Pháp chế chuyên ngành Đường thủy nội địa góp phần hội nhập khu vực và quốc tế

Pháp luật là phương tiện để Nhà nước quản lý mọi hoạt động của đời sống xã hội; thiết lập, duy trì, củng cố, tăng cường quyền lực Nhà nước. Ngoài những bộ luật chung, còn có các luật chuyên ngành.

1. Nhận thức chung về pháp luật và pháp chế

Pháp luật là phương tiện để Nhà nước quản lý mọi hoạt động của đời sống xã hội; thiết lập, duy trì, củng cố, tăng cường quyền lực Nhà nước. Ngoài những bộ luật chung, còn có các luật chuyên ngành.

Pháp luật là phương tiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân, góp phần tạo dựng mối quan hệ mới, tăng cường bang giao hữu nghị giữa các quốc gia. Pháp luật được xây dựng trên cơ sở hoàn cảnh lịch sử, địa lý cụ thể của mỗi quốc gia.

Nhà nước thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, của công dân; ngăn ngừa những biểu hiện lộng quyền, thiếu trách nhiệm đối với công dân, đồng thời bảo đảm cho mỗi công dân thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ với Nhà nước và các công dân khác. Vì vậy, trong lịch sử loài người và ở Việt Nam nói riêng, pháp luật hình thành rất sớm.

Bộ luật Hammurabi là văn bản luật cổ nhất tương đối hoàn chỉnh của con người thời kỳ cổ đại còn được bảo tồn khá tốt cho tới bây giờ, gồm 282 Điều. Bộ luật được tạo ra vào khoảng những năm 1760 trước công nguyên tại Babylon. Tên bộ luật được đặt theo người ban hành nó là vị vua thứ sáu của Babylon - Hammurabi. Bộ luật Hammurabi được phát hiện năm 1901 của đoàn khảo cổ người Pháp, khắc trên đá bazan cao 2,25m và dựng tại quảng trường thành phố cho nhân dân đọc mà thi hành.

Ở nước ta, thời vua Lê Thánh Tông đã thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật. Bộ luật Hồng Đức được xây dựng vào giai đoạn 1470 - 1497 gồm 6 quyển, 13 Chương, 722 Điều. Đầu thế kỷ IX, vua Gia Long khi cho soạn bộ “Hoàng Việt luật lệ” cũng tham khảo và đánh giá cao nội dung của Bộ luật Hồng Đức. Đến những năm 90 của thế kỷ XX, Trường Đại học Chio của Hoa Kỳ đã cho dịch Bộ luật Hồng Đức sang tiếng Anh để làm tài liệu nghiên cứu.

Muốn thực hiện được mục tiêu của pháp luật phải thực hiện nghiêm công tác pháp chế trong việc thi hành luật

Pháp chế là một chế độ đặc biệt của đời sống chính trị - xã hội, trong đó tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, nhân viên nhà nước và mọi công dân đều phải tôn trọng và thực hiện pháp luật. Pháp chế là một khái niệm rộng bao gồm nhiều mặt. Một là, pháp chế là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Hai là, pháp chế là nguyên tắc hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể quần chúng. Ba là, pháp chế là nguyên tắc xử sự của công dân. Như vậy, pháp chế liên quan mật thiết đến pháp luật. Pháp luật và pháp chế là hai khái niệm gần nhau nhưng không đồng nhất với nhau. Pháp chế là một phạm trù thể hiện những yêu cầu và sự đỏi hỏi đối với các chủ thể pháp luật phải tôn trọng và triệt để thực hiện pháp luật. Pháp luật chỉ có thể phát huy được hiệu lực của mình khi được dựa trên cơ sở vững chắc của nền pháp chế và ngược lại, pháp chế chỉ có thể được củng cố và tăng cường khi có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh.

Lực lượng chuyên ngành đảm bảo TTATGT thủy trên tuyến sông Hồng

Lực lượng chuyên ngành đảm bảo TTATGT thủy trên tuyến sông Hồng

2. Pháp luật và pháp chế là yếu tố hàng đầu trong quản lý chuyên ngành Đường thủy nội địa (ĐTNĐ), góp phần hội nhập khu vực và quốc tế

Ở nước ta hiện nay, hệ thống pháp luật tuy còn phải tiếp tục bổ sung, sửa đổi, song về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quản lý của Nhà nước cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.

Về lĩnh vực chuyên ngành ĐTNĐ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ, đồng bộ. Đã có Luật Giao thông ĐTNĐ được Quốc hội ban hành ngày 15/6/2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2005. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông ĐTNĐ được Quốc hội ban hành ngày 17/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015; có 11 Nghị định, Quyết định của Chính phủ và 58 Quyết định, Thông tư của Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngoài ra còn nhiều văn bản ban hành theo thẩm quyền của Cục ĐTNĐ Việt Nam và các địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, tuyên truyền thực hiện pháp luật và hiệp định chuyên ngành về ĐTNĐ.

Về lĩnh vực hội nhập khu vực và quốc tế, ngoài các bộ luật cơ bản như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Doanh nghiệp… và hệ thống pháp luật của các lĩnh vực khác trong mọi mặt của đời sống xã hội, Việt Nam còn tham gia và hoàn tất 12 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong số đó có 8 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi, đó là Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA, ký kết năm 1996) và 5 FTA giữa ASEAN với các đối tác (FTA giữa ASEAN và Trung Quốc; FTA giữa ASEAN và Hàn Quốc; FTA giữa ASEAN và Nhật Bản; FTA giữa ASEAN và Ấn Độ; FTA giữa ASEAN và Australia - New Zealand); 2 FTA song phương (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản và Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Chile).

Các hiệp định đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực là FTA Việt Nam - Hàn Quốc (ký kết ngày 5/5/2015) và FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (ký ngày 29/5/2015). Các FTA thế hệ mới đã kết thúc đàm phán gồm FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA, công bố ngày 4/8/2015) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, công bố ngày 5/10/2015. Ngày 29/5/2015, Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU - bao gồm các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) đã chính thức ký kết FTA Việt Nam - EAEU.

Về lĩnh vực ĐTNĐ, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã ký kết hiệp định về vận tải thủy. Việt Nam và Trung Quốc đã kết thúc vòng đàm phán thứ 6 về Hiệp định tàu thuyền tự do đi lại ở cửa sông biên giới Bắc Luân (từ thượng lưu bãi Tục Lãm đến điểm đầu của đường phân định vịnh Bắc Bộ dài 14km). Để tận dụng tốt lợi thế từ AFTA và FTA mang lại, đồng thời hạn chế thiệt hại từ việc mở cửa thị trường theo các cam kết, chúng ta đã xây dựng nhiều giải pháp ứng phó, trong đó giải pháp trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta hệ thống đường thủy vô cùng phong phú. Nếu so sánh sông của 5 nước châu Á (Việt Nam, Trung Quốc, Băngladet, Myanma và Thái Lan) thì Việt Nam đứng đầu về mật độ (0,127km sông/1km2), Trung Quốc và Băngladet đứng thứ hai (0,04km sông/1km2), Thái Lan và Myanma đứng thứ ba (0,01km sông/1km2). Việt Nam có 3.260km bờ biển, có hơn 100 cửa sông đổ ra biển; có 2 sông lớn là sông Cửu Long dài 4.800km chảy qua Trung Quốc, Myanma, Lào, Thái Lan, Campuchia chảy vào Việt Nam, đổ ra biển ở 9 cửa. Sông Hồng dài 1.126km từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam, đổ ra biển và một số sông biên giới hoặc xuyên biên giới khác như: Sông Bắc Luân, sông Sê San, sông Mã… Với lợi thế mạng lưới sông, kênh dày đặc, bờ biển dài, gần đường hàng hải quốc tế, rất thuận lợi cho việc kết nối vận tải đường thủy với các nước Đông Nam Á và thế giới.

Sau 30 năm đổi mới, hội nhập khu vực và quốc tế, Việt Nam đã và đang đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, ngoại giao và ổn định chính trị. Tuy nhiên, các văn kiện của Đảng, Nhà nước cùng với nhận định của giới khoa học, chuyên gia kinh tế thừa nhận tình trạng tăng trưởng còn thiếu tính bền vững, do đó cần có các chiến lược phát triển vừa toàn diện, vừa có tính đột phá nhằm xây dựng một xã hội phát triển hài hòa về kinh tế, môi trường và công bằng xã hội dựa trên nền tảng văn hóa và thực hiện nghiêm pháp luật, pháp chế nói chung và trong GTVT ĐTNĐ nói riêng.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “5 năm tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức tiếp tục được đẩy mạnh. Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á đã trở thành một cộng đồng, tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa lý- kinh tế - chính trị chiến lược ngày càng quan trọng.

3. Những giải pháp chủ yếu

Theo định hướng Đại hội XII của Đảng, để pháp luật và pháp chế thực sự là yếu tố hàng đầu trong quản lý chuyên ngành ĐTNĐ và thúc đẩy hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế theo các hiệp định thương mại tự do song phương mà Việt Nam đã và sẽ ký kết, cần thực hiện quyết liệt hơn nữa những nội dung chủ yếu sau đây:

Bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện luật lệ, cơ chế chính sách chuyên ngành ĐTNĐ, cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp, kiện toàn công tác tổ chức cán bộ; đào tạo, tuyển chọn, bố trí, sắp xếp đội ngũ CBCNV có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đáp ứng yêu cầu từng vị trí trong công tác xây dựng pháp luật và thực thi pháp chế chuyên ngành ĐTNĐ.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho mọi đối tượng quản lý, tham gia giao thông thủy; bố trí nguồn kinh phí cần thiết, đáp ứng nhu cầu hoạt động của bộ máy, trang thiết bị xây dựng và thực thi pháp luật trong mọi lĩnh vực hoạt động GTVT ĐTNĐ.

Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách như: Kết nối vận tải ĐTNĐ với các phương thức vận tải khác; đẩy mạnh phát triển vận tải sông pha biển, vận tải đa phương thức, logistics; giảm thiểu tác động môi trường, cải thiện ATGT; phát triển kết cấu hạ tầng GTVT theo hướng hiện đại, đồng bộ cả về luồng tuyến, cảng, bến, công nghệ quản lý, xếp dỡ; phát huy mọi nguồn lực trong và ngoài nước; nâng cao chất lượng quản lý, bảo trì công trình giao thông. Khối lượng vận tải hàng hóa bằng ĐTNĐ hiện tại là 18%, phấn đấu đến năm 2020 đạt 28 - 32% so với khối lượng vận tải toàn Ngành.

Cần nhận thức đầy đủ và biến thành hành động cụ thể, thiết thực trong việc thực thi pháp chế chuyên ngành ĐTNĐ trong tổng thể nền pháp chế của nước nhà q

Lê Hữu Khang - Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Đường sông Việt Nam

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/phap-che-chuyen-nganh-duong-thuy-noi-dia-gop-phan-hoi-nhap-khu-vuc-va-quoc-te-d29122.html