Phập phồng mùa hoa kiểng Tết

Những ngày qua, người trồng hoa kiểng tại ĐBSCL tất bật sản xuất phục vụ Tết Đinh Dậu 2017 với nhiều nỗi lo bởi thời tiết không thuận lợi.

Nhà vườn ở phường 3 (TP.Sa Đéc) chăm sóc mai tết - Ảnh: An Lạc

Khẩn trương lo hoa kiểng tết

Các xã Vĩnh Thành, Long Thới, Hưng Khánh Trung B… là những nơi trồng hoa kiểng nhiều nhất ở H.Chợ Lách (Bến Tre) nên không khí lao động rất khẩn trương. Ông Nguyễn Thành Đạo (ngụ xã Long Thới) cho biết: “Gia đình tôi có 3 công đất chuyên trồng hoa kiểng và cây giống. Tết này, ngoài việc o bế hàng trăm gốc mai vàng còn tập trung đầu tư trồng thêm hoa vạn thọ, cúc… Mọi việc đang diễn ra rất khẩn trương bởi ngày tết không còn xa”.

Chị Nguyễn Thị Kiều Linh, ở xã Long Thới, bộc bạch: “Bà con xứ này sống nhờ hoa kiểng nên làm quanh năm nhưng tết được xem là “mùa” làm ăn chính. Do bà con làm hoa kiểng nhiều năm nên có kinh nghiệm trong sản xuất nhưng băn khoăn hiện giờ là thiếu vốn đầu tư”.

Theo chị Linh, sở dĩ một số gia đình gặp khó khăn về vốn vì đầu năm 2016, vùng hoa kiểng Chợ Lách bị hạn mặn tấn công làm hư hại nhiều hoa kiểng và cây giống. “Nước mặn tràn vào quá nhanh nên trở tay không kịp, làm chết của gia đình tôi hàng chục ngàn cây giống và hoa kiểng, mất trắng hàng chục triệu đồng. Mấy tháng qua, tôi vừa tập trung khôi phục, vừa đầu tư làm đê bao… nên tốn thêm nhiều chi phí. Vì vậy, để sản xuất vụ hoa kiểng tết 2017, gia đình phải đi vay vốn”.

Tại làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), người dân cũng đang bắt tay vào vụ hoa kiểng tết. Anh Nguyễn Nhật Trường (ở ấp Sa Nhiên, P.Tân Qui Đông, TP.Sa Đéc) tiết lộ: “2,5 công đất quanh nhà được tôi tận dụng trồng khoảng 15.000 chậu hoa sứ, cúc, bông trang, mười giờ… để bán vào dịp tết 2017”.

Còn chị Nguyễn Thị Cẩm Vân (ngụ phường 3, TP.Sa Đéc) cho biết người dân tại đây đã chuẩn bị vụ hoa kiểng tết từ mấy tháng trước. Ngoài những cây kiểng cổ đắt tiền, mai vàng, cây công trình, các loại hoa truyền thống như vạn thọ, cúc, hồng… thì một số hộ còn “săn lùng” những giống hoa mới, đẹp, độc đáo để tung ra thị trường tết nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu trang trí của người dân.

Nỗi lo thời tiết

Nếu so với các năm trước thì năm nay những hộ sản xuất hoa kiểng tết ở ĐBSCL gặp khó khăn hơn mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là thời tiết bất thường. Ông Trần Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành (H.Chợ Lách), trăn trở: “Toàn xã có hơn 500 ha hoa kiểng và cây giống. Đến thời điểm này, hầu hết diện tích đã được trồng phục vụ thị trường tết nhưng bà con đang phập phồng, bởi mưa kéo dài liên tục nhiều ngày qua ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của hoa”.

TS Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT H.Chợ Lách, phân tích thêm: “Mưa dầm khiến độ ẩm cao, bộ rễ của hoa kiểng sẽ khó hấp thu dinh dưỡng, mầm bệnh dễ phát sinh - nhất là các loại hoa như cúc mâm xôi. Do đó, người sản xuất sẽ tốn thêm chi phí trị bệnh, công chăm sóc nhưng hoa kiểng cũng khó đẹp như mong muốn”.

Theo Phòng NN-PTNT H.Chợ Lách, đợt hạn mặn đầu năm 2016, toàn huyện có hơn 3.000 ha hoa kiểng, cây giống và cây ăn trái bị thiệt hại, khiến người dân mất trắng hơn 100 tỉ đồng. Hiện nhiều hộ phải vay vốn để tập trung đầu tư cho vụ hoa kiểng tết 2017 với hi vọng trúng mùa, trúng giá nhằm gỡ lại thiệt hại vừa qua. Bà Nguyễn Thị Lệ Hoa (ở xã Long Thới, H.Chợ Lách) tâm sự: “Chúng tôi vừa o bế hoa kiểng, vừa theo dõi diễn biến thời tiết. Ai cũng cầu mong mưa dứt sớm, nắng ấm trở lại để hoa kiểng phát triển thuận lợi. Nếu vụ hoa kiểng tết này mất mùa, nhiều hộ sẽ lâm nợ”.

An Lạc

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/phap-phong-mua-hoa-kieng-tet-763823.html