Phát hiện kho mỹ phẩm giả

Sáng 25-7, Đội quản lý thị trường số 8, thuộc Chi cục quản lý thị trường TP Đà Nẵng kiểm tra kho hàng mỹ phẩm tại nhà số 208-Tôn Đản (P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng), qua đó phát hiện hàng chục ngàn sản phẩm mỹ phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Ngoài ra còn có hàng ngàn sản phẩm khác không có nhãn hiệu hoặc không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Sáng 25-7, Đội quản lý thị trường số 8, thuộc Chi cục quản lý thị trường TP Đà Nẵng kiểm tra kho hàng mỹ phẩm tại nhà số 208-Tôn Đản (P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng), qua đó phát hiện hàng chục ngàn sản phẩm mỹ phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Ngoài ra còn có hàng ngàn sản phẩm khác không có nhãn hiệu hoặc không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Thời gian gần đây, tình hình mua bán các loại mỹ phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo chất lượng được các đối tượng mua bán khá công khai và luôn là mối nguy hiểm rình rập sức khỏe người tiêu dùng. Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhu cầu làm đẹp của người dân khá lớn, vì vậy các hoạt động mua bán mặt hàng xa xỉ này diễn ra sôi nổi. Các đối tượng mua bán hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ thừa cơ hội để tung hàng giả ra thị trường, đánh vào tâm lý hám rẻ mà lại nhiều công dụng của người tiêu dùng.

Trước thực trạng này, hơn một tháng trước đây, qua công tác trinh sát, Đội quản lý thị trường số 8 phát hiện tại nhà số 208-Tôn Đản có hoạt động mua bán các loại mỹ phẩm với những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới, sản phẩm trong nước hoặc xuất xứ từ nước ngoài, thậm chí có nhiều sản phẩm không có nhãn mác với số lượng lớn, nên tiến hành lập kế hoạch đấu tranh. Một mặt, Đội quản lý thị trường số 8 tiến hành liên hệ với các hãng mỹ phẩm lớn trên thế giới và trong nước để yêu cầu cung cấp những văn bản về cách nhận biết hàng chính hãng, hàng giả, hàng nhái và đã nhận được sự phản hồi, hợp tác tích cực của chủ sở hữu các hãng mỹ phẩm. Trên cơ sở đó, Đội quản lý thị trường số 8 cử lực lượng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt thông tin, điều tra hoạt động mua bán hàng hóa của chủ kho hàng này.

Sau khi nắm chắc thông tin, 9 giờ 30 ngày 25-7, Đội quản lý thị trường số 8 bất ngờ kiểm tra kho hàng mỹ phẩm số 208-Tôn Đản và phát hiện hàng chục ngàn sản phẩm nước hoa, dầu gội đầu, kem tẩy trắng da, nước súc miệng, sữa tắm, thực phẩm chức năng, son môi... mang các nhãn hiệu như: Channel, Versace, Shiseido, Pond’s, Dove, Kem Fece, Evoluderm. Các sản phẩm ghi bằng tiếng Thái Lan, tiếng Trung Quốc... đựng trong các hộp giấy, bao bì rất bắt mắt. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đối chiếu với các thông tin do chủ các nhãn hàng chính hãng cung cấp thì Đội quản lý thị trường số 8 xác định gần như toàn bộ số mỹ phẩm này đều là giả, một số khác thì không cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nên Đội tiến hành tạm giữ toàn bộ để điều tra làm rõ.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra tại kho mỹ phẩm số 208-Tôn Đản, và những mặt hàng mỹ phẩm (ảnh nhỏ) được làm giả rất tinh vi.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra tại kho mỹ phẩm số 208-Tôn Đản, và những mặt hàng mỹ phẩm (ảnh nhỏ) được làm giả rất tinh vi.

Theo quan sát của P.V tại hiện trường, ngoài hàng chục ngàn sản phẩm có bao bì giả nhãn mác của các hãng mỹ phẩm thì cũng có nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại kho hàng này không có nhãn mác, nơi sản xuất. Đơn cử như trong một thùng giấy carton có đựng rất nhiều hộp màu vàng, hình trụ tròn, bên trong có chất lỏng dạng kem đặc mà theo chủ hàng là kem tẩy trắng. Nhìn bên ngoài đã không có nhãn mác, để ý kỹ một số hộp khác ở trong thùng này thì có kiến bu vào... Tương tự, trong một thùng đựng các chai nhỏ bằng thủy tinh, bên trong có bột giống như bột đậu nành nhưng bên ngoài ghi là Bột cam thảo nguyên chất, với công dụng ghi trên vỏ bình là: “trị sạm da, trị mụn, làm trắng mịn da, giảm quầng thâm và tan nhanh, trị da không đều màu do thẹo để lại, làm trắng da, tẩy tế bào chết toàn thân”. Tuy nhiên, các sản phẩm không ghi cơ sở sản xuất, giấy phép y tế.

Ngoài kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm, kho hàng này còn kinh doanh các sản phẩm chức năng, chăm sóc sắc đẹp cho phụ nữ, nhưng đa phần sản phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua làm việc với Đội quản lý thị trường số 8, bà Hoàng Nữ Cẩm Nhi - đại diện kho hàng này xác nhận phần lớn số hàng hóa này được mua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và đưa về Đà Nẵng phân phối lại cho các đại lý bán lẻ. Tại thời điểm kiểm tra, bà Nhi không xuất trình được giấy phép kinh doanh. Qua làm việc, Đội quản lý thị trường số 8 đã tạm giữ nhiều thùng hàng mỹ phẩm để mở rộng điều tra, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 8 cho biết, số lượng mỹ phẩm có dấu hiệu vi phạm bị phát hiện tại kho hàng này lớn nhất từ trước đến nay ở Đà Nẵng. Qua kiểm tra và so sánh với mẫu mỹ phẩm, tài liệu do các chủ sở hữu nhãn hiệu cung cấp, bước đầu chúng tôi xác định được một số hàng hóa tương đối lớn là giả mạo nhãn hiệu, một số mặt hàng khác hiện chúng tôi đang gửi mẫu đến đơn vị chủ sở hữu nhãn hàng và chờ xác nhận bằng văn bản để có hướng xử lý vi phạm của chủ kinh doanh hàng hóa.

Nguyễn Tuấn

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_152088_pha-t-hie-n-kho-my-pha-m-gia-.aspx