Phần lớn pháp luật Việt Nam tương thích với cam kết TPP về đầu tư

Việc gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có tác động lớn cho Việt Nam, giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, hệ thống pháp luật của Việt Nam phải tương thích với những cam kết của Hiệp định này.

Từ tầm quan trọng trên, Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam –VCCI) đã phối hợp cùng Đại sứ quán Anh tổ chức hội thảo tham vấn “Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết TPP về đầu tư: Kết quả rà soát và đề xuất hoàn thiện pháp luật từ góc độ lợi ích doanh nghiệp” vào ngày 27-10 tại Hà Nội.

TPP được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam thu hút FDI với giá trị lớn, công nghệ cao hơn. Đồng thời, cùng với việc gia nhập các nền kinh tế phát triển và thực thi cam kết sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế và sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập cho rằng, TPP sẽ có sức ảnh hưởng đến tất cả nhà đầu tư và các quyết định hành chính mà các cơ quan Nhà nước cũng như địa phương trong việc đối xử với các nhà đầu tư, theo các nhóm cam kết bao gồm các nguyên tắc về mở cửa thị trường, xóa bỏ rào cản đầu tư.

Trong đó, nguyên tắc đối xử quốc gia yêu cầu không được đối xử kém thuận lợi hơn giữa nhà đầu tư từ TPP và nhà đầu tư trong nước, chính quyền không được can thiệp vào quá trình kinh doanh, nhân sự cấp cao của các nhà đầu tư từ TPP… Ngoài ra, các nhà đầu tư từ TPP còn được áp dụng theo các nguyên tắc bảo vệ tài sản và quyền tự chủ của nhà đầu tư.

Trước những yêu cầu trên, báo cáo kết quả rà soát cho thấy, pháp luật Việt Nam đã tương thích với phần lớn cam kết TPP về đầu tư, đặc biệt là các nguyên tắc cơ bản như mở cửa thị trường, xóa bỏ rào cản, nhân sự cấp cao…

Tuy nhiên, các cam kết TPP về bồi thường trong trường hợp xung đột vũ trang, tước quyền sở hữu mới chỉ tương thích một phần do thiếu các quy định chi tiết về cách thức đền bù trong trường hợp tước quyền sở hữu…

Đáng chú ý, bản báo cáo đã chỉ ra pháp luật Việt Nam còn chưa tương thích với cam kết TPP về chuyển tài sản ra nước ngoài và cơ chế tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư (ISDS). Nguyên nhân bởi đa số các thuật ngữ về ISDS không được quy định trong pháp luật Việt Nam do là vấn đề riêng của Hiệp định.

Từ kết quả nêu trên, bà Nguyễn Thị Thu Trang kiến nghị, phần pháp luật đã tương thích cần tiếp tục được thực thi hiệu quả. Còn một số điểm chưa tương thích thì tùy trường hợp có thể sửa tại văn bản pháp luật chung; với các cam kết, lĩnh vực đặc thù thì nên ban hành văn bản, nghị quyết thực thi riêng về đầu tư theo cam kết TPP.

Để tăng cường sự tương thích của pháp luật Việt Nam với cam kết TPP, theo ông Phạm Mạnh Dzũng, Luật sư điều hành Công ty luật TNHH Rajah&Tanh LCT Lawyers, hệ thống pháp luật cần được rà soát tập trung vào nguyên tắc mở cửa thị trường liên quan tới FDI, sở hữu trí tuệ, công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài quốc nước ngoài… Điều này cũng là yêu cầu tự thân của việc hoàn thiện pháp luật.

Mặc dù phải rà soát để tìm ra những điểm chưa tương thích của hệ thống pháp luật, bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng chỉ ra nhiều “ngoại lệ” trong cam kết mà Việt Nam có thể tận dụng.

Tiêu biểu như Việt Nam có thể bảo lưu việc mở cửa thị trường, phân biệt đối xử với các nhà đầu tư ở một số lĩnh vực cụ thể đã được nêu trong cam kết. Bên cạnh đó, có ngoại lệ chung với tất cả các nước là có thể phân biệt đối xử khi cần thiết trong mua sắm công.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/phan-lon-phap-luat-viet-nam-tuong-thich-voi-cam-ket-tpp-ve-dau-tu.aspx