Phẩm chất mới của thơ ca sau Cách mạng

Thắng lợi Cách mạng tháng Tám là một luồng gió lớn cho các văn nghệ sĩ cách mạng. Cách mạng tháng Tám thành công, đã tạo nên một nguồn thơ mới dồi dào sôi nổi, thắm đượm cảm xúc yêu Tổ quốc, yêu nhân dân. Trong hàng ngàn bài thơ ca ngợi đất nước độc lập, tự do; ca ngợi Đảng, Bác Hồ có những bài thơ thay đổi hoàn toàn với một phẩm chất mới, khí thế mới, cảm xúc mới.

Tiêu biểu cho ý thức trong quan hệ giữa sáng tác và cách mạng được thể hiện trực tiếp trong thơ, bằng thơ, là Chế Lan Viên, nhà thơ của trào lưu thơ mới đã xuất hiện với những vần thơ buồn khổ vừa như hiện thực vừa như tiên nghiệm: "Tôi có chờ đâu, có đợi đâu/ Đem chi xuân lại gọi thêm sầu/ Với tôi, tất cả như vô nghĩa, tất cả không ngoài nghĩa khổ đau/ Ai biết hồn tôi say mộng ảo/ Ý thu góp lại cản tình xuân/ Có một người nghèo không biết tết/ Mang lì chiếc áo độ thu tàn..." Ấy thế mà con người thơ ấy, bỗng trở nên lạc quan, yêu đời, yêu đất nước như không thể có gì để yêu hơn với những vần thơ sau cách mạng.

Đó là những tâm sự đầy cảm xúc qua các bài thơ: Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi; Người đi tìm hình của nước; Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng …Trong những bài thơ trữ tình triết luận về thơ của Chế Lan Viên ta cảm nhận sâu sắc điều mà nhà thơ ân hận đến day dứt về những tháng năm mình và thơ chưa gắn với cách mạng, có lúc rơi vào lạc lõng hoặc bi quan, chán nản.

Từ một ông hoàng thơ tình lãng mạn, nhà thơ Xuân Diệu trở thành nhà thơ lãng mạn cách mạng hào sảng với những tráng ca Ngọn quốc kỳ, Hội nghị non sông... với những câu thơ ngợi ca cờ đỏ sao vàng và Tổ quốc: “4000 năm trông mặt Mẹ không già/ Chúng con vẫn một lòng trẻ ấy/ Ngắm từng biếc chúng con mừng biết mấy/ Thấy còn dư máu đỏ để trang hoàng”.

Để rồi xúc động trào dâng khi đọc lại những vần thơ ca ngợi đất nước tự do, ca ngợi Cách mạng tháng Tám, nhất là trường ca “Ngọn quốc kỳ” của Xuân Diệu: “Gió bay đi mà nhạc cũng bay theo/ Đưa tin mới khắp trên trời đất Việt/ Hoa cỏ đón mà núi sông cũng biết/ Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay/ Vàng huy hoàng sinh giữa thắm hây hây/ Thắm lộng lẫy nở quanh vàng rực rỡ/ Tất cả vải là một cười thắm đỏ/ Tất cả cờ là một tiệc triêu dương!”. Ngọn Quốc kỳ đã tung bay trong những ngày tràn ngập ánh sáng của cách mạng. Những ngày ấy tươi mới trong lòng người. Đất nước như tập trung hiện bật lên trên lá cờ đỏ sao vàng qua lời thơ hào sảng của Xuân Diệu.

Khác với Chế Lan Viên và Xuân Diệu, nhà thơ Huy Cận giác ngộ cách mạng sớm (từ 1942) nhưng Huy Cận mới thực sự có ý thức về sự hồi sinh, đổi mới thơ của mình sau cách mạng tháng Tám.. Trước Cách mạng tháng Tám, thơ ông mang nỗi sầu về kiếp người và ca ngợi cảnh đẹp của thiên nhiên, tạo vật với các tác phẩm tiêu biểu như: "Lửa thiêng", "Vũ trụ ca", Kinh cầu tự".

Thơ Huy Cận cho đến sau này thiên về cảm hứng không gian nhưng không gian thơ trước cách mạng của Huy Cận mênh mông quá mà con người bé nhỏ, cô đơn quá khiến tác giả phải thốt lên "không gian ơi xin hẹp bớt mông mênh” thì sau Cách mạng tháng Tám, hồn thơ của ông đã trở nên lạc quan, được khơi nguồn từ cuộc sống chiến đấu và xây dựng đất nước của nhân dân lao động. Sau khi Lửa Thiêng ra đời một năm, Huy Cận tìm đến với cách mạng (hoạt động trong mặt trận Việt Minh). Như vậy, ánh sáng của lý tưởng Cộng sản đã manh nha trong hồn thơ mang mang thiên cổ sầu ấy từ khá lâu trước 1945.

Và sự đổi đời của Cách mạng tháng Tám có ý nghĩa như một bước ngoặt lịch sử, đưa trang thơ Huy Cận vượt khỏi những ám ảnh, những giới hạn chật hẹp do mặc cảm nặng nề về thân phận nô lệ tạo nên. Như đa số các nhà thơ Mới, Huy Cận rưng rưng chân thành trở về hòa nhập với cuộc sống. Thơ Huy Cận sau 1945 thể hiện rõ quá trình đấu tranh tự khẳng định sự góp mặt của một nhà thơ lớp trước, vào cuộc sống mới thể hiện rõ nét ởtập thơ "Trời mỗi ngày lại sáng”.

Rõ ràng Cách mạng tháng Tám đã tạo nên một không khí mới, phẩm chất mới cho thơ ca. Xin giới thiệu một số bài thơ của 3 nhà thơ tiêu biểu cho không khí mới, phẩm chất mới đó.

Hải Giang

Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi!

Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp

Có hay đâu hang Pác Bó gió lùa

Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép

Mảnh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ.

Đất nước sắp đổi thay rồi mà tôi chẳng biết

Người thay đổi đời ta về kia mà ta vẫn không hay.

Tôi vẫn khép phòng văn hì hục viết

Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày.

Chớ bao giờ quên nỗi chua cay của một thời thơ ấy

Tổ quốc trong lòng ta mà có cũng như không

Nhân dân ở quanh ta mà ta chẳng thấy

Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng!

Ta làm con nai lạc giữa rừng thu

Làm hổ sa cơ giận vườn bách thảo

Làm bóng ma Hời sờ soạng đêm mơ Làm tất cả!

Chỉ trừ không đổ máu!

Nở trắng hoa kim anh trên biên giới,

Bác về Xa nước ba mươi năm, một câu Kiều,

Người vẫn nhớ Mái tóc Bác đã phai màu quá nửa

Lòng son ngời như buổi mới ra đi.

Người đánh thức hồn dân tộc đã về kia. Ta nghe bừng tỉnh dậy

Câu quan họ, xẩm xoan xưa vứt ngã ba đường

Điệu lục bát và màu nâu nơi ruộng rẫy

Bức tranh làng Hồ và cô Tố nữ dáng quê hương.

Người đánh thức tương lai đã về kia, Bác hôn lên hòn đất

Nghe trong tay trở dậy những thành đồng

Nghe thay đổi cả vóc hình Tổ quốc

Chừng Điện Biên rực lửa đã nằm trong.

Tôi ở đâu? Đi đâu? Tôi đã làm gì?

Đời thấp thoáng sau những trang sách Phật

Đất nước đau dưới gót bầy ngựa Nhật

Lạc giữa sao trời tôi vẫn còn mê...

Chưa có gì dính líu giữa thơ tôi và truyền đơn

Bác viết Tôi không biết khi Bác đau phải ăn một nắm lá rừng

Trong nước mắt thơ tôi, tôi chưa ngờ chất thép

Chưa thấy trong máu mình sắp cuộn máu nhân dân.

Ôi giữa lòng ta Bác đến tự hồi nào?

Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc

Một buổi sáng, nhìn lòng ta, ta thấy

Bác Nước mắt ràn, ta cảm hết ơn sâu.

Ấy là khi ta có thể nhảy vào đồn mà không sợ lửa

Ăn một miếng khoai bùi ta cảm thấy là ngon

Khi riêng tây, ta thấy mình xấu hổ

Khi nhìn đời, mỗi lá mỗi tơ non.

Khi uống ngụm nước trong, lưỡi ta không còn đắng chất thị thành

Đời tươi mát như ao sen mùa hạ

Anh em bốn bên mà ta ở giữa

Có được trái cây thơm, ta biết quý cả mùa lành.

Khi ta muốn thơ ta thành hầm chông giết giặc

Thành một nhành hoa mát mắt cho đời

Khi mỗi bước đi lên của lòng ta đều thấm tình giai cấp

Ta biết trong ta Bác đã đến rồi.

Chế Lan Viên

Ngọn quốc kỳ

I

Gió reo, gió reo, gió Việt Nam reo;

Mây bay, mây bay, mây hồng tươi sáng.

Gió ca trên non, gió ngợi trên đèo;

Gió hát trên đồng: máu đỏ cao treo.

Gió bay đi, mà nhạc cũng bay theo,

Đưa tin mới khắp trên trời nước Việt.

Hoa cỏ đón, mà núi sông cũng biết,

Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay!

Vàng huy hoàng sinh giữa thắm hây hây.

Thắm lộng lẫy nở quanh vàng rực rỡ:

Tất cả vải là một cười thắm đỏ!

Tất cả cờ là một tiệc triêu dương!

Nào những huyền u uất, tím thê lương,

Nào những tía, nào những hồng yếu đuối,

Thắm lại hết! -

Nào những màu bạc lái,

Những bùn tro, những than tựa đêm tăm

Vàng lại rồi! Nước cũ bốn nghìn năm

Theo cờ mới, trẻ như hai mươi tuổi.

II

Trong mộng lớn triền miền không tiếng gọi,

Giấc mộng ao hồ, giữa xiềng lạnh đói.

Cái đêm nô lệ, trong bệnh hoang mang.

Năm năm rồi, bỗng lên ở Hậu Giang

Một sắc đỏ lạ lùng như máu chảy.

Trong sắc đỏ, vàng hãy còn áy náy.

Như nhớ xưa là sắc những triều vua.

Nhưng lâu lâu cùng với đỏ chen đua,

Vàng vững lại, biến là màu dân tộc.

- Cuộc khởi nghĩa phá tan đời nô bộc Lần đầu tiên theo cờ đỏ sao vàng.

** *

Cánh sao mai đưa lại ánh vừng dương.

Cả buổi sáng cũng thoát từ buổi ấy.

Toàn dân Việt như hẹn giờ đứng dậy:

Tỉnh Hóc Môn, rồi lại thức Đô Lương,

Bắc Sơn rồi, Thái Nguyên dậy phá cương!

Nhưng cờ đó, mà mấy ai đã biết?

Lưới quân cướp vẫn bủa giăng trùng điệp;

Hồn non sông phải náu giữa chông gai.

Bốn năm dư mang mẻ nỗi ai hoài

Như Thái Tổ ở Lam Sơn ngày trước.

Đường tranh đấu dẫu gieo neo: cứ bước!

Kịp khi vang súng mồng chín tháng Ba.

Gió đã lên! gió dậy khắp sơn hà!

Gió đã nổi! gió thổi cờ vun vút,

Như tất cả ngọn sóng triều ngùn ngụt:

Khiến quốc dân đều tỉnh dậy, nhìn lên...

Một luồng vui căng hết ngực thanh niên.

Những men mới trộn vào lòng đất nước.

Khít răng lại, đứng vào hàng cứu quốc.

Mở lòng ra, ôm đón lấy sao vàng.

……

Hoàng Diệu, ngày 30-11-1945

(Trích)

Xuân Diệu

Các vị La Hán chùa Tây Phương

Các vị La Hán chùa Tây Phương

Tôi đến thăm về lòng vấn vương.

Há chẳng phải đây là xứ Phật,

Mà sao ai nấy mặt đau thương?

Đây vị xương trần chân với tay

Có chi thiêu đốt tấm thân gầy

Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt

Tự bấy ngồi y cho đến nay.

Có vị mắt giương, mày nhíu xệch

Trán như nổi sóng biển luân hồi

Môi cong chua chát, tâm hồn héo

Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.

Có vị chân tay co xếp lại

Tròn xoe từa thể chiếc thai non

Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối

Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn....

Các vị ngồi đây trong lặng yên

Mà nghe giông bão nổ trăm miền

Như từ vực thẳm đời nhân loại

Bóng tối đùn ra trận gió đen.

Mỗi người một vẻ, mặt con người

Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời

Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã

Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.

Mặt cúi nghiêng, mặt ngoảnh sau

Quay theo tám hướng hỏi trời sâu

Một câu hỏi lớn. Không lời đáp

Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.

Có thực trên đường tu đến Phật

Trần gian tìm cởi áo trầm luân

Bấy nhiêu quằn quại run lần chót

Các vị đau theo lòng chúng nhân?

Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu?

Sống lại cho tôi hỏi một câu:

Bác tạc bấy nhiêu hình khô hạnh

Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau?

Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão

Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời

Là cha ông đó bằng xương máu

Đã khổ, không yên cả đứng ngồi.

Cha ông năm tháng đè lưng nặng

Những bạn đương thời của Nguyễn Du

Nung nấu tâm can vò võ trán

Đau đời có cứu được đời đâu.

Đứt ruột cha ông trong cái thuở

Cuộc sống giậm chân hoài một chỗ

Bao nhiêu hi vọng thúc bên sườn

Héo tựa mầm non thiếu ánh dương.

Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la

Sờ soạng, cha ông tìm lối ra

Có phải thế mà trên mặt tượng

Nửa như khói ám, nửa sương tà.

Các vị La Hán chùa Tây Phương!

Hôm nay xã hội đã lên đường

Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại

Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.

Cha ông yêu mến thời xưa cũ

Trần trụi đau thương bỗng hóa gần!

Những bước mất đi trong thớ gỗ

Về đây, tươi vạn dặm đường xuân.

Huy Cận

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/pham-chat-moi-cua-tho-ca-sau-cach-mang-59148.html