Pháp luật và thực tiễn về VKSND trong tố tụng dân sự (kỳ 1)

Điều 137 của Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: “VKSNDTC thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Các VKSND địa phương, các VKS quân sự thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong phạm vi trách nhiệm do luật định”.

Kỳ 1: Vị trí VKSND trong tố tụng dân sự

Căn cứ vào Điều 137 của Hiến pháp, trong Luật Tổ chức VKSND được Quốc hội thông qua ngày 2-4-2002, tại Điều 1 có quy định nội dung sau đây: “VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật” và trong Chương IV của Luật Tổ chức VKSND có quy định về kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.

VKS tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS và Luật Tố tụng hành chính (Ảnh minh họa)

Cũng căn cứ vào Điều 137 của Hiến pháp, BLTTDS có quy định nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Nguyên tắc này quy định tại Điều 21 BLTTDS như sau: “1. VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật.

2. VKSND tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự, các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần.

3. VKSND tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm”.

Từ nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự quy định tại Điều 21 BLTTDS nên trong các chương của BLTTDS quy định về phiên tòa sơ thẩm (chương XIV), về tính chất của xét xử phúc thẩm và kháng cáo, kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm (chương XV), về chuẩn bị xét xử phúc thẩm (chương XVI), về thủ tục xét xử phúc thẩm (chương XVII), về thủ tục giám đốc thẩm (chương XIII) về thủ tục tái thẩm (chương XIX), về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC (chương XIXa), về thủ tục giải quyết việc dân sự (chương XX) đều quy định về VKSND thực hành quyền giám sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng dân sự đối với từng giai đoạn tố tụng dân sự.

Nguyên tắc VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự quy định tại Điều 21 BLTTDS là kế thừa các văn bản pháp luật tố tụng dân sự trước đây. Một chi tiết thú vị là Điều 63 của Hiến pháp năm 1946 được Quốc hội thông qua ngày 9-11-1946 quy định cơ quan tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa gồm có:

“a. TANDTC

b. Các Tòa phúc thẩm

c. Các Tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp”.

Theo quy định này của Hiến pháp năm 1946, từ ngày 9-11-1946 đến trước ngày thi hành Hiến pháp năm 1959 thì nước ta chưa tổ chức VKS để kiểm sát việc tuân theo pháp luật.

Ngày 31-12-1959, Quốc hội thông qua Hiến pháp (sau đây viết tắt là Hiến pháp năm 1959), Điều 105 của Hiến pháp năm 1959 có quy định như sau: “VKSNDTC nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan Nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan Nhà nước và công dân. Các VKSND địa phương và VKS quân sự có quyền kiểm sát trong phạm vi do luật định”. Theo Điều 105 của Hiến pháp năm 1959 thì từ năm 1960 trở đi, nước ta bắt đầu tổ chức VKSNDTC và VKSND các địa phương để kiểm sát việc tuân theo pháp luật.

Thời kỳ đầu thi hành Hiến pháp năm 1959, TANDTC có văn bản tố tụng hướng dẫn các cấp Tòa án khi giải quyết vụ việc dân sự có đại diện VKSND tham gia tố tụng theo quy định của Luật Tổ chức VKSND.

Ngày 29-11-1989, Hội đồng Nhà nước thông qua Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (sau đây viết tắt là Pháp lệnh). Tại Điều 9 của Pháp lệnh có quy định như sau: “VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự theo quy định tại các Điều 12, 13a, 13b của Luật Tổ chức VKSND và những quy định của Pháp lệnh này” và nguyên tắc VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự vẫn được quy định trong BLTTDS năm 2004 được Quốc hội thông qua ngày 15-6-2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2005 và quy định trong BLTTDS sửa đổi, bổ sung ngày 29-3-2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012.

BLTTDS quy định nguyên tắc VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự là nhằm mục đích để người tiến hành tố tụng: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án và những người tham gia tố tụng: nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, luật sư, người làm chứng… phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án để việc giải quyết vụ án được đúng pháp luật.

(Còn nữa)

Đỗ Văn Chỉnh

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/phap-luat-va-thuc-tien-ve-vksnd-trong-to-tung-dan-su-ky-1-c1034n20120405192016531p0.htm