Pháp luật và thực tiễn về VKSND trong tố tụng dân sự (kỳ 2)

Trong Điều 21 BLTTDS có quy định là: VKSND tham gia các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ… Vấn đề đặt ra với quy định này là: có vụ án dân sự nào mà Tòa án không tiến hành thu thập chứng cứ không, vì nếu Tòa án không tiến hành thu thập chứng cứ thì không có hồ sơ vụ án để xét xử.

Kỳ 2: Quy định thiếu khái quát, không thực tiễn

Thẩm quyền của VKSND trong tố tụng dân sự

Theo quy định của Điều 21 BLTTDS thì VKSND tham gia tố tụng dân sự như sau:

- Tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự.

- Tham gia các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần.

- Tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

- Viện trưởng VKSNDTC có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới, theo quy định của pháp luật và có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

VKS tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS và Luật Tố tụng hành chính (Ảnh minh họa)

Viện trưởng VKSND cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết của Tòa án cấp dưới giải quyết theo thủ tục sơ thẩm và có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện, theo quy định của pháp luật.

Quy định trong BLTTDS về nội dung phát biểu của KSV tại phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự.

a. Tại phiên tòa sơ thẩm: Trong Điều 234 BLTTDS có quy định như sau: “… KSV phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, HĐXX, việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm HĐXX nghị án”.

b. Tại phiên tòa phúc thẩm. Trong Điều 273a BLTTDS có quy định như sau: “… KSV phát biểu ý kiến của VKS về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm.

c. Tại phiên họp giải quyết việc dân sự. Tại điểm g khoản 1 Điều 314 BLTTDS có quy định như sau: “KSV phát biểu ý kiến của VKS về việc giải quyết việc dân sự”.

Hiểu như thế nào là đúng với quy định của pháp luật?

Quy định của pháp luật tố tụng dân sự về địa vị tố tụng của VKSND mà chúng tôi trích dẫn, trình bày ở trên đã phát sinh trong thực tiễn vấn đề hiểu như thế nào là đúng với quy định của pháp luật vì có mâu thuẫn.

Trong Điều 21 BLTTDS có quy định là: VKSND tham gia các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ… Vấn đề đặt ra với quy định này là: có vụ án dân sự nào mà Tòa án không tiến hành thu thập chứng cứ không, vì nếu Tòa án không tiến hành thu thập chứng cứ thì không có hồ sơ vụ án để xét xử. Theo quy định trong BLTTDS thì Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ như sau:

Hình thức 1: Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 58, Điều 79, khoản 1 Điều 85 và Điều 165 BLTTDS. Theo quy định tại các điều luật này thì đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) khi nộp đơn khởi kiện tại Tòa án hoặc có yêu cầu phản đối với đương sự khác đều phải giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là đúng đắn và hợp pháp. Theo quy định tại khoản 1 Điều 85 BLTTDS, trường hợp Thẩm phán Tòa án nhận thấy tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ, Thẩm phán yêu cầu đương sự nộp bổ sung tài liệu chứng cứ cho đầy đủ. Đương sự tự chịu trách nhiệm và chịu hậu quả pháp lý về việc giao nộp không đầy đủ tài liệu chứng cứ.

Hình thức 2: Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ theo các điều luật thuộc hình thức 1 ở trên và còn thực hiện thêm theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 58 và khoản 2 Điều 85 BLTTDS. Hình thức này trong trường hợp đương sự đã nộp chứng cứ, tài liệu cho Tòa án, nhưng còn thiếu tài liệu, chứng cứ mà tài liệu, chứng cứ còn thiếu đó đương sự không thể tự mình thực hiện và có đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ của vụ án, thì Tòa án căn cứ khoản 2 Điều 85 BLTTDS tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật để việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.

Nghiên cứu các quy định trong BLTTDS hiện hành, không thấy có điều luật nào quy định, Tòa án không phải tiến hành thu thập chứng cứ mà vẫn đưa vụ án dân sự ra xét xử, mà chỉ có quy định Tòa án phải tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ của vụ án. Điều 85 BLTTDS còn quy định rõ là: Trường hợp Thẩm phán Tòa án nhận thấy tài liệu, chứng cứ của vụ án chưa đầy đủ, Thẩm phán phải yêu cầu đương sự nộp bổ sung tài liệu chứng cứ cho đầy đủ. Nếu Thẩm phán không yêu cầu đương sự nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ thì Thẩm phán có lỗi là không nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Mặt khác, Thẩm phán còn phải thu thập chứng cứ của vụ án theo quy định trong khoản 1 Điều 58 BLTTDS khi đương sự đề nghị.

Vậy hiểu như thế nào là đúng với quy định trong Điều 21 BLTTDS là: “… VKSND tham gia các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ…”?

Hiện nay, các vụ án dân sự, Tòa án vẫn tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ của vụ án, chỉ có vấn đề là tiến hành thu thập chứng cứ theo hình thức nào mà thôi. Nếu các vụ án dân sự Tòa án đều thu thập chứng cứ, thì VKSND phải tham gia các phiên tòa sơ thẩm đối với vụ án đó. Như vậy quy định trong Điều 21 BLTTDS về việc VKSND tham gia các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ là không khái quát, không có ý nghĩa thực tiễn, cần sửa đổi hoặc có văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn nhận thức thống nhất về quy định này.

(Còn nữa)

Nguyễn Văn Chỉnh

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/phap-luat-va-thuc-tien-ve-vksnd-trong-to-tung-dan-su-ky-2-c1034n20120410185534906p0.htm