Phát hiện ''kê bảo'' quý hiếm: Phương thuốc thần kỳ?

'Kê bảo' là nang buồng trứng bị bệnh biến dạng, thành phần cơ bản là một vật thể giống với thành phần lòng đỏ trứng gà.

Sáng 25/3, anh Trịnh Văn Chiến (ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) mổ con gà mái nặng 1,8kg nuôi gần 3 năm bất ngờ phát hiện dị vật màu vàng có trọng lượng khoảng 600gr, có mùi thơm như trứng luộc, nghi là "kê bảo".

Anh Chiến cho biết, bên ngoài con gà này không có gì khác biệt, nhưng khi mổ ra các bộ phận nội tạng của nó nhỏ hơn rất nhiều, nhất phần là dạ dày và ruột.

Dị vật được cho là ''Kê bảo''

Theo dân gian, "kê bảo" là nang buồng trứng bị bệnh biến dạng, thành phần cơ bản là một vật thể giống với thành phần lòng đỏ trứng gà.

Tên gọi "kê bảo" trong tiếng Trung chỉ vật giá trị trong cơ thể con gà

"Kê bảo" thường xuất hiện trong bụng những con gà mái già nuôi lâu năm nên được xem là nguyên liệu quý hiếm, có thể dùng để bào chế thành thuốc chữa bệnh thần kỳ.

Hiện, anh Chiến đang bảo quản dị vật tại nhà và chờ xác nhận từ các chuyên gia.

Thực hư dị vật tiền tỷ

Phát hiện dị vật trong gia súc gia cầm không phải là chuyện hiếm. Tại Việt Nam có rất nhiều trường hợp người dân phát hiện ra vật lạ được cho là ''cát lợn'' trong khi giết lợn.

Một đồn mười, những vật lạ này được người ta trả giá lên tới hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế chưa có ai thực sự bán được ''cát lợn'' với mức giá trên trời đó. Thậm chí, có người còn cho con nhỏ dùng làm đồ chơi.

Trước thông tin về việc phát hiện vật lạ được cho là "cát lợn" quý hiếm, lương y Đỗ Sơn Hà cho rằng, đây chỉ là thông tin đồn thổi và không có cơ sở khoa học.

Lý giải về hiện tượng xuất hiện vật lạ trong dạ dày lợn, theo ông Hà, đó chỉ là sỏi lợn và có tên gọi là "trư cát" hay còn gọi là "cát lợn".

"Sự hình thành sỏi là do quá trình ăn uống có một số khoáng chất dư thừa được tích tụ lâu ngày trong cơ thể và do sự chuyển hóa phản ứng hóa lý trong quá trình tiêu thụ thức ăn nên các khoáng chất dư thừa đã gắn kết thành sỏi", lương y Đỗ Sơn Hà cho hay.

Đồng quan điểm, PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho biết:

"Thực chất đó chỉ là sỏi của lợn, chẳng có giá trị gì. Sỏi này từng thấy ở trâu, bò, ngựa… Nó chỉ là chất vô cơ tồn đọng trong dạ dày, lâu ngày to dần lên".

Xuân Anh (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/phat-hien-ke-bao-quy-hiem-phuong-thuoc-than-ky-3331845/