Phạt 2,5 triệu đồng nếu không chấp hành đo nồng độ cồn

"Đối tượng vi phạm không chấp hành đo nồng độ cồn, sẽ áp dụng theo Nghị định 34 của Chính phủ, xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng. Song, để chủ trương đi vào cuộc sống thì phải tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân" - Trung tá Lê Văn Lực, Đội trưởng Đội tuần tra dẫn đoàn CSGT Công an TP Đà Nẵng, chỉ huy đội xử lý người uống rượu, bia lái xe ở TP Đà Nẵng bày tỏ.

Ông Ray Sguey là chuyên gia ATGT đường bộ, có 41 năm kinh nghiệm trong ngành CSGT của Australia, giảng viên quốc tế trong tập huấn cưỡng chế, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, được Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT TP Đà Nẵng và Trung tâm Quốc tế về chính sách chất có cồn (ICAP), tổ chức tại Đà Nẵng, nhận xét rằng tập tục uống rượu, bia là thói quen sinh hoạt trong cộng đồng người Việt nên việc thực hiện chủ trương sẽ vấp phải khó khăn, nếu không có được sự tuyên truyền để có sự đồng thuận của xã hội. Thực tế, cũng có không ít người vin cớ, trong giao tiếp truyền thống của người Việt "vô tửu" sẽ "bất thành lễ". Ngày xưa, miếng trầu, ly rượu mở đầu cho câu chuyện thì ngày nay, ngoài rượu còn có bia. Nhưng, có thể uống rượu, bia đến mức nào? Để có câu trả lời, chúng tôi phối hợp cùng CSGT Công an TP Đà Nẵng, tìm một người uống bia, rượu loại "mạnh đô" và một người rất ít uống rượu, bia thuyết phục họ thực hiện thí nghiệm nhỏ. Người "mạnh đô" uống một lúc 2 lon bia và người kia uống một ly bia nhỏ. Theo lý thuyết, đợi 15 phút sau cho lượng cồn ngấm vào máu, chúng tôi dùng chiếc máy đo nồng độ cồn mà CSGT Công an TP Đà Nẵng mới nhận được từ Ban ATGT TP Đà Nẵng đo thử. Kết quả máy đo xác định, người "mạnh đô" có từ 0,26 - 0,34 miligam/100 mililít khí thở (nồng độ cồn trong máu tăng dần lên); ngược lại người uống một cốc nhỏ kết quả bằng "zê rô". CSGT Công an TP Đà Nẵng đo nồng độ cồn đối với người điều khiển môtô, xe máy. Như vậy, người uống rượu, bia, nếu không bỏ được thói quen thì nên đến quán nhậu bằng taxi, hoặc ôtô con có người lái, mới không bị CSGT "tuýt còi". Còn bất đắc dĩ phải lái xe máy, hoặc môtô (không lái ôtô), thì nhiều nhất chỉ uống một chai, hoặc 1 lon bia mới thoát khỏi "sự kiểm soát" của máy đo. Điều này cũng cho thấy rõ, chủ trương không ảnh hưởng gì đến việc sử dụng rượu, bia trong giao tiếp sinh hoạt và kinh doanh của các nhà hàng, quán nhậu. Tuy nhiên, hơn một tuần ra quân, CSGT các tỉnh, thành phố cũng đã gặp nhiều khó khăn. Vì quán nhậu, nhà hàng quá nhiều mà lực lượng tuần tra, xử lý lại mỏng. Đứng chỗ này lại bỏ trống chỗ khác, các nhà hàng, quán nhậu có đội xử lý "hạ trại" gần bên, chủ quán lấy cớ la làng là thiên vị; hoặc lu loa CSGT có tiêu cực, xử lý không công bằng... "Đối tượng vi phạm không chấp hành đo nồng độ cồn, sẽ áp dụng theo Nghị định 34 của Chính phủ, xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng. Song, để chủ trương đi vào cuộc sống thì phải tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân" - Trung tá Lê Văn Lực, Đội trưởng Đội tuần tra dẫn đoàn CSGT Công an TP Đà Nẵng, chỉ huy đội xử lý người uống rượu, bia lái xe ở TP Đà Nẵng bày tỏ. Đúng như vậy! Bác Hồ đã dạy: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Không có việc gì khó nếu có được sự quyết tâm và đồng thuận từ nhân dân. Tại tỉnh Quảng Trị, Thượng tá Nguyễn Đình Khiêm, Phó phòng CSGT Công an Quảng Trị cho biết, kể từ ngày 25/8, Công an Quảng Trị đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình mở đợt cao điểm tuyên truyền, vận động với chủ đề "Phòng, chống uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông" đến mọi tầng lớp nhân dân. Lực lượng CSGT Công an tỉnh phối hợp với Công an tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn trên cả 3 tuyến (đường bộ, đường sắt và đường thủy) kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông, nhất là đối tượng uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, hơn một tuần qua, lực lượng CSGT đã kiểm tra, phát hiện 2.768 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt 1.393 trường hợp (642 xe ôtô và 751 xe môtô), với tổng số tiền hơn 517 triệu đồng. Riêng việc kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, phát hiện được 85 trường hợp vi phạm, trong đó, xe môtô 84 trường hợp và 1 trường hợp xe ôtô. Trung tá Hồ Xuân Phương,Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Việc kiểm tra nồng độ cồn không dễ thực hiện như các lỗi vi phạm giao thông khác, những người bị say xỉn không làm chủ bản thân thường không chịu chấp hành các lỗi vi phạm, song lực lượng CSGT đã thực hiện một cách nghiêm túc, buộc các đối tượng vi phạm phải chấp hành quy định. Tại tỉnh Quảng Ngãi, bên cạnh việc tập trung lực lượng tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy định của pháp luật về nồng độ cồn, mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn, các nguy cơ gây tai nạn và hậu quả tai nạn giao thông do lái xe uống rượu bia... CSGT đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên đường bộ. Qua sử dụng hai máy đo nồng độ cồn và ống ngậm, CSGT đã phát hiện xử lý hàng chục trường hợp lỗi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Địa điểm lực lượng CSGT tập trung tuần tra, chốt chặn là gần các quán nhậu trên đường Phan Bội Châu, Phạm Văn Đồng, dọc bờ kè phía Nam sông Trà Khúc... (T.Bình - B. Thy - T. Sự - Đ.Hưng)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2011/9/156564.cand