Pháp và các nước châu Phi chung sức chống khủng bố

Các nước châu Phi và Pháp đã nhất trí thành lập lực lượng quân đội đa quốc gia với nhiệm vụ triệt tiêu các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Với sự ủng hộ tích cực của Pháp, các quốc gia châu Phi khu vực Sahel vùng Hạ Sahara đã nhất trí thành lập một lực lượng quân đội đa quốc gia tại Hội nghị An ninh nhóm 5 nước Sahel (G5 Sahel) diễn ra ngày hôm qua (2/7).

Binh sĩ Pháp ở Mali. Ảnh: RT.

Binh sĩ Pháp ở Mali. Ảnh: RT.

Lực lượng này có nhiệm vụ triệt tiêu các tổ chức nhen nhóm Hồi giáo cực đoan trong khu vực, góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

Theo thỏa thuận đạt được, nhóm 5 nước Sahel gồm Mali, Burkina Faso, Niger, Chad và Mauritania đã nhất trí góp quân cùng với Pháp để thành lập một lực lượng khoảng 5.000 binh lính nhằm tiêu diệt các phần tử khủng bố đang ẩn náu trong khu vực và chống buôn lậu xuyên biên giới.

Sáng kiến thành lập liên quân G5 Sahel được khởi xướng từ cuối năm 2015, nhưng đến đầu năm nay mới được triển khai gấp rút nhờ sự thúc ép tích cực của Pháp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thể hiện sự nóng lòng về sự ra đời của khối liên quân mới khi bày tỏ: “Thách thức của chúng ta là thành lập một bộ chỉ huy tham mưu, các quyết định cần được thực hiện thật nhanh để có được bộ khung của cơ quan này vào cuối tháng 8 tới. Trong tháng 9 và tháng 10, chúng ta có thể hoàn thành việc cung cấp tài chính phục vụ hoạt động, đồng thời triển khai các chiến dịch”.

Khu vực Sahel được coi là thiên đường của các nhóm Hồi giáo và các phần tử thánh chiến, nơi bọn chúng lợi dụng vùng hoang mạc rộng lớn và sự buông lỏng quản lý biên giới giữa các quốc gia trong khu vực để thỏa sức hoành hành. Thậm chí, các nước châu Phi nằm trong số những quốc gia nghèo nhất thế giới này còn thường xuyên bị một số nhóm Hồi giáo cực đoan tấn công, cướp đoạt trang thiết bị quân sự.

Việc thành lập một liên minh quân sự đủ mạnh tại đây được trông đợi sẽ tạo ra một “quả đấm thép” có thể giúp quét sạch các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan tiềm tàng trong khu vực. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu bởi khu vực Sahel không chỉ có nhiều chân rết của các nhóm khủng bố lớn như , al-Qaeda mà còn là địa bàn hoạt động của hàng chục nhóm Hồi giáo cực đoan lớn nhỏ khác.

Pháp cùng Liên minh châu Âu (EU) sẽ là những nhà tài trợ chính khi lực lượng liên quân này triển khai hoạt động bởi các nước châu Phi vùng Sahel hầu như không có khả năng đóng góp tài chính. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này cũng sẽ đem lại lợi ích cho chính Pháp và EU khi vừa nâng cao vai trò của họ trong khu vực, vừa tăng cường kiểm soát làn sóng di cư từ châu Phi trong đó có các phần tử khủng bố trà trộn tràn vào châu Âu.

Tổng thống Mali Ibrahim Keita cũng xác định rõ sự nguy hiểm từ các phần tử trong khu vực này khi cho rằng “Các quốc gia trong khu vực của chúng ta hiện đang là vùng đất tàng trữ đủ các loại vũ khí, là nơi ẩn náu của các chiến binh và phần tử khủng bố nước ngoài trốn chạy từ sang, đồng thời khu vực của chúng ta còn là vùng đệm để thâm nhập vào châu Âu”.

Tuy nhiên, liên quân Sahel sẽ đối mặt với thách thức không nhỏ trong hoạt động khi phải kiểm soát một khu vực trải dài đến 6000km suốt chiều ngang châu lục. Đây gần như một nhiệm vụ bất khả thi khi quân số và nguồn lực đầu tư ban đầu có hạn. Vì vậy, trước mắt lực lượng này sẽ tập trung kiểm soát ở một số khu vực điểm nóng nơi các nhóm khủng bố vũ trang hoạt động mạnh nhất./.

Tâm Hiếu/VOV-Trung tâm Tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/thegioi/phap-va-cac-nuoc-chau-phi-chung-suc-chong-khung-bo-642478.vov