Phân biệt hải sản an toàn: 'Thèm lắm đấy nhưng nhịn cho an tâm!'

Dù đã được Bộ Y tế "giới hạn" những hải sản an toàn và chưa an toàn để sử dụng nhưng nhiều người dân không thể phân biệt được.

Phân biệt hải sản an toàn: "Thèm lắm đấy nhưng nhịn cho an tâm!"

Người dân hoang mang vì không thể phân biệt hải sản an toàn

Ngày 20/9, Bộ Y tế đã đưa ra kết luận về một số loại hải sản biển ở 4 tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên Huế) có thể sử dụng và những hải sản chưa an toàn kèm theo khuyến cáo người dân không dùng làm thực phẩm.

Theo đó, Bộ Y tế kết luận: Tất cả hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.

Còn các loại hản sản như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý của 4 tỉnh trên vẫn còn nhiễm phenol và chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.

So với trước đây, các tàu cá giờ phải đánh bắt xa vùng biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên Huế. Bởi nếu biết cá đánh bắt ở vùng biển này sẽ chẳng ai mua.

Mặc dù đã có cảnh báo rõ ràng từ cơ quan chức năng về những loại không an toàn, tuy nhiên người dân không khỏi lo lắng khi không thể phân biệt nguồn gốc hải sản đánh bắt ở vùng biển nào, đâu là hải sản tầng mặt an toàn hay không an toàn như đã được khuyến cáo.

Chính vì thế, hiện nay người dân sợ không dám ăn hải sản mà không cần biết đó là loài nào, có an toàn không hay được đánh bắt ở đâu.

Dạo một vòng quanh chợ TX. Kỳ Anh (Hà Tĩnh) các dãy bán hải sản biển vắng lặng, ế ẩm. Các tiểu thương ngồi rầu rĩ bên đủ loại hải sản nhưng chẳng khách nào đến mua.

Các tiểu thương cho hay, từ lúc xảy ra sự cố cá chết, công việc buôn bán của họ bị ảnh hưởng nặng nề. Từ một nghề chính mang lại thu nhập lớn thì nay họ chỉ bám trụ kiếm được đồng nào hay đồng đó. Có nhiều người thì chuyển sang buôn bán thứ khác để mưu sinh.

Các quán hàng ở chợ TX. Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bán cá, cua, ghẹ biển ế ẩm.

Đem câu hỏi về "phân biệt cá tầng nổi, tầng đáy" với những người dân đi chợ, chúng tôi cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu vội vã. Đa số họ thừa nhận đã nghe tin kết luận các loại hải sản an toàn, nhưng đi chợ vẫn không dám mua vì không thể phân biệt được.

Một số ít khác cho hay, thay vì tìm cách phân biệt hải sản an toàn để tránh việc "mua nhầm, bán không sai" hay tốn thời gian để phân biệt thì họ khuyên cứ... đừng ăn là an toàn nhất.

Lướt qua những hàng bán hải sản biển, anh Nguyễn Văn Huân (trú xã Kỳ Lợi, TX. Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chỉ dám nhìn rồi bước đi đến những hàng bán cá sông, hồ để mua. Anh Huân cho biết, vẫn còn sợ cá bị nhiễm độc nên không dám ăn đồ biển.

Nhiều người khách chỉ đến xem mà không mua bởi họ không phân biệt được đâu là hải sản tầng nổi an toàn, đâu là hải sản tầng đáy đang bị nhiễm độc?

"Gần biển thèm đồ biển, thèm cá nhưng sợ nên nay phải chuyển qua ăn cá sông, cá hồ cho an toàn.

Nói thật sống gần biển như tôi mà cũng khó phân biệt cá nào an toàn tầng mặt, cá nào tầng đáy không an toàn chứ người dân bình thường thì chỉ có đánh đố", anh Huân thẳng thắn nói.

"Thèm lắm, nhưng thôi nhịn cho an tâm"

Ở Hà Tĩnh là thế nhưng tại Nghệ An, dù không trực tiếp chịu ảnh hưởng của tình trạng cá chết hàng loạt nhưng nhắc đến hải sản biển, người dân vẫn còn nơm nớp lo sợ không dám ăn.

Tại cảng cá Cửa Hội chiều 22/9, chúng tôi thấy nhiều tàu cá loại lớn vẫn ra vào bến, tuy nhiên cảnh mua bán không còn tấp nập như trước nữa. Các chủ tàu cho hay, người dân dường như không còn "mặn mà" với hải sản biển nữa.

Ngồi đan lại tấm lưới đã rách, anh Võ Văn Hải (40 tuổi; quê Quảng Ngãi) chia sẻ: "Trước đây cá, tôm đắt hàng lắm nhưng giờ đánh về bán chẳng được giá mà ít người mua. Mà chẳng dám đánh gần vì sợ họ không thu mua nên cứ phải đi xa lại tốn chi phí".

Anh Hải cho biết, dù chỉ là đi đánh bắt thuê cho chủ thuyền nhưng người dân không ăn, cá bán không được giá nên tiền thu nhập cũng giảm nhiều so với trước.

Anh Võ Văn Hải chia sẻ luôn phải đi đánh bắt vùng biển gần Bạch Long Vĩ nhưng về cũng chẳng được giá như trước đây nữa.

Nếu trước đây anh Hải đi những tàu đánh bắt gần bờ và đi các vùng biển ở Hà Tĩnh, Quảng Bình. Thì nay anh Hải phải đi những tàu ra đánh bắt ngoài vùng biển xa như ở Bạch Long Vĩ may chăng mới "kiếm ăn" được.

Bởi đánh bắt về nhưng mang nguồn gốc ở các vùng biển đang "nóng" như Hà Tĩnh, Quảng Bình thì "cá có cho cũng chẳng ai lấy" như lời anh nói.

"Tàu tôi vào cập cảng ở Nghệ An bán cá mà cũng được ít, họ vẫn còn sợ. Cơ quan chức năng thì công bố hải sản xa bờ là an toàn đó nhưng người dân họ phân biệt đâu được. Chúng tôi có giải thích cũng chẳng được", anh Hải tiếp lời.

Các quán hàng bán cá, hải sản ở chợ Hưng Dũng (TP. Vinh, Nghệ An) vắng khách, ế ẩm.

Cùng cảnh tượng như ở chợ TX. Kỳ Anh, các hàng hải sản biển ở chợ Hưng Dũng (TP. Vinh, Nghệ An) cũng ế ẩm. Nhiều tiểu thương cho biết, khách có ghé nhưng chỉ xem chứ chẳng mấy ai mua. Trái lại thì các quán hàng bán cá sông, hồ cạnh đó lại tấp nập khách mua bán.

Ngồi vớt những mớ tôm cân sẵn chờ khách, chị Hồng (trú huyện Nghi Lộc, Nghệ An) chia sẻ, biết khách không còn mua đồ biển nên chị bán tôm sông và tôm nuôi.

Chị Nguyễn Thị Oanh (bìa trái - trú Cửa Hội, Nghệ An) cho biết, trước đây mỗi ngày chị bán được cả triệu tiền mực, nhưng nay chỉ được vài trăm nghìn vì khách sợ nên ít người dám ăn.

Thế nhưng mỗi lúc có khách đi ngang qua lại ghé vào hỏi "tôm biển hay tôm nuôi?" rồi mới dừng lại để xem. Nhiều khách thì muốn mua nhưng sợ "bị lừa" nên hỏi vậy xong cứ nấn ná rồi lại bước đi tìm thứ đồ ăn khác.

Đang kiểm tra kỹ mớ tôm để mua, chị Trương Thị Nhung (trú ở huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) cũng e dè nên gặng hỏi chủ bán xem nguồn gốc tôm là từ "biển hay sông".

Chị Nhung cho biết, do là người miền núi, ít tiếp xúc nên khó phân biệt được đâu là loại an toàn. Vậy nên chị Nhung cứ hỏi trước cho chắc rồi mới mua.

Chị Trương Thị Nhung cho biết, không thể phân biệt được hải sản an toàn nên phải chọn các loại cá, tôm nuôi, có nguồn gốc ở sông, ao hồ về ăn.

"Cũng chẳng biết được đâu mà chọn cả. Đi chợ thấy họ cứ bày bán cá, các loại đồ biển đó họ nói đánh bắt ở đâu ngoài Bắc chứ không phải trong Hà Tĩnh.

Nhưng nói thật từ mấy tháng nay rồi gia đình, người thân tôi không dám mua để ăn nữa. Chúng tôi làm sao biết được cá đó bắt ở đâu? Báo đài họ khuyến cáo loại an toàn nhưng chúng tôi phân biệt làm sao được?

Lâu lắm không ăn hải sản, nay thấy họ bán tôm họ bảo tôm nuôi nên cũng liều mua về ăn cho đỡ thèm, chứ nói phân biệt thì chẳng biết. Còn cá biển thì thôi, thèm lắm đấy nhưng nhịn cho an tâm", chị Nhung chia sẻ.

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/phan-biet-hai-san-an-toan-them-lam-day-nhung-nhin-cho-an-tam-20160923010737696.htm