Phạt hơn 22 tỷ đồng đối với hàng nghìn cơ sở vi phạm ATTP

Trong 9 tháng đầu năm, các đoàn thanh, kiểm tra 77.388 lượt cơ sở, phát hiện 12.371 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 4.100 cơ sở với số tiền phạt 22, 6 tỷ đồng. Chuyển điều tra xử lý hình sự 3 vụ…

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Báo cáo số 175/BC-UBND kết quả thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (gọi tắt là Chỉ thị 13).

Theo đó, với việc triển khai đồng bộ giải pháp thực hiện Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ, công tác quản lý nhà nước về ATTP của Hà Nội và có nhiều chuyển biến tích cực: Các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, vào cuộc, triển khai kịp thời, bài bản, đúng quy định các văn bản chỉ đạo về ATTP. Các hoạt động ATTP được triển khai sớm ngay từ đầu năm, phát huy vai trò cơ quan thường trực. Tăng cường quản lý dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Một lò mổ gia súc hoạt động trái phép trên địa bàn huyện Hoài Đức đã bị phát hiện xử lý.

Kết quả thực hiện công tác đảm bảo ATTP 9 tháng đầu năm 2016, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được đẩy mạnh. Theo đó, tổng số đoàn thanh tra, kiểm tra 1.440 Đoàn vả thành lập các Đoàn kiểm tra chuyên ngành về ATTP theo chức năng nhiệm vụ của ngành, kiểm tra 50 lượt tiến độ hoạt động của 30/30 ban chỉ đạo ATTP quận, huyện, thị xã. Thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra ATTP phục vụ Tết Nguyên đán và Tháng hành động vì ATTP, 5 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất những điểm nóng về ATTP và kiểm tra ATTP Tết Trung thu. Kiểm tra 77.388 lượt cơ sở, phát hiện 12.371 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 4.100 cơ sở với số tiền phạt 22.616.199.000 đồng. Chuyển điều tra xử lý hình sự 3 vụ. Tiêu hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo ATTP. Xử lý 38 thông tin báo nêu về mất ATTP. Trong dịp Tết Trung thu, 30 quận, huyện, thị xã đã thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, phạt tiền khoảng 150 triệu đồng, xử lý 38 thông tin báo nêu về mất ATTP. Điểm nổi bật là đã thành lập lại Ban chỉ đạo ATTP các cấp do Chủ tịch UBND trực tiếp làm trưởng ban. Phát động phong trào thi đua ATTP giai đoạn 2016 - 2020. Xây dựng “Quy định phân công trách nhiệm quản lý ATTP trên địa bàn thành phố” để tránh chồng chéo và bỏ sót. Thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành, cung cấp số điện thoại đường dây nóng.

Công tác phối hợp liên ngành có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành liên quan. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý về ATTP. Duy trì phối hợp cam kết với các tỉnh lân cận về kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm về Hà Nội, về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Điểm mới và nổi bật trong công tác phối hợp là tổ chức ký kết Quy chế phối hợp giữa 3 sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương để giải quyết kịp thời, dứt điểm các nội dung phối hợp. Các ngành, các cấp đã phối hợp kiểm tra, giám sát điều kiện ATTP tại các cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm cho các bếp ăn phục vụ các sự kiện lớn của Đảng, Nhà nước và Thành phố.

Công tác truyền thông về ATTP được đẩy mạnh: Cơ quan quản lý đã chủ động phối hợp và huy động cơ quan thông tin, truyên thông, xây dựng chuyên trang, chuyên mục về ATTP, nêu danh sách cơ sở bảo đảm ATTP lên Website ngành cho nhân dân biết và lựa chọn; đồng thời, thông tin công khai cơ sở không bảo đảm ATTP lên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin và các bài phóng sự với chất lượng cao, viết nhiều tin, bài, ảnh về thực trạng ATTP báo, truyền hình...

Điểm mới và nổi bật trong công tác truyền thông là cơ quan chức năng đã đưa nhiều tin bài về hoạt động ATTP lên Cổng giao tiếp điện tử của Thành phố. Lập chuyên trang Chung tay vì ATTP trên Báo Kinh tế và Đô thị, chuyên mục “Không thỏa hiệp với thực phẩm bẩn” trên Kênh 1 Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. UBND Thành phố tổ chức hội nghị ký cam kết thi đua ATTP, các cơ quan quản lý và các ngành tổ chức hội nghị ký cam kết bảo đảm ATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Tổ chức cuộc thi viết Chung tay vì ATTP, tọa đàm trực tuyến về ATTP đạt hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với các báo đài Trung ương…

Công tác thanh kiểm tra chuyên ngành, liên ngành được tăng cường, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, Lễ hội, Tháng Hành động, xử lý các cơ sở vi phạm với nhiều hình thức. Trong quá trình thanh kiểm tra, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan báo đài truyền hình với cơ quan quản lý nhà nước về ATTP, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục các kiến thức, các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP, nêu tên các cơ sở không bảo đảm ATTP trên phương tiện thông tin đại chúng. Điểm mới và nổi bật trong công tác thanh kiểm tra là sơ kết 6 tháng thí điểm Thanh tra chuyên ngành tại 5 quận, huyện bước đầu đạt kết quả. Đã thành lập 5 đoàn cơ động kiểm tra liên ngành, đáp ứng nhanh với việc kiểm tra đột xuất xử lý thông tin báo nêu và các điểm nóng bức xúc về ATTP.

Thực hiện tốt các chương trình, dự án, đề án, mô hình điểm. Xây dựng mô hình ATTP tuyến phố văn minh hưởng ứng Năm trật tự văn minh đô thị bước đầu đạt kết quả tốt. Việc quản lý ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố được đẩy mạnh. Việc quản lý các chợ đầu mối được tăng cường. Xây dựng mô hình thí điểm kiểm soát ATTP bữa cỗ tập trung đông người tại huyện Thanh Oai và huyện Phú Xuyên bước đầu đạt kết quả…

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phat-hon-22-ty-dong-doi-voi-hang-nghin-co-so-vi-pham-ve-attp-254545.html