Pháp lý chưa đồng bộ là nguyên nhân khiến các trường ngoài công lập vẫn bị 'kỳ thị'

Hội thảo "Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập" được tổ chức tại Hà Nội đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều trường ngoài công lập quan tâm vấn đề này.

GS Trần Phương gửi đến hội thảo nhiều ý kiến tâm huyết

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho rằng những chủ trương, chính sách xã hội hóa của Nhà nước đã mở lối cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập ra đời. Tuy nhiên cho tới nay, hệ thống trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vướng mắc bởi hành lang pháp lý chưa đồng bộ, cản trở sự phát triển của các trường ngoài công lập, dẫn đến nhiều điều bất cập trong quản lý khiến quy mô sinh viên giảm sút, chất lượng cũng không được đồng đều, nhận rất nhiều sự "kỳ thị" của xã hội.

Chia sẻ tại hội thảo, GS Trần Phương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng loại hình trường hoạt động không vì lợi nhuận sẽ không thu hút được nhà đầu tư do đó không có nguồn vốn lớn ngay từ đầu. Việc mở mã ngành của nhà trường lại gặp rất nhiều khó khăn vì việc mở mã ngành phải do Sở GD-ĐT quyết định, tuy nhiên Sở lại không dám quyết định vấn đề cho trường mở mã vì không đúng chuyên môn.

"Các trường muốn mở mã ngành thì phải có giảng viên là tiến sĩ của mã ngành đó. Tuy nhiên, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chưa thể mở mã ngành ngôn ngữ vì chuyên ngành này ít có người là tiến sĩ và 2 năm nay trường vẫn không thể mở được mã ngành ngôn ngữ. Chính vì thế nhà trường đang đề xuất Bộ GD-ĐT thay đổi với yêu cầu các giảng viên là thạc sĩ để phù hợp hơn", GS Trần Phương cho hay.

Sinh viên trường Đại học Công nghệ Đồng Nai hướng dẫn cho các em học sinh ghi vào đơn xét tuyển của trường

Trong buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh rằng chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Việc tăng quy mô giáo dục đại học không tương xứng với các điều kiện bảo đảm chất lượng, trong khi công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới chất lượng đào tạo chưa tốt. Chương trình đào tạo chậm được đổi mới, còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, thiếu sự gắn kết giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Bộ GD-ĐT cũng rất chú ý tới sự phát triển của các trường ngoài công lập, không có chuyện phân biệt đối xử hay có sự khác biệt về quy chế pháp lý như các trường đã nêu.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng thừa nhận tâm lý xã hội vẫn có sự phân biệt đối xử. Ví dụ một số ngành giao cho các trường ngoài công lập đào tạo thì dư luận phản ứng rằng những ngành đó các trường này không đào tạo được. “Dư luận không hề biết trường ngoài công lập đầu tư rất tốt, tốt hơn nhiều so với các trường công lập nên không có lý gì họ không thể mở chuyên ngành đào tạo theo đúng quy định. Và chúng ta nên đối xử công bằng với các trường ngoài công lập để họ có thể phát triển trong hệ thống giáo dục nói chung”, ông Ga nhấn mạnh.

Các trường ngoài công lập luôn coi trọng công tác tuyển sinh

Thứ trưởng cũng cho biết hiện nay Bộ GD-ĐT đang thành lập tổ công tác để khảo sát, đánh giá lại hội đồng của các trường ngoài công lập trong 7 lĩnh vực: cơ chế chính sách, đội ngũ giáo viên, cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, tình hình tuyển sinh, nghiên cứu và hoạt động hợp tác quốc tế. Dựa trên bản đánh giá, tổ công tác sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ về những điều chỉnh cần thiết để xây dựng lại hệ thống các quy định liên quan đến các trường đại học ngoài công lập về phát triển lâu dài.

Chia sẻ với phóng viên, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Đồng Nai Phan Ngọc Sơn khẳng định các loại hình nhà trường không vì lợi nhuận thì sẽ không thu hút được nhà đầu tư mà buộc các trường phải có nguồn vốn lớn ngay từ đầu. Tuy nhiên, do cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận không phải chia lợi nhuận và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nên quỹ tích lũy không chia của trường ngày càng lớn mạnh. Các trường sẽ để một quỹ để dành cho sự phát triển cơ sở vật chất, tái đầu tư vào sự nghiệp giáo dục. Với những ưu điểm này, đa số ý kiến trong hội thảo đều cho rằng nên khuyến khích mô hình tư thục không vì lợi nhuận để sự phát triển ổn định của trường được đảm bảo. Để tránh xung đột nội bộ, các trường tư nên quản lý theo mô hình một thành viên, tức là có một công ty hoặc một quỹ quản lý toàn bộ vốn của trường.

Đồng tình với ý tưởng này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết đây là mô hình nhiều nước đã áp dụng và Bộ GD-ĐT cũng sẽ nghiên cứu kỹ mô hình này. “Các trường muốn phát triển lâu dài thì nên quan tâm đến mô hình này. Như vậy, các vấn đề liên quan đến cổ đông, cổ tức sẽ thông qua công ty hay một tổ chức tài chính lo, còn trường chỉ chuyên tâm cho phát triển đào tạo. Chứ như hiện nay, các trường vừa phải lo đào tạo vừa lo tài chính, lại vừa phải tính toán để phân chia lợi nhuận, cổ tức...”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.

Dạ Thảo

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/phap-ly-chua-dong-bo-la-nguyen-nhan-khien-cac-truong-ngoai-cong-lap-van-bi-ky-thi-52574.html