Phạm Xuân Ẩn đơn độc như con sói, luôn đối mặt cái chết

Vntinnhanh.vn – Phạm Xuân Ẩn ví mình đơn độc như con sói và ông luôn phải đối mặt với nguy hiểm có thể bị bắt, bị giết.

Việt Nam không hề có trường đào tạo tình báo, và điều trớ trêu là, hành trang bước vào lĩnh vực tình báo của ông Ẩn lại được tích lũy từ một cuốn sách xuất bản năm 1963, Mổ xẻ nghề tình báo: Điệp viên và kỹ thuật của điệp viên từ Roma cổ đại đến sự kiện U-2, mà Ẩn cho biết là ông được phóng viên trẻ David Halberstam làm việc tại Sài Gòn tặng để Ẩn trau dồi kỹ năng viết phóng sự.

Ẩn lôi cuốn sách ấy từ thư phòng nhà ông và chỉ cho tôi những phần quan trọng, đầu tiên là điệp viên huyền thoại Richard Sorge của Liên Xô, phóng viên chính thức của bốn tờ báo trong thời gian làm việc dưới vỏ bọc tại Nhật Bản từ năm 1933 tới 1942.

Vỏ bọc của Sorge giúp ông có thể vào Đại sứ quán Đức, nơi ông tạo dựng được những mối quan hệ đầy giá trị với nhiều đời đại sứ liên tiếp và những người này đã trở thành nguồn tin quan trọng của ông.

‘Điều đó rất quan trọng', Ẩn nói với tôi. 'Nhưng còn quan trọng hơn đó là Sorge đã sơ suất, bị bắt và rồi bị người Nhật treo cổ. Đó là kết cục mà tôi luôn sợ mình sẽ gặp phải’. Vào ngày 5 tháng 11 năm 1964, Richard Sorge đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Phạm Xuân Ẩn luôn mang theo chú chó bên mình - nguồn: Tư liệu cá nhân Phạm Xuân Ẩn

‘Nghề tôi có hai cái kỵ’, Ẩn nói với người Việt Nam viết hồi ký cho ông. ‘Nếu bị bắt, không trốn được (nếu trốn được thì tốt), nhưng nếu không sống được thì phải kể là chết.

Cái cần giữ không phải xác anh. Xác anh kể là chết, nhưng không được tiết lộ nguồn tin. Không khai báo đã đành, ngay khi những gì địch đã biết, anh có thể nhận, nhưng tuyệt đối phải bảo vệ người cung cấp tin. Thứ hai là cái gì lấy được rồi, giấu tuyệt đối’.

Cuốn sách của Ẩn chứa đầy những ký hiệu đánh dấu các đoạn văn viết về việc gặp gỡ với liên lạc viên tình báo. ‘Vì lý do an ninh, các cuộc gặp nên diễn ra nơi công cộng có khá đông người.

Hai người mà hẹn gặp ở những nơi ít người qua lại thì dễ bị theo dõi, và nếu một người bị hại thì người kia cũng tự động lâm nguy. Ở những nơi đông đúc – trong quán rượu, nhà hát, địa điểm thi đấu thể thao, nhà ga chính – hai bên có thể dễ dàng liên lạc mà không gây chú ý.

Thông tin có thể được trao đổi hai chiều theo nhiều cách mà cả hai người chẳng cần nói chuyện với nhau’. Một phần khác nói về loại mực mất dấu và các kỹ thuật ngụy trang.

Ẩn chọn cách giấu các cuộn phim bên trong các miếng chả trứng cuốn hoặc nem chua (thịt sống được gói trong lá chuối), nhưng các điệp viên khác thì chọn phương cách khác.

‘Đối với tài liệu viết bằng nước trà trên những tờ giấy dầu màu vàng thì dùng những tờ giấy đó... gói đồ, hoặc dán lại thành cái túi đựng đồ.

Còn phim thì làm theo hai cách. Một là mua một đôi dép cao su xốp, lột lớp phía trên ra, rồi lấy dao cắt rỗng miếng xốp trong đế dép, phim cắt ra từng khúc nhét vào đó rồi dán lại', con trai ông Ba Quốc kể.

'Một chiếc dép chứa được một phần tư cuộn phim, một đôi được nửa cuộn; nửa cuộn còn lại cũng cắt ra, cuộn nhỏ lại, nhét vào đồ chơi trẻ em.

Tất cả đựng vào cái túi bằng giấy dầu màu vàng nói trên, cả vỏ cả ruột đều là tài liệu. Ông đem cái túi đó để vào cốp xe Vespa rồi mang đi gặp giao liên nội đô'.

Nỗi nguy hiểm thường gặp của các điệp viên là liên lạc viên có thể bị bắt giữ cùng tài liệu, sau đó được đưa tới Trung tâm Khai thác Tài liệu Hỗn hợp (CDEC), nơi đây một người phiên dịch thạo nghề sẽ truy tìm nguồn gốc. ‘Tài liệu không chỉ là tin tức mật, tài liệu chính là điệp viên. Mất tài liệu tức là mất điệp viên’.

Trước tháng 10 năm 1965, công tác phân tích tài liệu (gọi là 'khai thác') được giao chủ yếu cho quân đội Việt Nam Cộng hòa.

Phạm Xuân Ẩn thời thanh niên

Ẩn nhớ có lần một đầu mối bên trong tổ chức này cho ông xem một tài liệu thu giữ được từ kẻ thù, trong đó có bản tóm tắt báo cáo do chính ông soạn về kế hoạch truy quét du kích quân do Quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện.

‘Tôi đã nổi xung và vào rừng để nói với họ khi tóm tắt báo cáo nên cẩn thận, đặc biệt đây là những thứ tôi viết hồi năm 1961 và tôi biết rõ là của mình; tài liệu cũ nhưng có thể truy nguồn được’.

Ẩn luôn ví mình như một con sói cô đơn bởi không có một ai giám sát các hoạt động hằng ngày của ông. Ẩn chính là trường hợp mà trong ngành tình báo Mỹ gọi là điệp viên đơn độc hoạt động trong vùng cấm.

Do hoàn cảnh quá nguy hiểm nên việc tiếp xúc trực tiếp bị cấm; mọi bước đi đều do Ẩn tự nghĩ ra. Ông có một loạt cấp trên trực tiếp, đầu tiên là Mười Hương.

Nếu Trung ương cục miền Nam cần gì đấy đặc biệt, Ẩn sẽ nhận được yêu cầu thông qua mật thư của bà Ba hoặc bà này có thể gây chú ý cho Ẩn lúc ông đưa con đến trường.

‘Tôi là nhà tình báo chiến lược, không phải tình báo chính trị, vốn thường chuyên về các hoạt động như tổ chức các nhóm đảo chính hoặc thực hiện các hoạt động gián điệp chính trị’, Ẩn thường nhấn mạnh. ‘Tôi là học trò của Sherman Kent, công việc của tôi là giải thích và phân tích thông tin’.

Kent đã viết một trong những cuốn sách đầu tiên của mình để hệ thống hóa lại chủ đề phân tích thông tin tình báo, cuốn sách nhan đề Tình báo chiến lược phục vụ chính sách toàn cầu của Mỹ.

Ẩn biết được thông tin về Kent thông qua Lansdale cũng như từ các đồng nghiệp ở CIO khi họ vừa tu nghiệp ở Mỹ về theo các chương trình mà sách của Kent là tài liệu huấn luyện chính.

Sau chuyến thăm lịch sử của Richard Nixon tới Trung Quốc vào tháng 2 năm 1972, cách thức làm việc của Ẩn đã có sự thay đổi quan trọng.

‘Tôi buộc phải thay đổi mọi thứ sau chuyến thăm của Nixon bởi có rất nhiều gián điệp Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam. Mọi việc đều rất nguy hiểm, ngoại trừ báo cáo, vì thế tôi phải dành nhiều thời gian hơn để đọc và phân tích tài liệu sau đó ngồi gõ những bản báo cáo dài.

Chỉ có một lần vào năm 1974 là tôi có làm một chuyện ngoại lệ, nhưng lúc đó thì người Mỹ rút rồi. Tôi nói với cấp trên rằng tôi là người phân tích, nếu họ muốn lấy tài liệu thì các điệp viên sẽ làm; họ có rất nhiều phương cách để có tài liệu nhưng không phải lấy từ tôi nữa. Mang tài liệu về nhà rồi sau đó đem trả lại rất dễ bị tóm’.

Ẩn cho tôi biết rằng cuốn Mổ xẻ nghề tình báo đã giúp ông chuẩn bị một cuộc sống đơn độc, cho thấy tầm quan trọng của tự chủ và tinh thần kỷ luật: 'Điệp viên là người cô đơn. Tính chất hoạt động không cho phép anh ta tiết lộ thân phận, bởi làm thế thì anh ta có thể gián tiếp tiết lộ ý đồ của mình…

Anh ta phải hoàn toàn kiểm soát bản thân mình cũng như đặt các bản năng và phản ứng của mình theo một nguyên tắc nghiêm ngặt'.

Phạm Xuân Ẩn khi còn theo học tại Mỹ.

Cuốn sách cũng gieo rắc nỗi sợ, một cảm giác đeo đuổi rằng bất cứ lúc nào sứ mệnh của ông cũng có thể kết thúc và tính mệnh của ông cáo chung: ‘Thời chiến cũng như thời bình – đặc biệt là trong chiến tranh – anh ta phải cảnh giác với kẻ thù.

Mọi bàn tay đều chống lại anh ta; một khoảnh khắc bộc lộ bản thân cũng đủ để khiến anh ta bị tấn công. Điệp viên biết điều đó.

Ngay từ đầu anh ta ý thức được đòn thù mà kẻ địch sẽ tung ra một khi họ bắt được anh ta. Mối nguy đến tính mạng, thậm chí nếu không mất mạng (trong trường hợp những người bắt giữ muốn tra tấn để khai thác thông tin), thì mối nguy bị cắt tay chân là điều mà mỗi điệp viên phải tiên lượng’.

‘Điệp viên may mắn là điệp viên không bị bắt’ là cách mà Ẩn luôn nói về bản thân. Ẩn có nhiều phen thoát hiểm trong gang tấc, nhưng ông đặc biệt nhớ hai lần. Lần thứ nhất là trong giai đoạn đầu sự nghiệp khi ông vừa ở Mỹ về và đang làm việc cho bác sỹ Tuyến.

Lúc bấy giờ, Minh Cồ đang là trung tá của Sư đoàn 3 Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Ẩn giới thiệu một nữ quân nhân (WAC) vào làm việc trong văn phòng của Tuyến. Ẩn không hề biết cô này đã bí mật làm việc cho Mặt trận ở ngay trong văn phòng của Minh Cồ, và giờ đây, với sự tiến cử của Ẩn, cô ta vào làm cho Tuyến.

Bên quân báo hỏi Tuyến ai đã tiến cử cô này. Khi bị chất vấn, Ẩn lập tức đáp, ‘Làm sao tôi biết con nhỏ là Việt Cộng? Tôi chưa vợ, mà con nhỏ thì đẹp và lại biết đánh máy nên tôi giới thiệu. Tôi chả biết gì ngoài chuyện đó’.

Ẩn ngưng câu chuyện ở đấy và lật sang trang 30 cuốn Mổ xẻ nghề tình báo, ‘hành động và ứng khẩu mau lẹ, hai phẩm chất gần như song hành trong nghề, có thể giúp anh ta thoát hiểm’.

Với vẻ hài lòng, Ẩn châm thêm trà và nói, ‘Ông thấy đấy, trong nghề của tôi thì chẳng có gì là quá nhỏ nhặt, không đáng để phân tích và ứng dụng. Hy vọng ông cũng sẽ viết theo cách như thế’.

Ẩn còn có một vụ thoát hiểm khác, trong đó nhờ nhanh trí ông đã kiểm soát được một tình huống có thể dẫn tới thảm họa.

Sau khi các con đã đi ngủ, và với chú chó bẹc giê Đức cùng người vợ đứng canh, Ẩn thường chuẩn bị báo cáo và phim để chuyển cho bà Ba.

Một buổi sáng nọ, Ẩn nghe cô con gái của mình kể với anh trai rằng hồi đêm tỉnh giấc, cô bé thấy cha mình viết bằng một loại mực đặc biệt, cứ viết xong là chữ biến mất. Ẩn thất kinh.

Phạm Xuân Ẩn và 4 người con

Ông đã không hay biết cô bé đến bên cạnh, còn vợ ông đã đi ngủ, con chó thì thấy người quen nên chẳng sủa. Ẩn sợ con gái sẽ đến lớp kể với bạn bè về loại mực đặc biệt này.

Thế nên ông nghĩ ra một trò để đánh lừa cô bé. Tối hôm đó, ông đặt một ngọn đèn sáng ngay trước mặt cô bé. Rồi ông bảo cô bé nhìn vào tờ giấy mà ông vừa viết bằng mực thông thường. Tất nhiên là trong vài phút đầu cô bé chẳng thấy gì cả do mắt còn bị chói sáng, rồi thì sau đó cô mới thấy mực.

'Con nè, đây là nguyên nhân khiến tối qua con thức giấc và thấy ba viết nhưng không thấy chữ. Con đi từ trong tối ra chỗ sáng và tưởng là tờ giấy không có chữ. Lúc đó con bị hoa mắt nên mới như vậy, và do mệt quá nên sau đó con quên hết’.

Thế là từ đó cô bé không còn nhắc tới loại mực đặc biệt nữa. Con trai của Ẩn là Hoàng Ân sau này kể với tôi rằng cậu ta thường tỉnh ngủ và thấy cha làm việc rất khuya nhưng không hề suy nghĩ gì về chuyện đó.

Ẩn luôn nhấn mạnh vai trò của vận may trong nghề tình báo. Ông thường đi xem bói và nếu thầy phán hôm đó là ngày xấu thì ông không ra ngoài. Ẩn thậm chí còn coi số xe của mình ‘NBC 253’ là số xui vì đó là số bù, con số rất xấu theo quan niệm tướng số của người Việt Nam.

‘Tôi nhớ lúc bà Nhu cấm đánh bạc, chúng tôi thường ngồi ở góc đường và cá độ biển số mấy chiếc xe chạy qua. Không ai muốn ngồi gần xe tôi vì đấy là số xui’.

Vai trò của vận may có lẽ được minh họa rõ nhất trong câu chuyện của Ba Quốc, với tên gọi và chức danh trong hồ sơ của đảng là Thiếu tướng Đặng Trần Đức.

Làm việc cho lưới tình báo H.67 dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương cục miền Nam, Ba Quốc hoạt động hơn hai mươi năm tại miền Nam Việt Nam, nhưng không giống Ẩn, cuối cùng Ba Quốc đã bị lộ tẩy.

'Chuyện của ông ấy cho thấy tôi rất may mắn cũng như cho thấy mạng sống của tất cả chúng tôi hồi đó nguy hiểm như thế nào', Ẩn nói.

Ba Quốc bị lộ rất tình cờ. Ông vừa gặp liên lạc viên lâu năm của mình là Bảy Anh (người làm việc cho riêng Ba Quốc từ năm 1966 tới 1974) tại một khu chợ và chuyển mấy chục cuộn phim, nhưng hôm đó Bảy Anh đã chuyển phim cho một nữ liên lạc viên trẻ để mang lên Củ Chi.

Không may cho cô gái là cảnh sát đã dừng xe để kiếm một người nào đó, nhưng họ đã quyết định bắt hết tất cả để đảm bảo rằng không để lọt thành viên Việt Cộng nào trên xe.

Thế là cảnh sát tìm thấy tài liệu trong túi xách của cô gái, và sau vài ngày điều tra, họ lần ra được Ba Quốc, nhưng ông ta đã nhanh chóng trốn vào rừng trước khi cảnh sát kịp tới gõ cửa.

'Chỉ là tình cờ thôi. Và tôi luôn sợ những kiểu tình cờ như vậy', Ẩn thổ lộ. 'Biết đâu một liên lạc viên bị bắt và rồi đến một ngày tôi bị lộ, họ sẽ đến tìm tôi tại tờ Time, hoặc xấu hơn nữa, họ tìm gặp tôi ở những chỗ mà không ai thấy, tôi có thể bị tra tấn trước lúc bị giết'.

Trích đăng từ tập sách Điệp viên Hoàn hảo X6

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/tin-24h/pham-xuan-an-don-doc-nhu-con-soi-luon-doi-mat-cai-chet-140867