Phân luồng học sinh sau THCS và THPT

ND- Trong xã hội lâu nay vẫn tồn tại cách nghĩ, chỉ vào đại học mới có danh tiếng, dẫn đến nạn "bằng cấp" khi tuyển dụng ở các cơ quan, doanh nghiệp; trong khi nhu cầu nguồn nhân lực không chỉ cần đến "thầy" mà cần cả "thợ".

Mặt khác các cơ sở đào tạo "thợ" cũng chưa được đầu tư đúng mức cả về số lượng và chất lượng, khiến bài toán đào tạo nguồn nhân lực, nhất là phân luồng sau trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) gặp nhiều khó khăn, ách tắc. Vấn đề là cần có những giải pháp đồng bộ từ nhiều phía. Chưa nhận thức đúng về phân luồng, hướng nghiệp Hơn 20 năm qua, hệ thống giáo dục nước ta phát triển mạnh ở tất cả các cấp học, từ mầm non đến đại học. Tuy nhiên, việc giúp học sinh có những hiểu biết về nghề nghiệp để định hướng phát triển, lựa chọn ngành nghề phù hợp sở thích cá nhân cũng như năng lực bản thân và nhu cầu xã hội còn nhiều hạn chế. Việc phân luồng học sinh THCS và THPT, tạo nền tảng quan trọng cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương hầu như chưa được đáp ứng. Theo Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Hoàng Ngọc Vinh, học sinh tốt nghiệp THCS sẽ vào học trong các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX), các trường dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và một phần tham gia thị trường lao động mà chưa được đào tạo nghề. Nhiều năm gần đây, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS không tiếp tục học chiếm tỷ lệ cao. Chỉ tính riêng năm học 2007-2008, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT là 70,7%, học bổ túc THPT là 7,5%, học trong các cơ sở dạy nghề và TCCN thấp, chỉ khoảng 1,8% đến 2,5%; còn lại khoảng 17,5% (khoảng 1,4 triệu học sinh) không tiếp tục học. Một số tỉnh có tỷ lệ học sinh học xong THCS không tiếp tục học khá cao như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình... Thực tế cho thấy, phần lớn học sinh tốt nghiệp THPT thường dự thi đại học, cao đẳng; không đỗ mới chuyển sang học TCCN hoặc học nghề. Số còn lại có thể ở nhà ôn tập và chờ năm sau thi tiếp hoặc tìm kiếm việc làm khác. Theo con số thống kê, quy mô tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm học 2007-2008 chiếm 43,8% học sinh tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, học sinh tốt nghiệp THPT vào học TCCN chiếm 30,3% và một số ít học nghề. Tuy nhiên, chỉ trong năm học 2007 - 2008, cả nước vẫn còn hơn 156 nghìn học sinh tốt nghiệp THPT không học nghề nào? Mặt khác, số học sinh bỏ học và trượt tốt nghiệp THPT còn khá nhiều, với khoảng hơn 224 nghìn em. Chính vì vậy, nếu cộng cả số học sinh tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học với số học sinh trượt tốt nghiệp và bỏ học thì hằng năm còn khoảng 400 nghìn em. Điều này gây lãng phí lớn vì nếu những học sinh này được học nghề từ sớm thì hiệu quả kinh tế, xã hội sẽ cao hơn nhiều. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nguyên nhân khiến việc phân luồng hướng nghiệp cho học sinh sau THCS, THPT hạn chế là do nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp chưa thật sự đúng đắn. Nhiều học sinh và gia đình không lượng được sức học của bản thân và điều kiện kinh tế gia đình để tìm con đường học nghề từ sớm, động cơ tham gia các lớp học nghề của học sinh bị lệch lạc. Trong khi đó, thông tin về thị trường lao động ở nước ta còn nghèo nàn, thiếu việc làm. Đáng chú ý, yếu kém của công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông do thiếu đội ngũ cán bộ giáo viên am hiểu tâm lý học nghề nghiệp, cũng như nhu cầu lao động các ngành nghề cũng gây trở ngại cho việc phân luồng học sinh. Nhiều trường chưa quan tâm chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp, thiếu sự phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn để đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp. Bên cạnh đó, quy mô và điều kiện của các cơ sở dạy nghề, TCCN chưa đáp ứng nhu cầu phân luồng học sinh. Chương trình đào tạo trong các trường TCCN và khả năng liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với các bậc học khác; nhất là lên cao đẳng, đại học còn bất cập. Việc mở rộng quá nhanh các trường THPT trong khi hệ thống các cơ sở đào tạo sau trung học chưa đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh tốt nghiệp THPT dẫn đến hiện tượng "dồn toa" khá lớn. Trong khi đó, chính sách khuyến khích đối với học sinh THCS học nghề; khuyến khích các trường nghề tuyển hệ tốt nghiệp THCS còn thiếu. Theo lãnh đạo Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Kiên Giang, thực tế đào tạo hơn mười năm của nhà trường cho thấy, học sinh học TCCN với hệ tuyển THCS thường rất thấp vì khó xin việc làm do khi tốt nghiệp còn quá trẻ, khả năng giao tiếp và tiếp cận thông tin có hạn chế về mặt nhận thức. Mặt khác, học sinh không theo kịp chương trình bậc học TCCN vì ngoài việc học các môn chung, môn học cơ sở, môn học chuyên ngành, học sinh hệ tốt nghiệp THCS còn phải học các môn văn hóa và phải thi tốt nghiệp nhiều môn, cho nên học sinh không mặn mà với việc vào học TCCN, học nghề. Đa dạng hóa công tác hướng nghiệp Việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT sẽ tạo nền tảng quan trọng cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng. Phân luồng học sinh cần có định hướng của cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương vừa phù hợp nhu cầu chung, vừa phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu nguồn nhân lực từng vùng, miền. Kinh nghiệm cho thấy, cần thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hướng nghiệp trong trường phổ thông theo hướng chuẩn hóa; hạn chế số giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp không được đào tạo hoặc đào tạo không đúng chuyên ngành. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thành lập các trung tâm đào tạo nghề, trường dạy nghề, trường TCCN; nhất là phát triển mạng lưới ở những vùng khó khăn, chất lượng giáo dục phổ thông nhiều hạn chế. Có chính sách trợ giúp tài chính cho học sinh dân tộc, học sinh nghèo và những cơ sở đào tạo tuyển học sinh tốt nghiệp THCS để đào tạo nghề, TCCN từ sớm. Đổi mới chương trình giáo dục hướng nghiệp và giáo dục nghề phổ thông theo hướng nâng cao năng lực tự đánh giá và kỹ năng tìm kiếm thông tin về ngành nghề và nhu cầu thị trường lao động cho học sinh phổ thông. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Thanh cho rằng, cần thống nhất hệ thống giáo dục, không còn phân định TCCN và trung cấp nghề. Nhà nước có chương trình cụ thể để phát triển giáo dục nghề nghiệp, trong đó có cả quy hoạch, xây dựng trường, chế độ chính sách, nhất là lập ban chỉ đạo hướng nghiệp phân luồng học sinh các cấp từ trung ương đến địa phương (xuống cả cấp xã). Mới đây, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng, xuất phát từ nhu cầu xã hội và năng lực của người học cho nên cần tăng cường tuyên truyền, đem những thông tin cần thiết rõ hơn cho mọi người về hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp. Cần hình thành một chương trình tổng hợp để không chỉ những người làm công tác giáo dục và đào tạo mà là toàn xã hội tham gia công tác hướng nghiệp. Rà soát lại chương trình hướng nghiệp sao cho phù hợp đặc điểm chung cũng như với đặc thù riêng từng địa phương. Chuẩn hóa chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề và có cơ chế liên thông trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học nhằm tránh tư tưởng chuộng bằng cấp, phát triển hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp hợp lý. Các cơ sở đào tạo cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, xác định nguyên tắc đào tạo theo nhu cầu, đào tạo có địa chỉ; công bố tỷ lệ học sinh học xong có việc làm. Mỗi cơ sở dạy nghề cần xác định danh sách doanh nghiệp, đơn vị là đối tác chiến lược ổn định lâu dài trong việc tiếp nhận nguồn nhân lực đã được đào tạo. UBND các tỉnh lên danh sách các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hướng nghiệp với vai trò mỗi doanh nghiệp là một đơn vị hướng nghiệp. Ngoài ra, học sinh THCS học nghề cần được ưu đãi và vận động xã hội xây dựng quỹ hỗ trợ người học nghề, hỗ trợ trường đào tạo nghề. Ngay từ cấp học THCS, THPT, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường, các địa phương đẩy mạnh đánh giá việc hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp cho học sinh; đồng thời dự báo nhu cầu xã hội về đào tạo nghề để tăng quy mô với cơ cấu hợp lý trong phát triển đào tạo nghề nghiệp, lấy đó làm căn cứ để phân luồng học sinh sau THCS và THPT, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=157715&sub=74&top=41