Phận đời đơn côi bám biển mưu sinh

Phụ nữ miệt biển từ miền Bắc vào miền Nam đều chịu thương chịu khó. Nhưng cuộc vật lộn mưu sinh của họ trước biển khơi...

Phụ nữ miệt biển từ miền Bắc vào miền Nam đều chịu thương chịu khó. Nhưng cuộc vật lộn mưu sinh của họ trước biển khơi, trước cuộc sống đầy vất vả thật khắc nghiệt. Song thiệt thòi hơn là những người góa chồng. Họ phải làm thay tất cả khi chồng họ đi biển và mãi mãi không về nữa.

Quanh năm quần quật

Đến xã đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) vào đầu tháng 10, khi sự việc cá chết bất thường đã tạm lắng xuống, cuộc sống của người dân đang trở lại bình thường. Những người phụ nữ hay lam hay làm đã đảm nhiệm những trọng trách như trước là cùng chồng gây dựng lại cơ nghiệp.

Những người phụ nữ Ngư Lộc (Thanh Hóa) ngóng biển.

Về mặt địa lý, xã Nghi Sơn vươn vai đón gió từ biển khơi. Người phụ nữ nơi đây quanh năm làm việc chăm chỉ, giúp chồng đánh cá, đan lưới. Hơn chục năm nay, nhiều người còn đứng lên đầu tư nuôi cá lồng. Do khí hậu và đặc trưng của công việc nên người phụ nữ Nghi Sơn thường mặn mòi, già trước tuổi. Chị Hoàng Thị Mai, mới ở tuổi 35, có 3 con nhưng nhìn như đã ngoài 40. Hỏi tuổi, chị bảo: “Người phụ nữ ở đây khó đoán tuổi lắm. Cũng bởi công việc vất vả, chịu nắng chịu gió, khỏe thì khỏe thật, rất ít khi ốm. Thế nhưng nhìn thì cứ già câng”. Chị Mai phân tích, người con gái ở vùng quê như chị chỉ được học hết lớp 7. Đa phần là do nhiều gia đình nghĩ học cũng chẳng để làm gì, đành ở nhà lao động sản xuất, đến năm 18 tuổi thì lấy chồng. Cứ như thế, tất thẩy cuốn vào vòng mưu sinh, làm việc, thậm chí có người phụ nữ làm việc quần quật mà cuộc sống chẳng được khấm khá.

Cùng độ tuổi như Mai, nhưng nhìn qua còn già hơn là chị Nguyễn Thị Hòa, hiện có tới 4 mặt con. Chị cho biết, làm ni (việc này) nó nhanh già lắm. Biển thì mặn, gió cũng mặn, chị em lại chẳng có điều kiện chăm sóc da mặt, bản thân nên nhìn người lúc nào cũng cũ. “Một số phụ nữ, như em chẳng hạn, làm cá lồng có tí của ăn của để, gọi là tính đến chuyện làm đẹp thì cũng rất khó theo kịp với những vùng khác”.

Tại Diễn Vạn, một trong 9 xã vùng biển của huyện Diễn Châu (Nghệ An) cũng thấy tình trạng tương tự. Có thôn phụ nữ chỉ biết mỗi việc vá lưới, nấu cơm cho chồng con và… đẻ. Nhiều gia đình sinh con thứ ba, thậm chí thứ tư. Người dân ít học hành, thiếu điều kiện chăm sóc sức khỏe bản thân, thiếu kinh tế và thường phải làm việc nặng nhọc nên ảnh hưởng nhiều đến sắc vóc. Cán bộ địa phương cho rằng, để người phụ nữ được thảnh thơi, tránh ảnh hưởng đến cơ thể thì bản thân gia đình phải có kinh tế vững, làm việc vừa phải, dành thời gian tiếp xúc với son phấn, gấm lụa, bồi bổ thường xuyên thì mới giảm sự lão hóa, gìn giữ được vẻ thanh xuân.

Phụ nữ vùng biển Diễn Châu (Nghệ An) bán hải sản ngay sau khi đánh bắt được.

Nuôi con một mình

Ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), nhiều phụ nữ phải nuôi con một mình. Đó là nỗi đau không gì khỏa lấp. Vì sao ư? Bởi người đàn ông thường phải ra khơi xa đánh cá. Mà đi khơi thì gắn liền với rủi ro. Nhiều cơn sóng lớn, nhiều trận bão đã cướp đi sinh mạng của những người trụ cột gia đình. Bà Bùi Thị Ngự (61 tuổi) cho biết, người dân trong xã chỉ bám vào biển do không có đất nông nghiệp. Bởi thế từ nhiều năm qua, biển đã nuôi sống người dân, nhưng cũng chính biển đã cướp đi những người đàn ông khỏe mạnh. Nặng nhất là vào tháng 10/1996, cơn bão ập tới và chỉ trong một đêm đã lấy mất 51 người đàn ông. Những ngày đó, cả xã đâu đâu cũng thấy tiếng khóc, khói hương. Người dân gặp nhau chỉ biết lau nước mắt chứ chẳng ai cười nổi.

Bởi “biển cho ta cá như lòng mẹ” nên chẳng người phụ nữ nào quay lưng lại với biển. Không bám vào biển thì với cả xã đất chật người đông, không có đất nông nghiệp thì người dân biết sống dựa vào đâu? Thiếu vắng chồng, nhiều người phụ nữ chấp nhận ở vậy, làm lụng nuôi con. Thống kê của UBND xã Ngư Lộc cho thấy, toàn xã có 150 phụ nữ ở vậy thờ chồng, nuôi con. Nhiều người đã dựng vợ gả chồng cho con cái đàng hoàng, nay trên đầu tóc đã bạc trắng, vẫn ngóng ra phía trùng khơi như ngóng về những kỷ niệm với người chồng của mình. Bà Nguyễn Thị Toán cho hay: “Bây giờ kinh tế cũng khấm khá lên rồi. Bà con chúng tôi mua được tivi, thưởng thức các chương trình chiếu trên đó. Chứ cứ ở cái xứ biển này, chẳng đi đến đâu mà không có cái xóa mù văn hóa thì làm sao biết bên ngoài dân tình sống ra sao. Lắm khi thấy các con nó quây quần bên gia đình nhỏ, tôi nghĩ đến chồng mà tủi thân, lại khóc. Thế mà lúc nuôi chúng nó vất vả là vậy mà chẳng rơi giọt nước mắt nào”.

Nhiều người phụ nữ mất chồng khi còn quá trẻ. Như trường hợp chị Đồng Thị Bảo (sinh năm 1983) mất chồng năm 27 tuổi, lúc đó đã có hai mặt con. Đến tận bây giờ chị vẫn chưa hết bàng hoàng về sự ra đi của chồng. Sau khi chồng mất, chị Bảo mất một thời gian dài để ổn định tinh thần. Nhiều lúc đã nghĩ đến cái chết nhưng vì hai đứa con thơ, chị lại gượng dậy để tiếp tục sống và nuôi con.

Ở một vùng quê khác là xóm 6, xã Nghi Hương (thị xã Cửa Lò - Nghệ An) cũng có tới 38 người phụ nữ góa chồng trong tổng số hơn 90 hộ dân. Trừ đi 12 hộ là ông già bà cả thì có đến gần một nửa số hộ “lẻ bóng”. Người đàn ông cứ đi biển và bị biển khơi cướp đi, để lại những người vợ tội nghiệp cùng con cái sống cảnh mồ côi. Nghề biển quá vất vả, khi không còn chồng, đa số chị em đã chọn việc khác là buôn cá, buôn rau kiếm tiền trang trải cuộc sống, lo cho con học hành.

Trẻ em miệt biển mưu sinh.

Vượt lên nghịch cảnh

Chị Hoàng Thị Đại (xã Nghi Hương - Cửa Lò) tâm sự: “Ngày chồng tôi mất, cậu con trai đầu mới có 9 tuổi, con gái sau 2 tuổi. Một mình chăm 4 đứa con nhỏ dại, tôi hiểu phía trước là đoạn đường truân chuyên nhưng không thể buông tay”. Khuôn mặt chị Đại lấm tấm mồ hôi khi kể về gia cảnh của mình. Chồng chị, anh Hoàng Văn Phong trước khi mất chỉ bị cảm lạnh sau khi đi biển về. Chị bảo mình chủ quan phong hàn biến chứng sang tim khiến người đàn ông có sức “bẻ gãy sừng trâu” quỵ dần. Bán đồ đạc trong nhà, chị Đại đưa chồng đi chữa trị ở Trung tâm y tế Nghi Lộc, bệnh viện tỉnh nhưng bất lực. Nén nỗi đau mất chồng, chị lầm lũi ra bãi cày cuốc mong có gạo nuôi con. Đồng đất mênh mông nhưng ở vùng gió Lào cát trắng, lúa ngô gieo xuống nhiều khi thành công cốc. Chị gõ cửa nhà ông ngoại: “Nhà còn con bò, nhờ cha đóng cho con chiếc xe gỗ để con kéo thuê cho dân trong xã kiếm tiền nuôi các cháu”. Chiếc xe bò lốp trở thành cái “cần câu cơm” nuôi sống 5 mẹ con.

Nhiều phụ nữ dù khó khăn đã vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Có người thành lập được đội đánh bắt xa bờ, có người phụ nữ lập quỹ khuyến học để một mai trong tương lai không xa trẻ em ở làng xóm họ làng heo hút vươn lên, đỗ đạt vào các trường đại học, cao đẳng, thoát khỏi sự khắc nghiệt của biển khơi. Họ đã từng gửi gắm ước mơ vào biển, nay lại gửi vào con cái, âu đó cũng là lẽ thường tình.

Dường như người phụ nữ Việt Nam luôn hằn in trong mình một nghị lực và sức mạnh vượt lên hoàn cảnh. Bởi thế mà mọi thử thách cứ bị đánh bật. Nhưng người phụ nữ mạnh mẽ như con thuyền vượt qua sóng dữ đưa các con về một bến đậu yên bình.

Bài, ảnh: Ngô Hải Miên

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/phan-doi-don-coi-bam-bien-muu-sinh-n123911.html