Phạm Tuân bay vào vũ trụ: Bước chân Thánh Gióng Việt Nam

Ngày 24/7/1980, Anh hùng Phạm Tuân đã trở thành người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ, hiện thực hóa ước mơ 18 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Việt Nam bước vào vũ trụ từ truyền thuyết Thánh Gióng

Có người đã nói vui, người Việt Nam bước những bước đầu tiên vào vũ trụ từ thời xa xưa, khi vị anh hùng dân tộc trong truyền thuyết là Thánh Gióng bay lên trời trên con ngựa sắt.

Thánh Gióng bay lên trời sau khi đã đánh tan quân xâm lược nhà Ân ở phương Bắc, còn anh hùng phi công Phạm Tuân bay vào vũ trụ sau khi ông trực tiếp lái máy bay chiến đấu MiG-21 chiến thắng B-52 Mỹ, góp phần giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Sự kiện này diễn ra vào năm 1980, vào đêm ngày 23 tháng 7 theo giờ Moscow, tức là sáng sớm ngày 24 theo giờ Hà Nội, lúc con tàu vũ trụ "Soyuz-37" của Liên Xô rời Trái đất phóng vào không gian.

Chỉ huy phi hành đoàn "Soyuz-37" là Anh hùng Liên Xô Victor Gorbatko, người đã có hai chuyến công tác vũ trụ, nhà nghiên cứu là phi công quân sự Phạm Tuân của Việt Nam - người tám năm trước đã lái MiG-21 bắn hạ "pháo đài bay" B-52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội.

Phạm Tuân đã từng cho biết, khi nhận được nhiệm vụ và cũng là trách nhiệm lớn lao đối với đất nước là trở thành người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ, ông và các đồng đội rất phấn khởi nhưng cũng rất lo lắng, bởi chắc chắc là nhiệm vụ huấn luyện này sẽ rất khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với việc huấn luyện làm phi công chiến đấu.

Để chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên này, phi công vũ trụ Phạm Tuân đã trải qua toàn bộ quá trình huấn luyện cần thiết trước chuyến bay tại Trung tâm Đào tạo Yuri Gagarin ở thành phố Ngôi Sao, ngoại ô thủ đô Moscow.

Anh hùng Liên Xô Victor Gorbatko và anh hùng Phạm Tuân của Việt Nam

Anh hùng Liên Xô Victor Gorbatko và anh hùng Phạm Tuân của Việt Nam

Ngay từ phút đầu, ông luôn xác định sẽ hết sức mình, tận dụng sự giúp đỡ của phía bạn, đạt kết quả học tập cao nhất và hoàn thành nghĩa vụ mà Đảng và nhân dân giao cho.

Kinh nghiệm huấn luyện trong quá trình đào tạo và rèn luyện phi công chiến đấu, đã giúp tôi rất nhiều trong thời gian học tập tại Trung tâm nghiên cứu vũ trụ. Thêm vào đó, sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng chí, đồng đội người Nga đã giúp Phạm Tuân vượt qua mọi thử thách.

Những dấu mốc lịch sử

Chuyến bay của phi hành đoàn "Soyuz-37" diễn ra từ ngày 24 đến ngày 31 tháng 7 năm 1980.

Một sự trùng hợp thú vị là một số ngày kỷ niệm lớn và dấu mốc quan trong của hợp tác Việt-Xô đều diễn ra vào thời điểm đó, trở thành những mốc son trong lịch sử Việt Nam và biên niên sử hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Ví dụ như vào ngày 24 tháng 7 năm 1965, các tổ hợp tên lửa phòng không của Liên Xô vừa được trang bị cho Quân đội Việt Nam cũng đã giành chiến thắng vẻ vang trước không quân Mỹ trong trận đánh đầu tiên.

Còn ngày 31 tháng 7 cũng là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử hợp tác hữu nghị giữa 2 nước. Đó là ngày thành lập Hội hữu nghị Xô-Việt, tiền thân của Hội hữu nghị Nga-Việt ngày nay (31 tháng 7 năm 1958).

Trong số những người đầu tiên đón chào khi Phạm Tuân và Viktor Gorbatko trở về Trái đất có Chủ tịch Hội hữu nghị Xô-Việt khi ấy là ông German Titov, nhà du hành vũ trụ huyền thoại của Liên Xô, người được Hồ Chủ tịch lấy tên đặt cho một hòn đảo ở vịnh Hạ Long.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/pham-tuan-bay-vao-vu-tru-buoc-chan-thanh-giong-viet-nam-3314776/