Phận già lay lắt của cụ bà 75 tuổi bên gánh hàng rau

Ở chợ Cầu Diễn, người ta hàng ngày chứng kiến cuộc mưu sinh cuối đời của một cụ bà 75 tuổi. Gánh hàng rau chính là cái cần câu cơm của bà, bất kể ngày nắng cháy da, hay những đêm mùa đông giá rét.

Đối với những người sống gần khu vực chợ Cầu Diễn (phường Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) ai cũng quen thuộc với hình ảnh một bà cụ ở độ tuổi gần đất xa trời với gánh hàng rau ở góc chợ, lề đường. Mọi người ở đây gọi bà là “bà già bán rau” bởi không một ai biết tên bà là gì. Chỉ biết là hoàn cảnh của bà rất khó khăn nên dù tuổi cao, sức yếu nhưng bà vẫn lặn lội mưu sinh mỗi ngày.

Năm nay, bà đã 75 tuổi nhưng mỗi sáng sớm người ta vẫn nhìn thấy bà cụ lưng còng với gánh hàng rau trên vai để “tìm kế sinh nhai”. Nhà bà nằm gần nhà văn hóa Từ Liêm, cách chợ Cầu Diễn khoảng 2 km. Nhà xa chợ và không có phương tiện đi lại nhưng bất kể ngày nắng hay ngày mưa, bà vẫn đều đặn hái rau mang ra chợ Cầu Diễn bán, kiếm những đồng tiền ít ỏi để trang trải cuộc sống.

“Cụ già bán rau” đã 75 tuổi nhưng vẫn mưu sinh mỗi ngày

Gia tài cũng là cái cần câu cơm của cụ là gánh rau với và ba mớ rau muống, rau cải… và hai vỏ bao tải trải ra lề chợ làm chỗ bầy rau. Những mớ rau bà bán đều do tự tay bà trồng. Nhà chỉ có ít đất ruộng nhưng vì không có sức khỏe để làm ruộng nên bà tranh thủ gieo trồng hạt giống rau để mang bán kiếm tiền.

Khách hàng của bà chủ yếu là những người dân sống xung quanh khu chợ hoặc những khách lạ đi đường thấy thương bà già vất vả nên dừng lại mua giúp bà vài mớ rau. “Hôm nào tôi cũng ngồi đây, khi nào bán hết thì về”.

Cô Thu, chủ quầy bán vải Yên Thu ở chợ Cầu Diễn cảm thông với hoàn cảnh đáng thương của “bà già bán rau”: “Đấy, hoàn cảnh bà thì ai cũng biết, mà chả ai biết tên, có hỏi bà cũng không nói, thành ra cũng chẳng ai hỏi nữa. Hôm nào bà cũng ngồi từ rõ sớm, thương bà nên chị em quanh đây cũng ủng hộ, mỗi người vài ba mớ nhanh cho bà còn về. Cũng được cái là rau sạch nên tôi cũng yên tâm. Chỗ lề đường bà ngồi là được công an ưu tiên đấy chứ, ngồi ngoài người ta tiện đi qua còn mua, chứ vào trong chợ thì khó bán lắm!”

Với tấm lưng còng, bà vẫn hằng ngày cặm cụi trồng rau rồi gánh rau đi bán. Niềm áo ước duy nhất của bà là mỗi ngày đều bán hết được số rau đã mang đi. Hàng ít nên dù có bán hết thì số tiền thu được cũng chỉ vỏn vẹn hai, ba chục nghìn, nhưng bà vẫn rất tự hào vì mình bán rau sạch và không có hóa chất.

Ở độ tuổi của bà, thường người ta được ở nhà an vui tuổi già và được con cháu phụng dưỡng nhưng bà thì không. Đôi mắt nhăn nheo đượm buồn, bà trầm ngâm nói về cuộc đời mình: “Tôi lấy chồng muộn, bốn lăm tuổi mới lấy chồng rồi sinh con. Chồng tôi mất rồi, con gái tôi năm nay 29 tuổi, lấy chồng ở Thái Bình. Hoàn cảnh con gái tôi cũng không khá giả cho lắm, lại sống cùng gia đình chồng nên không tiện đón mẹ đẻ về chăm sóc được.”

Nhắc đến người chồng quá cố, đôi mắt bà đượm buồn, đôi bàn tay run run. Thời gian ông bà ở với nhau không dài nhưng đã cùng nhau trải qua những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời, ăn cháo rền, uống nước cơm, đói khát. Những kí ức về ông thì bà không báo giờ quên. Bà buồn nhất là không có một tấm hình nào của ông để bà ngắm nghía mỗi khi nhung nhớ và cô đơn.

Thân già còm cõi với gánh hàng rau bên lề đường

Hiện bà đang sống một mình, hàng ngày đi hái rau bán, đến khi bán hết mới về. Niềm vui lớn nhất của bà là thi thoảng cô con gái lên thăm, cũng giúp bà phần nào vơi nỗi buồn tủi trong cảnh già neo đơn. Bà trải lòng về công việc mưu sinh của mình: “Không đủ ăn con ạ, mưa nghỉ thì thôi. Ngày bán được vài ba chục nghìn chỉ lo đủ ăn thôi. Nhà nước cũng trợ cấp, không để bị đói. Có anh công an cũng hay vào chơi, cho quà. Anh đấy thương bà lắm, cho mình bà ngồi ở lề đường thôi, người khác ngồi thì cho lên xe hết. Vì bà bán rau sạch mà”.

Khi tôi ngỏ ý viết bài về hoàn cảnh của bà, “bà già bán rau” xua tay, cười khổ: “Con tôi nó không cho đâu, nó bảo bêu riếu xã hội, có được cái gì đâu mà đưa lên. Khổ thì cũng đã khổ cả đời rồi”. Chỉ đến khi có chị bán hàng gần đó khuyên “Con nó không cho lên báo thì kệ nó, nó có giúp được gì đâu mà không cho. Đưa lên thì mới có người biết hoàn cảnh mà đến giúp chứ” thì bà cụ mới đồng ý.

Đối lập với hình ảnh phố thị xa hoa là hình ảnh bà cụ lụi cụi với những thứ bình dị đời thường và ước muốn chẳng cao sang. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng bà cụ vẫn lạc quan vào cuộc sống, không oán trách số phận. Mưu sinh ở cái tuổi đã “thất thập cổ lai hy” không còn là chuyện đáng ngưỡng mộ, mà đáng để xót xa, nhưng bà bảo vì không muốn sống dựa vào ai cả nên khi mọi người còn muốn ăn những mớ rau sạch bà trồng thì bà còn làm, còn mưu sinh.

Hoài Thu

Nguồn SKCĐ: http://suckhoe.com.vn/ket-noi-cong-dong/phan-gia-lay-lat-cua-cu-ba-75-tuoi-ben-ganh-hang-rau-74182