động mạch phổi cấp có sốc, tụt huyết áp, rối loạn chức năng thất phải. Kỹ thuật này giúp người bệnh thoát sốc nhanh, tỷ lệ hết huyết khối sau ba tháng lên tới 97,6%, không bị biến chứng chảy máu.

Các thầy thuốc của bệnh viện triển khai kỹ thuật “Thay van động mạch chủ qua đường ống thông” mở ra một lựa chọn mới cho những bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ khít, tuổi cao, nguy cơ phẫu thuật tim mở cao và muốn được can thiệp nội soi qua đường ống thông. Trong khi đó, từ khi triển khai kỹ thuật “Đặt stent graft phình động mạch chủ” đã làm giảm đáng kể tỷ lệ chết do biến chứng vỡ phình động mạch chủ vì người bệnh được lên kế hoạch can thiệp sớm, thời gian làm can thiệp ngắn, hồi phục nhanh. Đến nay, bệnh viện tạo dựng được niềm tin, sự hài lòng của người bệnh và gia đình người bệnh. Kết quả thăm dò cho thấy hơn 90% số người được hỏi đều hài lòng về chuyên môn và dịch vụ tại đây.

Hoạt động nghiên cứu khoa học - đào tạo - hợp tác quốc tế cũng được bệnh viện chú trọng và có những bước phát triển mạnh mẽ. Ngay từ khi thành lập, với vai trò là cơ sở thực hành của Trường đại học Y Hà Nội, bệnh viện đã góp phần cùng nhà trường đào tạo đội ngũ thầy thuốc có trình độ đại học và sau đại học (nghiên cứu sinh, cao học, nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, sinh viên…).

Bệnh viện đã chuyển giao được nhiều kỹ thuật mới trong các lĩnh vực tim mạch, hồi sức cấp cứu, ngoại khoa… cho các bệnh viện trong nước và trên thế giới. Nhiều học viên đến từ các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Mi-an-ma, Đức... sang học tập, nhận chuyển giao các kỹ thuật cao trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm đào tạo, cập nhật kiến thức và các kỹ thuật tiên tiến cho cán bộ bệnh viện.

Với tính chất là bệnh viện của trường đại học, các kỹ thuật cao được triển khai tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng được hướng dẫn, chuyển giao công nghệ cho các bệnh viện tuyến dưới. Bệnh viện là một trong năm bệnh viện trọng điểm được Bộ Y tế phê duyệt về việc triển khai mạng lưới Bệnh viện vệ tinh, hỗ trợ chuyên môn cho nhiều bệnh viện tuyến dưới. Năm 2016, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội được Bộ Y tế giao là Bệnh viện hạt nhân đầu tiên có nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện vùng cao với các chuyên ngành: tim mạch, ngoại chấn thương, nội tiết, thần kinh, hồi sức tích cực, chống độc, huyết học, ung bướu.

Đến nay, hơn 30 học viên là các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của các bệnh viện vệ tinh: Mường Khương (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Quảng Xương (Thanh Hóa) cùng Trung tâm Y tế TP Móng Cái (Quảng Ninh), Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam được cập nhật kiến thức, phương pháp điều trị, phẫu thuật… Nhờ đó, giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm tỷ lệ tai biến của người bệnh khi phải di chuyển quá xa.

Đến nay, bệnh viện đã làm chủ thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, tham gia nhánh năm đề tài cấp nhà nước khác; ba đề tài cấp bộ, 179 đề tài cấp cơ sở. Bệnh viện cũng ưu tiên đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhất là với các bệnh viện, cơ sở đào tạo y khoa có uy tín trên thế giới nhằm chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học. Đội ngũ cán bộ của bệnh viện đã tham gia triển khai 10 đề tài thử nghiệm lâm sàng, đa trung tâm, đa quốc gia và hợp tác quốc tế.

Hiện bệnh viện đã đăng ký thành công trên mạng lưới nghiên cứu quốc tế RIETE (Nghiên cứu sổ bộ điện toán hóa trên bệnh nhân thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch). Tất cả người bệnh liên quan đến khám tại bệnh viện sẽ chính thức được đăng kiểm quốc tế và được quản lý theo quy trình chuẩn quốc tế.

ĐÌNH BẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/34080902-phat-huy-the-manh-mo-hinh-vien-truong-trong-cham-soc-suc-khoe.html