Phan Anh làm từ thiện, luật có cho rằng vi phạm?

Trận lũ lụt khủng khiếp vừa qua gây thiệt hại nặng nề cho đồng bào miền Trung, nặng nhất là hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đã làm cả nước ta đau lòng.

Với tinh thần "thương người như thể thương thân" theo truyền thống đạo lý "lá lành đùm lá rách" của dân tộc ta, cả nước đã có những phong trào cứu trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hướng về miền Trung ruột thịt. Trong đó, nổi lên là phong trào của MC Phan Anh đã vận động quyên góp được tới 16 tỉ đồng chỉ trong vòng có 4 ngày.

Trong khi dư luận cả nước vui mừng trước thành tích kêu gọi tình người cưu mang nhau lúc hoạn nạn của Phan Anh thì cũng lại có thiểu số ý kiến cho rằng Phan Anh tổ chức quyên góp làm từ thiện như thế là vi phạm pháp luật.

Mặc dù sau đó đã có ý kiến bác bỏ của một số luật sư, tuy nhiên vì chưa rõ ràng nên những người này vẫn bám vào một quy định tại điều 5 Nghị định 64/2008/CP để "kết tội" Phan Anh vi phạm, rằng: "Điều 5. Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ.

MC Phan Anh tặng quà và nói chuyện với người dân vùng lũ Hương Khê. Ảnh minh họa từ Internet.

1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”.

Với Quy phạm này, một số người cho rằng Phan Anh nhận tiền của mọi người đi cứu trợ là sai.

Tuy nhiên muốn phán xét đúng hay sai theo pháp luật thì cần phải hiểu luật một cách bài bản đã, thì mới áp dụng chính xác được.

Ở đây tóm tắt nội dung của vụ việc này là Phan Anh đứng ra lập 1 tài khoản cá nhân có số tiền đóng góp 500 triệu của mình và kêu gọi mọi người cùng đóng góp vào đấy, đồng thời công bố là sẽ dùng số tiền tài khoản quyên góp trong thời hạn ngắn này để trực tiếp đi đến cứu trợ các địa điểm bị lũ lụt.

Vậy, đối chiếu vụ việc với nghị định nói trên thì thấy như sau:

Trước hết, theo nguyên tắc áp dụng pháp luật ta phải xét đến cái đầu tiên là căn cứ để ban hành văn bản pháp luật, vì mọi văn bản đều phải có căn cứ ban hành, để biết được văn bản này là triển khai các quy định của các văn bản luật nào, từ đó mà khoanh vùng tác động của văn bản này là chỉ ở trong các căn cứ ban hành đó.

Nghị định này ban hành theo các căn cứ là: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Ngân sách Nhà nước. Như vậy ở đây là Nghị định này triển khai một số quy định về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc các cấp, một số quy định hoạt động của ngân sách nhà nước.

Tiếp đến, ta xét đến tiêu đề của văn bản pháp luật là để điều chỉnh việc gì. Ở đây là Nghị định về “về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.

Ở đây ta thấy trong các căn cứ ban hành Nghị định này lại không có căn cứ vào văn bản luật nào quy định về hoạt động tự nguyện của công dân, chẳng hạn như Nghị định 30/2012/CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện phải căn cứ Bộ luật Dân sự, cho nên nghị định này không phải là triển khai về hoạt động tự nguyện của công dân, cụ thể là không quy định về hoạt động cứu trợ tự phát của công dân.

Do các căn cứ ban hành như vậy nên nội dung của Nghị định này là được ban hành theo thẩm quyền của Chính phủ, triển khai một số nhiệm vụ giao cho Mặt trận Tổ quốc các cấp, được đảm bảo thực hiện bởi ngân sách nhà nhà nước, ở đây là nhiệm vụ “về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”. Cho nên chỉ các cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao cùng với Mặt trận Tổ quốc các cấp, được hoạt động hoặc hỗ trợ hoạt động bằng ngân sách Nhà nước thì mới là đối tượng điều chỉnh của nghị định này. Như vậy, việc Phan Anh hoạt động từ thiện cùng bạn bè với danh nghĩa cá nhân không phải mang danh nghĩa nhà nước là không thuộc đối tượng này.

Điều này được thể hiện rõ qua điều 4 khoản 4 của Nghị định 64 đã quy định như sau: "Các cơ quan thông tin đại chúng (Báo, Đài); các tổ chức đơn vị quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được phép vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật."

Theo điều 4 này thì mới có điều 5 quy định về các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ để thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, ngoài ra thì không có đơn vị, tổ chức, cá nhân nào được mang danh nghĩa thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp như đã nêu ở trên. Cho nên cá nhân Phan Anh kêu gọi quyên góp theo danh nghĩa cá nhân của mình kêu gọi, chứ không phải mượn danh nghĩa hưởng ứng kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tức là không giả mạo, thì không vi phạm theo tinh thần điều 5 của Nghị định này.

Chính vì mang danh nghĩa cá nhân chứ không phải danh nghĩa nhà nước cho nên Phan Anh cũng không phải lập Ban cứu trợ như một số người ngộ nhận về Nghị định này.

Và ở đây cũng cần lưu ý là, khi chính bản thân Phan Anh đem tiền của cá nhân mình để cứu trợ thì Phan Anh chính là người cứu trợ trực tiếp, cho nên tài khoản đã tiền của Phan Anh mà mọi người gửi thêm vào đó nữa thì chỉ là mang tính chất nhờ địa chỉ tài khoản của Phan Anh để gửi hộ cho cá nhân họ khi Phan Anh đi cứu trợ trực tiếp thay cho họ mà thôi. Khi Phan Anh kêu gọi mọi người đóng góp cứu trợ, cùng với số tiền của cá nhân anh cùng sử dụng vào mục đích này thì chính anh đã trở thành người cứu trợ rồi, không còn là người (chỉ có) tổ chức vận động suông. Việc làm này khác hẳn với một cá nhân lập một tài khoản rỗng mà kêu gọi mọi người đóng góp vào đó mang tính chất chuyên nghiệp rộng khắp để nhà nước phải xem xét giám sát. Cho nên việc kêu gọi của Phan Anh chỉ mang tính chất hội tụ của một nhóm người thân quen với nhau cùng làm cứu trợ, thì nhà nước không cần phải điều chỉnh việc làm thiện nguyện tự phát này.

Tuy nhiên lưu ý rằng nghị định cũng quy định tại khoản 1 điều 3 là :" Nghiêm cấm cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ". Điều này cũng có nghĩa rằng tổ chức cá nhân tin tưởng nơi quyên góp nào thì gửi nơi đó, không tin tưởng thì thôi, không ai có quyền bắt buộc được nơi nào là nơi nhận quyên góp như một số người ngộ nhận về nghị định này.

Cho nên tại điểm d khoản 2 điều 5 Thông tư 72/2008/BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 64/2008/CP, mới có quy định:" Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trực tiếp cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân, các đối tượng bảo trợ xã hội cần sự giúp đỡ thì Ban Cứu trợ có trách nhiệm hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân đó chuyển trực tiếp số tiền, hàng cứu trợ đến các đối tượng theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân cứu trợ.", theo đó thì Phan Anh và bạn bè của mình có quyền cứu trợ trực tiếp mà không phải thông qua cơ quan Nhà nước như một số người ngộ nhận.

Theo điều 6 và điều 12 của Nghị định 30/2012/CP (thay thế nghị định 148/2007/NĐ-CP) về tổ chức hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì số tiền 500 triệu trong tài khoản ngân hàng của Phan Anh không đủ điều kiện để thành lập quỹ hoạt động xã hội, từ thiện cho nên không phải là quỹ hoạt động quyên góp. Chính vì không phải là quỹ nên tài khoản 500 triệu của Phan Anh không chịu sự điều chỉnh về hoạt động cứu trợ của quỹ theo Nghị định 64 này.

Tài khoản của Phan Anh chỉ nhận tiền quyên góp trong thời gian ngắn, mục đích rõ ràng là để cứu trợ, thì đương nhiên tiền quyên góp cứu trợ không phải là thu nhập bất thường để đánh thuế thu nhập như một số người ngộ nhận.

Chỉ cần đối chiếu đến đây chúng ta đã khẳng định được việc tổ chức quyên góp cứu trợ của Phan Anh là hoàn toàn đúng pháp luật, rất đáng được biểu dương, khuyến khích trong toàn xã hội.

Pháp luật xã hội chủ nghĩa của nhà nước ta là pháp luật mang tính chính nghĩa của một nhà nước "của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân", "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân ", cho nên tuyệt nhiên không có chuyện pháp luật ta ngăn cấm cá nhân làm từ thiện tự phát cùng với người thân quen của mình như sự việc Phan Anh làm được.

Rất mong cơ quan Nhà nước kịp thời có ý kiến phản hồi chính thức xác nhận quan điểm và chính sách pháp luật đúng đắn của nhà nước ta trước việc làm từ thiện tự phát cùng bạn bè của công dân Phan Anh, để dư luận yên tâm hướng tới cái thiện trong cuộc sống còn vô vàn khó khăn thử thách lòng người ở phía trước.

Qua đây các trường đào tạo luật cũng cần chú ý giảng dạy kỹ hơn về phương pháp áp dụng pháp luật để tránh có tình trạng hiểu luật sai một li đi một dặm như vừa qua.

Theo Laodong

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/phan-anh-lam-tu-thien-luat-co-cho-rang-vi-pham-89409/