Phần lớn pháp luật Việt Nam về quản lý chuyên ngành đã tương thích với EVFTA

Nhìn chung, pháp luật quản lý chuyên ngành đáp ứng yêu cầu của quản lý Nhà nước. Điều này được thể hiện ở toàn bộ nội dung các luật, không phải một vài điều.

Công chức Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: Hồng Vân

Tuy nhiên, với các cam kết theo Hiệp định Thương mại tự do (FTA), một số quy định vẫn cần sự cải thiện. Đây là nhận định trong báo cáo rà soát pháp luật được Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) công bố tại Hội thảo tham vấn rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết EVFTA về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được tổ chức vào ngày 3-11 tại Hà Nội.

Kết quả tích cực

Hiện nay, Việt Nam đang chuẩn bị cho quá trình hội nhập khi FTA Việt Nam – EU (EVFTA) đã kết thúc đám phán. Hiệp định này dự kiến sẽ tạo ra những tác động lớn tới pháp luật và thể chế chính sách trong thời gian tới. Trong đó có các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Trong khi đó, theo đánh giá, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đang là lĩnh vực cải cách được Chính phủ đặc biệt chú trọng, nhằm khắc phục một trong những khía cạnh còn tồn tại, vướng mắc nổi cộm nhất, gây ảnh hưởng tới thời gian thông quan cũng như dòng lưu chuyển xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.

Đánh giá chung về hoạt động kiểm tra chuyên ngành của Việt Nam, theo ông Graham Knights, Trưởng bộ phận Chính trị, Đại sứ quán Anh, Việt Nam đã có nhiều cải thiện tốt về môi trường kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực Hải quan và công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đây là nỗ lực chung của Chính phủ Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

“Thời gian thông quan đã được giảm đáng kể, nhiều vướng mắc liên quan đến quá trình, thủ tục thông quan đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, đây là quá trình dài hạn, vẫn còn một số tồn tại cần cải thiện. Ví dụ như thời gian thông quan có thể được giảm hơn nữa, việc kiểm tra chuyên ngành có thể phối hợp thêm với các cơ quan chức năng khác để tăng cường hiệu quả”, ông Graham Knights nói.

Báo cáo kết quả rà soát các quy định pháp luật với cam kết EVFTA cho biết, trong 26 nội dung pháp luật rà soát, có 16 nội dung tương thích hoàn toàn, 6 nội dung tương thích một phần và chỉ có 4 nội dung chưa tương thích.

Cụ thể hơn, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án Quản trị nhà nước tăng trưởng toàn diện (USAID-GIG) và hội nhập cho biết, với các vấn đề về hợp tác quốc tế trong xây dựng quy chuẩn/tiêu chuẩn kỹ thuật, quản lý chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm, kiểm dịch; thỏa thuận công nhận, thừa nhận lẫn nhau; Công ước HS; phương thức khai điện tử; nộp và xử lý tờ khai trước khi hàng đến… pháp luật quản lý chuyên ngành Việt Nam đã hoàn toàn tương thích với các cam kết EVFTA.

Quan trọng là thực thi

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quy định chỉ tương thích một phần với các cam kết trong EVFTA, tiêu biểu như quy định về thời gian ký quỹ nhập khẩu phế liệu thép… Nhiều chồng chéo trong các quy định, trong phân công quản lý giữa các Bộ tham gia quản lý chuyên ngành dẫn đến một mặt hàng bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản, phải thực hiện nhiều thủ tục kiểm tra…

Bản rà soát cũng cho thấy, pháp luật Việt Nam cũng chỉ tương thích một phần trong cam kết không phân biệt đối xử trong quản lý chuyên ngành. Quy định không phân biệt đã có nhưng tại một số điều luật từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương về dán nhãn năng lượng lại có dấu hiệu phân biệt đối xử.

Theo đó, đối với hàng hóa sản xuất trong nước, các chứng chỉ có giá trị trên 3 năm; còn với hàng hóa nhập khẩu, chứng nhận hợp chuẩn/hợp quy chỉ có giá trị đối với từng lô hàng. Không những thế, việc kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng sản xuất trong nước chỉ áp dụng trong từng trường hợp nhất định, còn với hàng nhập khẩu thì phải kiểm tra mọi lô hàng.

Trong cam kết giải phóng hàng nhanh, ông Phạm Thanh Bình nhận định, pháp luật quản lý chuyên ngành và pháp luật Hải quan đều có quy định cụ thể về thời gian thông quan theo hướng hàng hóa sẽ được giải phóng sớm nhất có thể (ngay sau khi hồ sơ được nộp đầy đủ hoặc ngay khi có kết quả thí nghiệm). Ngoài ra, các Nghị quyết 19 của Chính phủ cũng đặt mục tiêu bám sát cam kết về thời gian thông quan tại các FTA thế hệ mới.

Do đó, mặc dù, pháp luật Việt Nam đã hoàn toàn tương thích cam kết trong EVFTA, nhưng thực tế thời gian thực hiện thủ tục quản lý chuyên ngành còn khá dài (13-19 ngày), nên cần phải nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện để rút ngắn thời gian này, đưa thời gian thông qua được giảm bớt hơn nữa.

Nhìn chung, bản rà soát đã đưa ra rất chi tiết những quy định nào đã tương thích hoàn toàn hoặc chỉ tương thích một phần. Điều này được hy vọng sẽ giúp các cơ quan chức năng tìm ra được những vướng mắc để tháo gỡ, sửa lại luật, giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng vẫn phù hợp với cam kết trong các FTA.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, kiểm tra chuyên ngành đang là cản trở lớn nhất để doanh nghiệp thông quan hàng hóa. Với kết quả rà soát đa phần pháp luật tương thích là điều đáng mừng nhưng quan trọng là hiệu quả thực thi của các cơ quan thi hành, bởi trên thực tế giữa quy định và thực thi vẫn còn nhiều khoảng cách.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/phan-lon-phap-luat-viet-nam-ve-quan-ly-chuyen-nganh-da-tuong-thich-voi-evfta.aspx