Phập phồng nỗi lo giữ 'lửa' cho nghệ thuật truyền thống

Trong thời đại bùng nổ các hoạt động thông tin giải trí như hiện nay, những loại hình nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một. Vì thế việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy tinh hoa của các loại hình nghệ thuật này là vô cùng khẩn thiết. Thế nhưng thực tế cho thấy, gần như tất cả đang phải tự “bơi” trong sự cạnh tranh dữ dội của nhiều làn sóng giải trí ngoại nhập.

Từ khẩu hiệu đến thực tế

Chuyện những nghệ sỹ và những đơn vị nghệ thuật truyền thống phải vật lộn với cơm áo gạo tiền, cùng câu hỏi tồn tại hay không tồn tại vốn được nhắc tới trong những năm gần đây. Bản thân nhà nước cũng đã có những hành động để chúng không bị mai một theo thời gian nhưng nếu nhìn vào thực tế, nhiều người sẽ không khỏi ngậm ngùi …

Thực tế cho thấy, nhiều người mang danh là những nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, thế nhưng để có thể duy trì được niềm đam mê của mình, nhiều người phải đi làm MC và hát đám cưới, hát mừng nhà mới, buôn bán hàng online, thậm chí làm xe ôm ... để mưu sinh.

Nhiều nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống phải bươn chải mưu sinh (ảnh minh họa)

Chia sẻ về thực tế này với PV, nhạc sỹ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm phát triển âm nhạc Việt Nam chua chát nói: “Tôi xin dẫn chứng ví dụ mới nhất là trường hợp bà Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thể kỷ XX. Bà Cầu mất trong nghèo khổ, trong những lời tiếc thương và tung hô chẳng để làm gì. Đấy, chúng ta cứ hô hào là phải bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống nhưng những nghệ nhân nổi tiếng còn phải sống lay lắt thì thử hỏi nghệ sỹ trẻ nó không quay lưng sao được?”.

Tiếp tục đi vào tìm hiểu đời sống của những nghệ sỹ trong lĩnh vực này, phóng viên được nghe nhiều câu chuyện buồn chua chát. Nghệ sỹ trẻ Thanh Tùng, nhạc công của Nhà hát múa rối Thăng Long tâm sự: “Những nhạc công như chúng tôi thường có tiền công không cao (do biểu diễn theo nhóm). Chưa kể đơn vị nơi tôi công tác đã tự chủ hoàn toàn tài chính nên nếu không tìm cách kiếm thêm thì tiền lương chẳng đủ trả tiền nhà trọ, tiền xăng xe, tiền điện thoại ... Thông thường chúng tôi biểu diễn ở những lễ hội, những buổi liên hoan văn nghệ của một cơ quan, đơn vị nào đó. Nhiều người năng động hơn thì chuyển sang buôn bán quần áo, giày dép trên mạng”.

Trong khi đó, nghệ sỹ trẻ Xuân Quỳnh (Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam) chia sẻ: “Tôi vào nghề được hơn 10 năm rồi nhưng gia đình tôi đến giờ vẫn không hài lòng. Thời mới biết tôi muốn theo nghề này, bố mẹ tôi phản đối dữ dội lắm. Họ bảo làm nghề này thì hát cho ai nghe? Thú thật giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy mình dũng cảm. Thời mới theo nghề, tôi toàn ăn bám gia đình. Cũng may nhờ có gia đình ở trên này nên tôi không phải mất tiền thuê nhà, không phải quá lo chuyện cơm áo gạo tiền”.

Còn nghệ sỹ Đình Thành (Nhà hát múa rối Việt Nam) thì cho biết: “Anh em chúng tôi vẫn trêu nhau rằng, thời buổi này thì chỉ lấy băng dính dán miệng lại cho khỏi phải ăn. Vì thu nhập hàng tháng, nếu tính cả việc trang trải mọi sinh hoạt gia đình, chuyện học hành của con cái thì rất eo hẹp. Các tiết mục biểu diễn hiện đều co lại, tiền bồi dưỡng cho nghệ sĩ hiện chỉ khoảng trên 100.000 đồng/buổi. Thế nên anh em nào mà không bươn chải bên ngoài thì không thể sống được”.

Mai một vì không có kinh phí?

Từ thực tế khó khăn nêu trên, nhiều bộ môn nghệ thuật rơi vào tình trạng mai một và không có người kế thừa, gìn giữ. Trước áp lực của cuộc sống hiện đại với đủ các mối lo, nhiều nghệ sỹ phải bỏ nghề để tập trung vào mưu sinh. Chính vì thế, nguy cơ đã rất rõ ràng. Bà Ngô Thanh Thủy, Giám đốc nhà hát múa rối Việt Nam phân tích cụ thể: “Hiện nay các đoàn rối địa phương (đặc biệt là các phường rối cổ) hầu như không có kinh phí để hoạt động. Mặc dù đó mới là nơi bảo tồn những vốn giá trị gốc của cha ông ta để lại. Thế nhưng thực tế là nhiều nghệ nhân ở những phường rối cổ phải đến chỗ chúng tôi để học lại nghề. Quả thật là chua xót”.

Nhạc sỹ Thao Giang: Chúng ta đang bảo tồn, phát huy cái gì?

Thế nhưng kinh phí chưa phải là vấn đề duy nhất và những bộ môn nghệ thuật truyền thống phải đối mặt. Đó còn là cơ chế, là cách vận hành và quản lý còn nhiều bất cập của không ít những đơn vị quản lý văn hóa. Dẫn chứng cho luận điểm này, nhạc sỹ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm phát triển âm nhạc Việt Nam nói: “Trước đây trung tâm của chúng tôi có phối hợp, hỗ trợ một nhóm sinh viên của các trường đại học tới giao lưu, hát chầu văn tại đình Hào Nam. Đây là việc làm vô cùng ý nghĩa khi các em sinh viên đã chủ động tìm hiểu một di sản đặc sắc của cha ông. Thế nhưng khi chúng tôi xin phép tổ chức biểu diễn thì cán bộ văn hóa phường không đồng ý. Họ nói là nhạy cảm quá nên tạm thời hoãn. Nói thật, họ quản lý văn hóa nhưng có hiểu gì đâu. Vì không hiểu nên mới sợ, mới không cho làm vì sợ liên quan tới mê tín dị đoan. Cuối cùng tôi phải chạy lên phòng văn hóa quận trình bày mãi, họ mới cho tổ chức. Mà đây là hoạt động do các em sinh viên tự tổ chức, không hề có kinh phí nhà nước. Vậy mà vất vả như thế đấy”.

Nhạc sỹ Thao Giang tiếp tục dẫn chứng một ví dụ khác để chứng minh cho luận điểm, từ việc định hướng bảo tồn “có vấn đề” nên nó tạo ra những rào cản kéo lùi văn hóa truyền thống. Ông bức xúc kể: “Năm 2016, chúng ta có trình hồ sơ để UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhân đấy chúng tôi định tổ chức một buổi tọa đàm (có biểu diễn minh họa) về chầu văn. Thế nhưng xin hết cấp nọ đến câp kia, đợi mấy tháng vẫn chưa nhận được phản hồi. Khi tôi thắc mắc thì họ bảo phải đợi. Trong khi rõ ràng dự án này do trung tâm tự tổ chức, tự bỏ kinh phí. Muốn bảo tồn được thì phải nhận diện được nó, xem nó như thế nào? Mặt mũi ra sao? Muốn như vậy thì phải hội thảo, phải bàn luận. Ấy nhưng đợi nhà nước không làm, mình tự làm thì cũng rơi vào tình trạng đợi dài cổ. Vậy thì chúng ta bảo tồn, phát huy cái gì?”

Như vậy là, bên cạnh những yếu tố khách quan như: khán giả, kinh phí, sự cạnh tranh ... nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống còn gặp rất nhiều khó khăn từ chính cách quản lý còn nhiều bất cập hiện nay. Sự tổng hòa tất cả những yếu tố nêu trên đang đẩy nghệ thuật truyền thống vào ngõ cụt. Bài toán đặt ra cho chúng ta là làm thế nào để vực dậy một ngành nghệ thuật vốn kén khán giả? Và làm thế nào để những nghệ sỹ sống được với nghề? Chắc hẳn đó là câu hỏi không dễ tìm được tìm được lời giải thỏa đáng.

Phạm Văn

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/suc-khoe-doi-song/201708/phap-phong-noi-lo-giu-lua-cho-nghe-thuat-truyen-thong-2835931/