Phản biện về dự án phục hồi môi trường nước Vịnh Hạ Long

Vừa qua, đại diện Công ty Rent A Port (Vương quốc Bỉ) đã có báo cáo trước lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và đại diện của một số sở, ban, ngành có liên quan về việc triển khai dự án nghiên cứu phục hồi môi trường vịnh Hạ Long.

Buổi báo cáo và góp ý về dự án phục hồi môi trường nước Vịnh Hạ Long. Ảnh: TL

Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Rent A Port (Vương quốc Bỉ) báo cáo nghiên cứu dự án phục hồi môi trường nước Vịnh Hạ Long sẽ sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Đan Mạch với tổng kinh phí trên 130 triệu USD trong 12 năm.

Dự án sẽ bao gồm: Nhà máy đốt rác với công suất xử lý 100 tấn/ngày; hệ thống xử lý nước đen với công suất 500m3/ngày; các hạng mục thu gom chất thải trên Vịnh Hạ Long sẽ gom về 9 cụm bể với 54 bể nổi Septikon. Các phương tiện vận tải gồm: tàu, xe thu gom, vận chuyển chất thải đưa tới nhà máy xử lý chất thải tạo năng lượng điện được xây dựng tại TP Uông Bí. Dự kiến: Thời gian xây dựng dự án trong 2 năm, bắt đầu từ 2017.

Theo đánh giá của Công ty Rent A Port đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, góp phần triển khai các giải pháp trong quy hoạch môi trường Vịnh Hạ Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Khi thực hiện thu gom chất thải trôi nổi cũng như việc dò rỉ xăng dầu của các phương tiện thủy hoạt động trên vịnh… chất lượng môi trường nước Vịnh Hạ Long sẽ được cải thiện và sạch dần như vốn có của tự nhiên.

Một số đại biểu của các sở, ban, ngành của tỉnh đã phản biện: Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của đơn vị tư vấn và Công ty Rent A Port đưa ra có kinh phí lớn. Mặt khác, một số dữ liệu mà họ đưa ra chưa phù hợp với thực tế, cụ thể: Lượng rác thu gom trên Vịnh Hạ Long hiện tại chưa được 10 tấn/ngày, trong khi dự án xử lý lên đến 100 tấn/ngày là không thực tế. Hiện tại, tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại Hoành Bồ, do vậy phương án vận chuyển xử lý tại Uông Bí mà Công ty Rent A Port đưa ra là bất hợp lý. Việc lắp dựng 54 bể nổi Septikon trên Vịnh Hạ Long chẳng những ảnh hưởng đến hoạt động của các phương tiện đường thủy mà còn gây mất mỹ quan của danh thắng.

Kết luận về cuộc trao đổi, ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao ý tưởng cũng như cố gắng của các đơn vị trong việc tập trung nghiên cứu, khảo sát giảm thiểu tác động xấu đến môi trường nước Vịnh Hạ Long. Đồng thời, ông Nguyễn Đức Long yêu cầu phương án nghiên cứu tiền khả thi cần phải bám sát thực tế hơn bằng kết quả khảo sát cụ thể về thực trạng môi trường vịnh hiện tại để có số liệu chính xác về lượng rác thải hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng… Trên kết quả đó xây dựng phương án xử lý đạt kết quả cao.

Vấn đề sử dụng rác thải để làm nguyên liệu đầu vào cũng được tính toán kỹ bởi khi xây dựng nhà máy xử lý nhưng thiếu nguyên liệu đầu vào dẫn đến công suất không đạt kết quả như đã thiết kế. Lắp dựng 9 cụm bể với 54 bể nổi Septikon đặt ở vị trí nào cần phải khảo sát kỹ để không phá vỡ cảnh quan thuần khiết của các đảo trên vịnh để đảm bảo an toàn cho các phương tiện thủy hoạt động.

Đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh cùng ông Nguyễn Đức Long có cùng quan điểm: Phải tính toán lại tổng mức đầu tư cho phù hợp với thực tế. Mặt khác, nguồn vay ODA phải nhận sự đồng thuận của các bộ, ban, ngành và Chính phủ. Thời hạn vay cũng cần phải tính toán lại.

Ngay tại buổi báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long giao Sở Kế hoạch Đầu tư làm đầu mối để phối hợp, tham mưu UBND tỉnh lấy ý kiến từ các bộ, ngành, các chuyên gia về môi trường và ý kiến của Chính phủ. Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục các bước tiếp theo tiến tới chính thức phê duyệt dự án.

Lộc Nga

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/moi-truong/phan-bien-ve-du-an-phuc-hoi-moi-truong-nuoc-vinh-ha-long_t114c1143n111234