Phấn đấu trở thành trung tâm thương mại, tài chính, du lịch chất lượng cao

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia vừa ký Quyết định công nhận huyện Đông Anh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Niềm vui đó dường như được nhân lên gấp bội khi Đảng bộ, nhân dân huyện Đông Anh đang thi đua lập thành tích kỷ niệm 140 năm thành lập huyện và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Dịp này, phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm về những nỗ lực mà Đảng bộ và nhân dân huyện đã vượt qua trong thời gian qua.

- Ông có thể đánh giá về những thành tựu huyện Đông Anh đạt được trong thời gian qua?

- Đông Anh là địa phương có bề dày về văn hóa, lịch sử. Với nền tảng đó, những năm qua Đảng bộ và nhân dân Đông Anh đã không ngừng nỗ lực vươn lên xây dựng huyện giàu, mạnh. Trong 5 năm gần đây, giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện đã tăng 1,8 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,5%, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 20 triệu đồng/người thì đến tháng 8-2016 ước đạt 43 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế được huyện chuyển dịch đúng hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ. Công tác tài chính, ngân hàng, thị trường, kinh doanh được phát huy và quản lý chặt chẽ. Sản xuất nông nghiệp của huyện dù giảm về tỷ trọng nhưng đã nâng cao chất lượng theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển nông nghiệp sạch, sinh thái và đô thị cho giá trị kinh tế cao. Tổng thu ngân sách nhà nước huyện trung bình hằng năm đạt 1.789 tỷ đồng. Đặc biệt, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng được triển khai hiệu quả và nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể, hiện trên 116 thôn, làng của huyện đã có nhà văn hóa, 44/86 trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, 50% dân số được sử dụng nước sạch, số còn lại sử dụng nước hợp vệ sinh. Thành công lớn nhất của huyện Đông Anh là đã đạt chuẩn huyện NTM với 21/23 xã được công nhận đạt chuẩn.

Cơ sở hạ tầng huyện Đông Anh ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Bá Hoạt

- Việc đạt chuẩn huyện NTM đồng nghĩa với việc Đông Anh đã phát triển toàn diện từ kinh tế đến văn hóa, con người… Kinh nghiệm từ thành công đó là gì, thưa ông?

- Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Đông Anh có số xã đạt các tiêu chí khá thấp, trung bình chỉ đạt 8 tiêu chí/xã. Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, là đòn bẩy giúp người dân nâng cao thu nhập, Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, bài bản. Trong đó, huyện đặc biệt coi trọng việc tạo dựng cơ sở, nền móng vững chắc để nhân dân chủ động vươn lên phát triển kinh tế. Để có nền tảng đó, huyện đã tập trung đẩy nhanh dồn điền, đổi thửa, hình thành một số vùng sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao với diện tích chuyển đổi đạt 1.283ha. Song hành với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM. Đây chính là yếu tố quyết định thành công chương trình.

Trong 5 năm qua, huyện đã huy động 2.642 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp cho chương trình NTM. Từ đây, huyện đã đầu tư xây dựng hàng nghìn kilômét đường giao thông liên xã, liên thôn và đường ngõ xóm, giao thông nội đồng với kinh phí 1.194 tỷ đồng, nâng cấp hơn 780km kênh cấp 3 phục vụ tưới cho 8.100ha đất nông nghiệp. Đến nay, Đông Anh không có nợ đọng NTM.

- “Cán đích” NTM, diện mạo Đông Anh có sự chuyển biến rõ nét. Theo ông, thành công lớn nhất từ chương trình NTM mang lại là gì?

- Thành quả lớn nhất chương trình NTM thu được là sự thay đổi từ con người, khơi dậy tính đoàn kết, chủ động, sáng tạo từ cán bộ đến nhân dân. Thực tế, chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn họ vào xây dựng NTM. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, nay đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng NTM để trở thành phong trào sôi động khắp thôn, xóm. Đặc biệt, từ việc triển khai chương trình đã hình thành bộ máy chỉ đạo và tham mưu giúp việc đồng bộ từ huyện đến cơ sở với các hoạt động ngày càng chuyên nghiệp.

Nhìn lại quá trình triển khai xây dựng NTM thời gian qua cho thấy, đội ngũ cán bộ vận hành chương trình, đặc biệt là cấp cơ sở đã trưởng thành rõ rệt, nhất là trong xây dựng dự án, tổ chức thực hiện, vận động quần chúng và thực hành dân chủ ở nông thôn. Có thể thấy, yếu tố thành công nhất của huyện là xây dựng được con người mới với những nếp sống, nếp nghĩ, nếp làm việc mới. Đây là nền tảng quan trọng để Đông Anh duy trì và phát triển bền vững. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng 19 tiêu chí bằng những chương trình hành động thiết thực với phương châm: “Dân là chủ thể, chính quyền dựa vào dân để phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong việc giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí”.

- Hướng phát triển của Đông Anh trong thời gian tới là gì thưa ông?

- Thời gian tới, Đông Anh sẽ tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp trong và ngoài nước để xây dựng huyện trở thành trung tâm thương mại, tài chính, du lịch chất lượng cao của khu vực phía Bắc Thủ đô. Huyện sẽ đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch để trở thành điểm đến hấp dẫn kết nối các địa điểm du lịch của Thủ đô và khu vực lân cận, trong đó, tập trung phát triển hạ tầng, dịch vụ tại các điểm du lịch lịch sử. Hiện nay, huyện đang triển khai các dự án xây dựng khu văn hóa, thể thao, giải trí gắn liền với truyền thống lịch sử, văn hóa. Đối với nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị sinh thái, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao, đồng thời phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực với tôn chỉ lấy con người là trọng tâm và mục tiêu phát triển.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đào Huyền thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/850931/phan-dau-tro-thanh-trung-tam-thuong-mai-tai-chinh-du-lich-chat-luong-cao