Phát huy những ưu thế của thương mại điện tử trong quá trình hội nhập

- Đã hơn 10 năm kể từ khi các doanh nghiệp Việt Nam lần đầu tiếp xúc với thương mại điện tử (TMĐT). Có thể khẳng định, TMĐT có những ưu thế rất lớn đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhất là trong quá trình hội nhập hiện nay.

PGS.TS Lê Danh Vĩnh, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam
(Ảnh: M.P)

Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Danh Vĩnh, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) để tìm hiểu rõ hơn thực trạng phát triển TMĐT ở nước ta thời gian qua.

PV: Trên thế giới, TMĐT đã phát triển từ rất lâu, nhưng năm 1999-2000 ở Việt Nam mới xuất hiện loại hình này. Theo ông, như vậy có muộn không?

PGS.TS Lê Danh Vĩnh: Trên thế giới, hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử (EDI) thử nghiệm được đưa vào vận hành khoảng cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, chỉ từ khi internet được phục vụ cho hoạt động thương mại quốc tế và đưa vào ứng dụng rộng rãi vào đầu thập kỷ 90, các giao dịch TMĐT mới thực sự trở nên sôi động. Những website TMĐT nổi tiếng của thế giới như: Amazon.com, Ebay… đều ra đời vào giữa những năm 90. Từ năm 1999 đến 2001, các hãng lớn đã bắt đầu thiết lập chương trình thanh toán thương mại điện tử B2B Covisint và chuẩn ebXML 1.0 được phê chuẩn, ví dụ như các công ty: Ford, GM, Daimler Chrysler.v.v…

Quá trình phát triển của TMĐT thế giới như trên khẳng định việc từ năm 1999 đến 2000, Việt Nam chúng ta xuất hiện mô hình kinh doanh này là hoàn toàn không muộn so với thế giới, khẳng định sự nhanh nhạy của doanh nghiệp Việt Nam trong việc nắm bắt những phương thức kinh doanh mới, tiên tiến và đem lại hiệu quả cao.

PV: Qua hơn 10 năm phát triển, TMĐT Việt Nam đã đạt được những thành tựu gì, thưa ông?

PGS.TS Lê Danh Vĩnh: Qua hơn 10 năm phát triển, TMĐT Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng kể.

Một là, TMĐT đã được ứng dụng rộng khắp trong hoạt động của các doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương, 100% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã trang bị máy tính. Hầu hết các doanh nghiệp đều chấp nhận việc đặt hàng hoặc nhận đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử, trong đó số lượng doanh nghiệp đặt và chấp nhận đặt hàng thông qua internet ngày càng tăng. Các doanh nghiệp cũng đã nhận thức được và quan tâm nhiều hơn tới những vấn đề đặc thù trong TMĐT như bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân. Doanh nghiệp cũng rất chú trọng tới việc xây dựng, quảng bá hình ảnh và sản phẩm trên môi trường internet thông qua việc xây dựng website riêng; tham gia các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội; quảng cáo trên các báo điện tử, các website tìm kiếm thông tin nổi tiếng như google.com, yahoo.com, v.v... Với thực trạng ứng dụng như vậy, TMĐT đã trở thành bạn đồng hành không thể thiếu của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam .

Hai là, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên quan đến thương mại được triển khai khá nhanh. Đến nay, hầu hết dịch vụ công của các Bộ, ngành đã được cung cấp ở mức độ 2 trên trang thông tin điện tử của từng cơ quan. Đã có khá nhiều dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 3 và một số dịch vụ được cung cấp ở mức độ 4.

Ba là, việc mua bán hàng hóa, dịch vụ qua internet đã dần trở nên quen thuộc với một bộ phận người tiêu dùng tại các đô thị lớn. Phương thức thanh toán và giao hàng cũng được doanh nghiệp thực hiện linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của người mua.

Bốn là, TMĐT đã phát triển rộng khắp các ngành, lĩnh vực và địa phương trên cả nước. Sau 10 năm phát triển, TMĐT tử không còn chỉ tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mà đã phát triển rộng khắp cả nước. Cùng với việc ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp thuộc mọi ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh ngày càng tăng, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cũng rất quan tâm, chú trọng tới vấn đề quản lý nhà nước về TMĐT.

PV: Xin ông cho biết về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình phát triển TMĐT ở nước ta?

PGS.TS Lê Danh Vĩnh: Thuận lợi trong quá trình phát triển TMĐT ở nước ta hiện nay là: Nhà nước đã có định hướng chính sách rõ ràng nhằm thúc đẩy sự phát triển của TMĐT. Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 222/2005/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010. Với thành công của việc triển khai Quyết định này, giữa năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1073/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử lần thứ hai cho giai đoạn 2011-2015. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng, đến cuối tháng 10/2011, đã có 56 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 5 năm tới của địa phương mình.

Bên cạnh đó, hạ tầng pháp lý cho TMĐT đã hình thành. Luật Giao dịch điện tử và Luật Công nghệ thông tin đã đặt nền tảng để Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành các văn bản dưới Luật điều chỉnh những lĩnh vực cụ thể của giao dịch điện tử. Từ năm 2006-2010, 7 văn bản cấp Nghị định đã được ban hành, bao gồm: Nghị định về TMĐT, Nghị định về Chữ ký số và Dịch vụ chứng thực chữ ký số, Nghị định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, Nghị định về Giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, Nghị định về Ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước, Nghị định về Chống thư rác, Nghị định về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và cung cấp thông tin điện tử trên internet. Các Bộ, ngành cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai các Nghị định trên.

Ngoài ra, việc đào tạo chính quy về TMĐT phát triển khá nhanh. Tính đến năm 2010, có 77 trường đã tiến hành đào tạo TMĐT, bao gồm 49 trường đại học và 28 trường cao đẳng. Trong số các trường đại học đã đào tạo TMĐT, có 01 trường đã thành lập khoa TMĐT, 10 trường thành lập bộ môn TMĐT. Trong số các trường cao đẳng, có 01 trường thành lập khoa TMĐT, 4 trường thành lập bộ môn TMĐT. Từ năm 2008-2010, có thêm 15 trường tổ chức giảng dạy TMĐT.

Bên cạnh những thuận lợi, quá trình phát triển TMĐT ở nước ta cũng gặp phải không ít khó khăn. Cụ thể, nhiều văn bản pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống. Nguyên nhân là do TMĐT là một lĩnh vực mới và có sự phát triển vô cùng nhanh chóng nên việc chi tiết hóa các quy định về giao dịch điện tử đối với các hoạt động liên quan đến TMĐT còn chậm, hạn chế sự phát triển của lĩnh vực này, như vấn đề chữ ký số, hóa đơn điện tử, giải quyết tranh chấp v.v... Bên cạnh đó, vì nhiều lý do khác nhau, việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành còn nhiều bất cập, sự tuân thủ của các doanh nghiệp đối với các quy định của Nhà nước còn thấp.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến còn nhiều bất cập. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về TMĐT điện tử trong thời gian vừa qua chủ yếu tập trung vào cổ vũ, động viên cho việc ứng dụng TMĐT, chưa chú trọng đến vấn đề giáo dục pháp luật. Hoạt động giáo dục pháp luật về TMĐT được tổ chức chưa nhiều. Một văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành thường chỉ được cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức giới thiệu khoảng một đến hai lần cho một số ít đối tượng nên tính phổ cập của các văn bản này còn thấp. Hiện nay, chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả trong hoạt động giáo dục pháp luật giữa các cơ quan liên quan như cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đào tạo v.v...

Một điều khó khăn nữa là ý thức thi hành pháp luật của người dân chưa cao. Các cơ quan quản lý nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp để đưa các văn bản quy phạm pháp luật đến với người dân và doanh nghiệp như tổ chức hội thảo, hội nghị để hướng dẫn trực tiếp, tuyên truyền phổ biến qua đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí, cung cấp nội dung văn bản và thông tin liên quan lên các trang thông tin điện tử về quản lý chuyên ngành v.v... Tuy nhiên, hiệu quả của các hoạt động này còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, đối với nhiều quy định, mặc dù đã được tổ chức tuyên truyền, giáo dục khá tốt về nội dung, đồng thời việc tuân thủ sẽ tạo thuận lợi hơn cho đối tượng (như Thông tư hướng dẫn Nghị định Thương mại điện tử về cung cấp thông tin và giao kết hợp đồng trên website TMĐT của Bộ Công Thương, Thông tư hướng dẫn Nghị định về chống thư rác của Bộ Thông tin và Truyền thông, v.v...), nhưng việc thi hành vẫn còn thấp.

Đặc biệt, cơ chế giám sát, chế tài chưa đủ mạnh. Do hoạt động TMĐT được thực hiện trên môi trường điện tử nên giám sát việc thực thi các văn quản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này là một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Nguồn lực giám sát còn hạn chế, tần suất các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thấp, hiệu quả chưa cao, chưa có cơ chế giám sát trực tuyến các hoạt động trên môi trường điện tử. Bên cạnh đó, nhiều quy định về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực TMĐT còn thấp, chưa đủ mạnh để răn đe, tạo ra sự tuân thủ tốt trong xã hội. Đây sẽ là những vấn đề cần được tập trung khắc phục trong giai đoạn tới để tăng cường hiệu lực của hệ thống pháp luật, tạo môi trường thật sự lành mạnh và an toàn cho TMĐT phát triển.

Ảnh minh họa. Nguồn: emicesoft.com

PV: Để TMĐT có thể phát triển và phát huy được những ưu thế trong quá trình hội nhập kinh tế ở nước ta, theo ông cần những giải pháp gì?

PGS.TS Lê Danh Vĩnh: Để TMĐT có thể phát triển và phát huy được những ưu thế trong quá trình hội nhập kinh tế ở nước ta, theo tôi cần những giải pháp sau đây:

Đối với cơ quan quản lý nhà nước:

Cần nhanh chóng xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển TMĐT của Bộ ngành, địa phương. Để triển khai có hiệu quả, đồng bộ trên cả nước Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nhanh chóng xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển TMĐT của Bộ, cơ quan, địa phương mình giai đoạn 2011-2015.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về TMĐT. Trong thời gian tới, đặc biệt là trong các năm đầu triển khai Kế hoạch tổng thể giai đoạn 2011-2015, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan và các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến về TMĐT. Nội dung tuyên truyền phổ biến cần đi sâu vào lợi ích của việc tham gia giao dịch TMĐT như: nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm, v.v…

Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các mô hình TMĐT phù hợp. Cơ quan quản lý chuyên ngành về TMĐT cần nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng và triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng mô hình TMĐT phù hợp cho từng loại hình và quy mô doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2011-2015, cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động triển khai cung cấp trực tuyến nhiều dịch vụ công liên quan tới sản xuất kinh doanh, coi đây là một giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến TMĐT. Trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các văn bản nhằm đảm bảo toàn bộ hệ thống pháp luật được định hướng theo chuẩn mực chung là hỗ trợ cho giao dịch TMĐT, phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết hội nhập của Việt Nam. Trong đó, cần tập trung vào hoàn thiện các loại văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết giá trị pháp lý của chứng từ điện tử, ngành nghề kinh doanh TMĐT, ưu đãi thuế cho giao dịch TMĐT, bảo vệ người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong TMĐT.

Đối với doanh nghiệp:

Để TMĐT thực sự trở thành công cụ giúp hoạt động kinh doanh có sự biến đổi về chất, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần chú trọng khai thác những tiện ích chuyên biệt của TMĐT một cách phù hợp cho từng khâu của quy trình sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần tích cực tìm hiểu và tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến do các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp để giảm bớt chi phí kinh doanh.

Đặc biệt, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa tới việc đầu tư để bảo đảm an toàn an ninh cho các ứng dụng TMĐT và cho hệ thống thông tin của doanh nghiệp mình. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý tới việc xây dựng và thực thi các quy chế liên quan tới việc sử dụng hệ thống thông tin của cơ quan, đầu tư mua sắm thiết bị và phần mềm bảo mật phù hợp, hướng dẫn người sử dụng thiết bị CNTT tuân thủ các quy tắc an toàn an ninh thông tin v.v…

PV: Được biết, từ ngày 14-27/11, lần đầu tiên tại Việt Nam diễn ra chương trình “Tuần mua sắm trực tuyến 2011”. Theo ông, hoạt động này có ý nghĩa và mục đích như thế nào?

PGS.TS Lê Danh Vĩnh: Tuần mua sắm trực tuyến sẽ là một hoạt động thường niên được tổ chức trên phạm vi toàn quốc bắt đầu từ năm 2011 nhằm tuyên truyền, phổ biến về các lợi ích của TMĐT, quảng bá các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến, góp phần đẩy mạnh sự phát triển TMĐT ở Việt Nam.

Tuần mua sắm trực tuyến giúp nâng cao nhận thức và kỹ năng mua bán trực tuyến của đông đảo người tiêu dùng, quảng bá hình ảnh các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến, đặc biệt là các hội viên của VECOM, thúc đẩy hoạt động kinh doanh liên quan tới TMĐT của các hội viên, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên phạm vi cả nước.

Thông qua Tuần mua sắm trực tuyến, TMĐT trở nên phổ biến và gần gũi hơn trong toàn xã hội, các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến có cơ hội mở rộng thị trường, thu hút nhiều khách hàng mới, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận nhanh chóng các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được cung cấp trực tuyến với nhiều ưu đãi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Minh Phương

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=492197&co_id=30066