Phát hiện động đất ở khu vực Triều Tiên thử hạt nhân lần 6

Một trận động đất vừa xảy ra ở Triều Tiên, trong bối cảnh có nhiều thông tin cho rằng Bình Nhưỡng sắp tiến hành một vụ thử hạt nhân mới.

Tân Hoa xã cho hay một trận động đất xảy ra ở Triều Tiên ngày 23/9. Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc dẫn thông tin từ Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc (CENC) cho hay cơn địa chấn được đánh giá mạnh 3,4 độ và ở độ sâu 0 km.

Tân Hoa xã cho biết tâm chấn nằm ở vị trí tương tự trận động đất hôm 3/9, khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 6.

Theo thông báo trên website của CENC, trận động đất xảy ra vào lúc 16h29 giờ địa phương tại địa điểm có tọa độ 41,4 độ vĩ Bắc, 129,1 độ kinh Đông, thuộc phía đông bắc Triều Tiên.

Các chuyên gia Trung Quốc nói trận động đất có thể là kết quả của một vụ nổ. Tuy nhiên, theo cơ quan khí tượng của Hàn Quốc, cơn địa chấn dường như xảy ra do lý do tự nhiên. Cơ quan này cho biết cơn địa chấn mạnh 3 độ, xảy ra tại khu vực Kilju ở tỉnh Bắc Hamgyeong của Triều Tiên. Địa điểm thử hạt nhân Punggyeri nổi tiếng của Triều Tiên nằm ở tỉnh Bắc Hamgyeong.

"Trận động đất được cho là xảy ra một cách tự nhiên", một quan chức của Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc trả lời Yonhap. "Chúng tôi không phát hiện được sóng âm vốn thường xuất hiện trong các trận động đất xảy ra do nguyên nhân con người".

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản cũng đã đưa tin về vụ động đất.

Reuters dẫn lời Tổ chức Hiệp ước Cấm phổ biến hạt nhân toàn diện (CTBTO), cơ quan chuyên giám sát các vụ thử hạt nhân, cho biết các nhà phân tích "đang xem xét hoạt động địa chấn bất thường với cường độ nhỏ hơn nhiều lần" tại Triều Tiên.

Trên Twitter, người đứng đầu CTBTO, Lassina Zerbo cho biết trận động đất mạnh 3,5 độ và xảy ra ở địa điểm cách nơi tiến hành các vụ thử trước đây khoảng 50 km.

Cường độ của động đất hôm nay nhỏ hơn nhiều so với những cơn địa chấn trong các lần Triều Tiên thử hạt nhân trước đây. Trong vụ thử bom H của Bình Nhưỡng hồi đầu tháng, thông tin ban đầu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết động đất mạnh 5,6 độ và nằm ở độ sâu 10km. Tuy nhiên sau đó cơ quan này đã đính chính, cho biết cường độ địa chấn là 6,3 độ và độ sâu là 0 km.

USGS chưa thể kết luận động đất ở Triều Tiên hôm nay là vì lý do tự nhiên hay con người.

Động đất thường là dấu hiệu của một vụ thử hạt nhân ở Triều Tiên. Ảnh: AP.

Ngày 22/9, Yonhap đưa tin Triều Tiên có thể sớm tiến hành vụ thử bom nhiệt hạch mạnh nhất lịch sử tại khu vực Thái Bình Dương. Đây là động thái đáp trả lời đe dọa "hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên" mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York.

Vụ thử bom H gần nhất của Triều Tiên diễn ra hôm 3/9. Quả bom được kích nổ tại bãi thử Punggye-ri, miền Bắc nước này, với sức công phá ước tính từ 108-120 kiloton gây ra động đất mạnh 6,3 độ.

Thông tin về vụ thử bom H mới của Triều Tiên được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chỉ trích Tổng thống Trump là "lão già loạn trí thích đùa với lửa". Ông Kim cho biết lời đe dọa của ông Trump không làm Triều Tiên sợ hay muốn ngừng lại, mà còn củng cố niềm tin rằng Bình Nhưỡng đã chọn con đường đúng đắn.

Theo các chuyên gia, động đất chính là dấu hiệu của một vụ thử nghiệm hạt nhân. Ngày 9/10/2006, khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên, các máy đo cảm biến địa chất trên toàn thế giới đã ghi nhận một cơn địa chấn khoảng 3,6 - 4 độ tại quốc gia Đông Bắc Á.

Dấu hiệu này lặp lại trong các vụ thử nghiệm sau đó của Triều Tiên như tháng 5/2009, tháng 2/2013, tháng 1/2016, tháng 9/2016 và mới đây nhất là ngày 3/9/2017.

Cường độ động đất trong các vụ thử hạt nhân trước đây của Triều Tiên. Đồ họa: BBC.

Đông Phong

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tan-hoa-xa-phat-hien-dong-dat-o-trieu-tien-post781871.html