Pháo nổ vẫn lén lút 'vượt biên'

Vào khoảng thời gian càng gần tết Nguyên đán, trên địa bàn Lạng Sơn, mặt hàng pháo nổ nhập lậu lại rộ lên. Vì lợi nhuận, các đối tượng không từ thủ đoạn nào để vận chuyển mặt hàng cấm này.

Tang vật 48 kg pháo nổ bị Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma phối hợp bắt giữ ngày 19-8. Ảnh: Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma cung cấp .

Trao đổi về tình hình vận chuyển pháo nổ trái phép qua cửa khẩu trong thời gian qua, lãnh đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma, Cốc Nam và Tân Thanh- Cục Hải quan Lạng Sơn có chung nhận định: Đây là thời điểm các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách để vận chuyển pháo các loại về Việt Nam. Mặc dù đây chưa phải thời điểm có nhu cầu cao về pháo nổ, nhưng đây là thời điểm hàng rẻ, các đối tượng mua, vận chuyển vào nội địa, găm hàng chờ thời điểm thích hợp để bán.

Trên thực tế, trong thời gian qua, lực lượng chống buôn lậu của Hải quan Lạng Sơn đã phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng buôn bán, vận chuyển pháo nổ. Do đây là loại hàng hóa có lợi nhuận khá cao, các đối tượng buôn lậu pháo nổ thường xuyên thay đổi phương thức mua bán, vận chuyển, nên công tác đấu tranh, phòng chống của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, hiện các đối tượng buôn lậu lợi dụng người dân ngay trên địa bàn xã biên giới ở gần khu vực cửa khẩu để vận chuyển thuê pháo nổ trái phép. Do hoàn cảnh, một số bà con cư dân biên giới thuộc các xã Yên Khoái (Lộc Bình), xã Tân Thanh (Văn Lãng) đã tham gia vận chuyển thuê pháo nổ trái phép.

Ông Nông Văn Vịnh, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, chỉ trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, lực lượng chống buôn lậu của Hải quan đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển pháo nổ trái phép, thu giữ 77,6 kg pháo nổ các loại. Điều này cho thấy, các “đầu nậu” buôn bán pháo nổ trái phép đã đẩy mạnh hoạt động, phương thức thủ đoạn chủ yếu là vận chuyển qua các đường mòn, khu vực hai bên cánh gà cửa khẩu và găm, giấu pháo trên các xe hàng XNK qua các cửa khẩu.

Đại diện Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết thêm, có thời điểm chỉ trong một ngày Tổ công tác chống buôn lậu của đơn vị đã bắt giữ 2 vụ, với 2 đối tượng vận chuyển pháo nổ trái phép qua cửa khẩu. Hình thức các đối tượng vận chuyển là cài cắm pháo vào các thùng hàng hoa quả, gửi xe ô tô chở hàng hoa quả để qua cửa khẩu.

Thống kê cho thấy, từ đầu quý II đến nay, các đơn vị thuộc Cục Hải quan Lạng Sơn đã phát hiện và xử lý 15 vụ vận chuyển pháo trái phép, thu 265,2kg pháo nổ các loại. Ngày 19-8, tại khu vực mốc 1237, mốc 1238 thuộc xã Tú Mịch, Tổ Kiểm soát chống buôn lậu, Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma đã phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy, Công an huyện Lộc Bình theo dõi, phát hiện trong những bao tải mà đối tượng vận chuyển có pháo nổ các loại do Trung Quốc sản xuất, trọng lượng 48 kg. Tại trụ sở Công an huyện Lộc Bình, đối tượng khai nhận tên là Đặng Thị Nhung, sinh năm 1984, trú tại thôn Cò Peo, xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, được một người không rõ tên đưa tiền sang Trung Quốc mua pháo sau đó đưa về Thái Nguyên tiêu thụ.

Hay gần đây nhất (ngày 10-9) Chi cục Hải quan Tân Thanh, phối hợp với PC45- Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ và xử lý đối tượng Nguyễn Văn Quang và Phùng Văn Biên, đều trú tại Bắc Giang, khi đang vận chuyển 9 kg pháo nổ trái phép vào Việt Nam.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ vận chuyển pháo trái phép bị lực lượng chức năng bắt giữ. Qua trao đổi với phóng viên, đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, việc phát hiện, bắt giữ các hành vi buôn bán, vận chuyển pháo không phải dễ dàng, bởi thủ đoạn của tội phạm buôn bán pháo ngày càng tinh vi, pháo lậu được chia thành nhiều công đoạn, vận chuyển vào lúc tối trời. Nhiều loại nguy hiểm như: Pháo trứng, pháo lựu đạn, pháo ném, pháo cối... được các đối tượng cất giấu lẫn với các loại hàng hóa gửi trên xe khách, rồi cho chủ xe số điện thoại để liên lạc, hòng thoát ly vật chứng khi bị phát hiện. Sau khi có đơn “đặt hàng”, đối tượng chủ mưu, cầm đầu liên lạc với đối tượng cung cấp pháo qua điện thoại hẹn địa điểm, thời gian và phương thức giao hàng. Khi bị bắt giữ, hàng là vô chủ nên lực lượng chức năng cũng rất khó có cơ sở để xác định chủ hàng. Cũng qua các vụ bắt giữ cho thấy nhiều vụ, đối tượng bị bắt giữ chỉ là người vận chuyển thuê cho chủ hàng…

Nắm được quy định của pháp luật nên để tránh bị truy tố hình sự, các đối tượng thường vận chuyển dưới 10 kg pháo (theo quy định, vận chuyển từ 10 kg trở lên sẽ bị truy tố hình sự-PV) và chia ra thành các gói nhỏ, cho nhiều người cầm qua. Khi qua được biên giới, chủ hàng sẽ thu gom lại và bằng nhiều cách khác nhau để đưa sâu vào nội địa tiêu thụ.

Để quyết liệt đấu tranh với các hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ trái phép qua biên giới, ông Nông Văn Vịnh- Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, ngay từ cuối tháng 8, lực lượng Hải quan Lạng Sơn đã phối hợp với Biên phòng, Công an huyện, xã biên giới tiến hành rà soát các thôn thường xuyên có bà con sang Trung Quốc lao động để tuyên truyền, vận động người dân “nói không với pháo”, không tiếp tay, vận chuyển thuê pháo nổ qua biên giới. Cùng đó, quyết tâm đấu tranh ngăn chặn loại hàng cấm này, Hải quan Lạng Sơn đã tổ chức nhiều biện pháp nghiệp vụ, thường xuyên tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát tại các đường mòn, đường tắt, lập chốt chặn tại khu vực cửa khẩu.

Buôn lậu pháo nổ: Từ phạt tiền đến phạt tù

Theo Điểm b và Điểm d, Phần 1 Mục III Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC quy định: Số lượng pháo nổ từ 10 kg đến dưới 50 kg (được coi là số lượng lớn): Người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 153 Bộ luật Hình sự (phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm) hoặc khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự (phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm). Số lượng pháo nổ từ 50 kg đến dưới 150 kg (được coi là số lượng rất lớn): Người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 153 Bộ luật Hình sự (phạt tù từ 3 đến 7 năm) hoặc khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự (phạt tù từ 3 năm đến 10 năm). Số lượng pháo nổ từ 150 kg trở lên (được coi là số lượng đặc biệt lớn): Người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 153 Bộ luật Hình sự (phạt tù từ 7 năm đến 15 năm) hoặc Điều 155 (phạt tù từ 8 năm đến 15 năm).

Cũng theo quy định tại khoản 4, Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi mua, bán các loại vật liệu nổ; sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo.

Hành vi buôn bán pháo nổ theo quy định Điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có thể bị xử phạt mức thấp nhất là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 500 nghìn đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị dưới 1 triệu đồng; mức xử phạt cao nhất là 100 triệu đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi sản xuất pháo nổ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức gấp 2 lần mức tiền phạt quy định đối với hành vi buôn bán pháo nổ. Người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Đảo Lê - Mai Loan

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/phao-no-van-len-lut-vuot-bien.aspx