Pháp đứng đầu thế giới về 'quyền lực mềm'

Nước Pháp đã vượt qua hai nước Mỹ và Anh để chiếm vị trí thứ nhất thế giới về "quyền lực mềm". Kết quả này vừa được Hãng Quan hệ công chúng Portland công bố, căn cứ vào những chuyển biến tích cực trong thời gian vừa qua của Pháp về vai trò của chính phủ mới, ảnh hưởng của văn hóa và sự hấp dẫn đối với du khách.

Hằng năm, hãng Portland tiến hành nghiên cứu và đưa ra bảng xếp hạng gồm 30 nước có sự ảnh hưởng lớn nhất đối với thế giới thông qua các nỗ lực ngoại giao và sức hấp dẫn chứ không phải sự ảnh hưởng do sức mạnh quân sự hay kinh tế.

Năm 2015, nước Anh đứng thứ nhất, sau đó tới nước Mỹ trong năm 2016. Như vậy nước Pháp đã vươn lên rất nhanh từ vị trí thứ 4 và 5 trong hai năm vừa qua. Năm nay, nước Mỹ tụt xuống thứ 3, đứng sau nước Anh.

Báo chí Pháp trích ý kiến phân tích của báo cáo này cho thấy, vị trí của Pháp và Mỹ có sự thay đổi chủ yếu từ các cuộc bầu cử tổng thống vừa qua với hai gương mặt lãnh đạo rất mới trên chính trường. Đó là Tổng thống Emmanuel Macron và Donald Trump, có hai quan điểm đối ngoại khác hẳn nhau.

Quyền lực mềm của Pháp đã tăng lên rất nhiều sau khi đảng cựu hữu Mặt trận Quốc gia bị thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống và ông Emmanuel Macron, với quan điểm cởi mở, trở thành Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử của Pháp. Trong khi đó, quan điểm "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump đã tạo nên sự xáo trộn trong chính sách ngoại giao của nước này, giảm bớt sự tham gia, đóng góp cũng như vai trò đối với các đồng minh hay liên minh trên thế giới. Như vậy, các động thái ngoại giao của Tổng thống Donald Trump đã thay đổi quan điểm của thế giới về vai trò của siêu cường quốc này.

Theo báo cáo của hãng Portland, những cải cách của Tổng thống Emmanuel Macron đang tạo nên những thay đổi tích cực về kinh tế, việc làm, đồng thời thể hiện vai trò tiên phong của nước Pháp ở trong khối EU. Trong thời gian tới, Pháp có thể giành được sự ảnh hưởng lớn hơn nữa trên toàn cầu vì chiến lược ngoại giao cởi mở với nhiều lãnh đạo thế giới của Tổng thống Pháp trong thời gian ngắn vừa qua đã nhận được phản hồi tích cực của dư luận.

Dù có ý kiến cho rằng ông E. Macron dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động đối ngoại, nhiều người dân Pháp vẫn ủng hộ vì mục đích khôi phục lại vai trò cường quốc của nước Pháp. Chưa có kết quả cụ thể, nhưng Tổng thống Pháp đã thuyết phục Thủ tướng Đức Angela Merkel xem xét việc điều chỉnh và sửa đổi các hiệu ước EU và mới đây là ý kiến của Tổng thống Donald Trump cho biết có thể sẽ không rút hẳn hỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

Bên cạnh những nỗ lực tích cực của Tổng thống E. Macron, báo cáo đánh giá rằng sức mạnh mềm của Pháp còn được huy động thông qua mạng lưới ngoại giao của nước này ở các tổ chức đa phương và quốc tế cũng như các hoạt động ngoại giao văn hóa. Dù nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố vẫn còn, du khách quốc tế vẫn đến Pháp rất đông để thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc, các di sản, ẩm thực...

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/33505202-phap-dung-dau-the-gioi-ve-quyen-luc-mem.html