Phân bổ ngân sách giữa trung ương và địa phương: Như thế nào là 'công bằng'?

Nếu nhìn vào những con số thống kê cụ thể, thì mức phân bổ ngân sách giữa trung ương và các địa phương trên cả nước dường như không công bằng cho lắm. Và điều này diễn ra theo cả 2 phía: các tỉnh điều tiết về ngân sách nhà nước và các tỉnh nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương.

Không phải ngẫu nhiên câu chuyện tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại bị cắt giảm của TP.HCM nói riêng và một số tỉnh thành lớn trên cả nước nói chung như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương,… lại trở thành tâm điểm của sự chú ý tại các phiên thảo luận những ngày gần đây của Quốc hội.

Nhìn từ góc độ tài chính-kinh tế, điều này đồng nghĩa với một sự xáo trộn lớn đối với nguyên tắc phân bổ thu chi ngân sách giữa trung ương và các địa phương trên cả nước, thay đổi cách thức phân bổ nguồn lực và qua đó có thể tác động trực tiếp tới tăng trưởng của nền kinh tế trong tương lai gần.

Cắt giảm tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại của một loạt các tỉnh thành lớn đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế, đồng nghĩa với việc tăng trưởng có thể sẽ bị giảm sút khá mạnh. Lý giải cho sự việc lần này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng đó là để đảm bảo công bằng giữa các địa phương, đặc biệt là các tỉnh thành khó khăn, không để khoảng cách phát triển bị giãn ra quá xa. Nhưng, như thế nào là “công bằng”?

Có thể thấy một điều qua câu chuyện phân bổ ngân sách lần này, đó là việc yếu tố “công bằng” luôn được các cơ quan chức năng dựa vào như nguyên tắc tối thượng để giải thích cho những quyết định của mình. Theo Luật Ngân sách Nhà nước, việc phân chia và bổ sung ngân sách giữa các địa phương được thực hiện “trên cơ sở đảm bảo công bằng, phát triển cân đối giữa các vùng, các địa phương” (theo The Saigon Times).

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khi trả lời ý kiến của các địa phương trước Quốc hội cũng giải thích: “Các địa phương có thu ngân sách điều tiết về Trung ương như là ‘gà đẻ trứng vàng’, cần được đầu tư phát triển để đẻ trứng tiếp, nhưng cũng phải chia sẻ với địa phương khó khăn, không để khoảng cách phát triển giãn ra” (theo CafeF).

Tuy nhiên, nếu nhìn vào những con số thống kê cụ thể, thì mức phân bổ ngân sách giữa trung ương và các địa phương trên cả nước lại có vẻ không công bằng cho lắm. Và điều này diễn ra theo cả 2 phía: các tỉnh điều tiết về ngân sách nhà nước và các tỉnh nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương.

Theo thống kê, trong số 10 tỉnh có mức điều tiết về ngân sách nhà nước lớn nhất hàng năm, thì có đến 6/10 tỉnh có mức chi ngân sách bình quân đầu người thấp hơn mức trung bình của cả nước là 8,3 triệu đồng, thậm chí có tỉnh thấp hơn khá xa như Đồng Nai (5,5 triệu), Bình Dương (6,8 triệu), Cần Thơ (6,5 triệu). Trong khi đó, có không ít những tỉnh thuộc diện luôn phải nhận trợ cấp từ ngân sách hàng năm lại có mức chi ngân sách bình quân đầu người rất cao như Lai Châu đạt 18,4 triệu đồng (theo The Saigon Times).

Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là quá nửa trong số các tỉnh có điều tiết về ngân sách nhà nước hàng năm sau khi thực hiện nghĩa vụ “đảm bảo công bằng giữa các địa phương trên cả nước” của mình thì chi ngân sách cho họ tụt xuống dưới mức trung bình của cả nước, trong khi có không ít các tỉnh thành hàng năm phải nhận trợ cấp từ ngân sách (mà chính là do các tỉnh trên điều tiết về) lại có mức chi ngân sách cao ngất ngưởng.

Không biết có thể hiểu sự “công bằng” trong trường hợp này theo nghĩa nào nhưng có vẻ như nó không đúng hoàn toàn với điều mà Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình trước Quốc hội. Đồng ý rằng các tỉnh khó khăn cần được nhận trợ cấp, nhưng không thể có chuyện buộc các tỉnh giàu chịu cảnh khó khăn hơn mức trung bình để các tỉnh nghèo dư dật được.

Chúng ta đang công bằng một cách quá mức cần thiết với các tỉnh nghèo và khó khăn, nhưng dường như lại không thực sự công bằng với các tỉnh giàu có điều tiết về ngân sách trung ương. Người dân tại các tỉnh có điều tiết về ngân sách nhà nước nhưng lại có chi ngân sách bình quân đầu người thấp hơn mức trung bình của cả nước sẽ nghĩ gì?

Xét trên khía cạnh phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế, cách thức phân bổ thu chi ngân sách giữa các địa phương nói trên cũng không có nhiều yếu tố công bằng. Các tỉnh giàu có điều tiết ngân sách về trung ương đều là những trọng điểm về phát triển kinh tế, là “những con gà đẻ trứng vàng” như Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận, và về lý thuyết cần được đầu tư phát triển nhiều hơn nữa, thì thực tế lại được giữ lại mức ngân sách ngày càng ít.

Trong khi đó, các tỉnh nghèo nhận trợ cấp từ ngân sách lẽ ra cần được khuyến khích tăng nguồn thu và giảm phụ thuộc vào trung ương thì thực tế lại đang trở thành những đối tượng ngày càng được nhận nhiều ưu đãi hơn. Các tỉnh thuộc diện “thu không đủ chi” chiếm đa số trên cả nước hiện nay được hưởng mức “thuế suất” là 0%, khiến các địa phương này mất đi động lực phát triển kinh tế để tăng nguồn thu, ngược lại lại khuyến khích tăng chi tiêu và tăng xin trợ cấp.

Nói cách khác, với kiểu phân bổ ngân sách tùy tiện và thiếu hợp lý hiện nay, chúng ta đang triệt tiêu động lực phát triển kinh tế tại tất cả các địa phương trên cả nước, cả tỉnh giàu lẫn tỉnh nghèo, theo một kiểu cào bằng khó hiểu.

Trong suốt các bài phát biểu trước Quốc hội những ngày vừa qua của Bộ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách về trung ương của các tỉnh thành lớn như TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, yếu tố công bằng với các tỉnh khó khăn được nói đến rất nhiều lần. Nhưng lại gần như không đề cập gì đến việc Chính phủ sẽ có những biện pháp gì để bù đắp lại những khoản tăng trưởng bị mất đi do các tỉnh thành giữ vai trò đầu tàu của nền kinh tế bị cắt giảm ngân sách.

Điều này đi ngược lại với chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ vốn được nói tới rất nhiều trong thời gian vừa qua. Có lẽ chúng ta sợ rằng nếu tái cơ cấu nền kinh tế thành công, thì khoảng cách phát triển giữa các tỉnh thành trên cả nước sẽ ngày càng bị kéo ra rộng hơn, nên cần thu hẹp nó trước để đề phòng, và để “đảm bảo công bằng”.

Nhàn Đàm

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/phan-bo-ngan-sach-giua-trung-uong-va-dia-phuong-nhu-the-nao-la-cong-bang-46622.html