Phân loại rác tại nguồn ở nông thôn: Không quá khó

Tú Sơn (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) là một trong hơn 9.000 xã trong cả nước được Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) lựa chọn hỗ trợ thực hiện Dự án xây dựng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt ở nông thôn.

Chương trình phân loại rác tại Tú Sơn đang dần phát huy hiệu quả nhờ sự chung tay của người dân.

Vì sao phải phân loại rác?

Câu trả lời đơn giản như chính câu khẩu hiệu mà dự án phổ biến đến bà con Tú Sơn: “Rác không phân loại, rác là rác. Rác phân loại, rác là tài nguyên”. Bởi sau phân loại, rác đã và đang trở thành vật liệu đầu vào của một số ngành sản xuất. Đơn cử, rác hữu cơ sau khi được trộn các chế phẩm vi sinh người ta có thể sản xuất phân vi sinh và được sử dụng trở lại trên đồng ruộng. Một số loại rác như nhựa, nilon, kim loại… có thể được tái chế. Số lượng rác còn lại, không tái sử dụng, tái chế được mới đem đốt hoặc chôn lấp.

Đề cập đến hiệu quả của việc phân loại rác tại nguồn, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật Nguyễn Quốc Tuấn phân tích, sau khi phân loại, khối lượng rác hàng ngày mà đơn vị cung cấp dịch vụ môi trường phải thu gom và vận chuyển ít đi. Khối lượng rác phải xử lý ít đi, đồng thời khối lượng rác buộc phải chôn lấp cũng ít đi.

Đối với mô hình phân loại rác tại nguồn đang được thí điểm tại xã Tú Sơn, ông Tuấn bày tỏ kỳ vọng sẽ thành công bởi đây mô hình tổng hợp, khép kín. Ngay từ nguồn phát sinh, rác đã được phân loại rồi được thu gom – vận chuyển – xử lý bởi một đơn vị cung ứng dịch vụ môi trường duy nhất. Do vậy sẽ không có chuyện rác được phân loại đầu nguồn nhưng khi thu gom, vận chuyển lại bị trộn chung, làm giảm hiệu quả của dây chuyền công nghệ xử lý rác thải.

Phân loại rác tại nguồn khó hay dễ?

Đây là lần thứ 2 cô Bùi Thị Liên (thôn 6, xã Tú Sơn) đến nhà văn hóa của xã để nghe Cục Hạ tầng Kỹ thuật và chủ đầu tư dự án xây dựng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt ở nông thôn tại xã Tú Sơn là HTX Môi trường và Dịch vụ thương mại Thành Vinh (HTX Thành Vinh) tập huấn, hướng dẫn cách phân loại rác tại nguồn. Cô Liên cho biết: Nghe tập huấn xong, tôi trở về nói lại với tất cả mọi người trong gia đình về cách phân biệt và phân loại rác. Đâu là rác hữu cơ, đâu là rác vô cơ, đầu là rác có thể tái chế, tái sử dụng…

Phóng viên tò mò: Gia đình cô không phiền toái khi nhà có tận 3 túi rác thay vì một túi rác như trước đây? (1 túi để rác có thể tái chế, tái sử dụng gồm vỏ hộp, chai lọ, túi - chai nhựa, giấy báo…; 1 túi chứa rác hữu cơ, gồm rau, củ, quả, thức ăn thừa; và 1 túi chứa rác vô cơ như thủy tinh.). Cô Liên cười hiền lành: Rác hữu cơ dễ phân hủy, dễ gây mùi hôi thối và rỉ nước rác hàng ngày đã được HTX Thành Vinh đến thu gom. Rác nào có thể bán được, gia đình cô gom lại rồi lâu lâu lại đem cho cậu bé què ở cùng thôn bán cho người thu mua đồng nát lấy một ít tiền, như một cách giúp đỡ hàng xóm khó khăn.

Vậy gia đình cô được lợi gì khi tham gia phân loại rác? - chúng tôi hỏi. Cô Liên thành thực: Đường làng ngõ xóm sạch đẹp hơn chứ! Sau những chương trình tập huấn, nhận thức của những người dân ở Tú Sơn được nâng lên. Bây giờ, ở Tú Sơn đã hiếm gặp cảnh người làng xả rác bừa bãi ra đường, ngõ xóm. Không có những ngõ xóm không khí nặng mùi rác lưu cữu lâu ngày.

Ông Phạm Văn Chảy, Bí thư Chi bộ thôn 3 Tú Sơn cho biết: Ngoài các chương trình được tập huấn ở nhà văn hóa xã, tại từng thôn, chúng tôi tiếp tục lồng ghép tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn trong trong các cuộc họp ở thôn như họp Chi bộ, họp của Hội phụ nữ… “Mưa dầm thấm lâu”, việc phân loại rác tại nguồn dần dần trở thành nhận thức, ý thức của các hộ dân, của từng người dân…

Với sự ủng hộ và đồng thuận cao của bà con, xem ra việc phân loại rác tại nguồn ở Tú Sơn không phải là việc quá khó. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Thành Vinh, bà Đoàn Thị Mơ kỳ vọng: Với sự chung tay của bà con, HTX Thành Vinh quyết tâm thực hiện triển khai thành công dự án thí điểm, để Tú Sơn trở thành một điểm sáng trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn trong cả nước.

Được biết, dự án xây dựng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt ở nông thôn tại xã Tú Sơn có mục tiêu là phân loại, thu gom, vận chuyển CTR đầu nguồn triệt để; quản lý CTR theo phương thức 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) và xử lý tổng hợp CTR theo 2 nhóm công nghệ. Một là xử lý CTR hữu cơ công nghệ compost, thực hiện theo liên danh giữa HTX Thành Vinh với Cty Nishihara (Nhật Bản), theo Chương trình hợp tác giữa TP Hải Phòng và TP Kitakyushu. Hai là công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, thiêu đốt đối với CTR còn lại.

Hòa Bình

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/phan-loai-rac-tai-nguon-o-nong-thon-khong-qua-kho.html