Phạm Bằng - người nghệ sĩ của nhân dân

20h ngày 31-10, NSƯT Phạm Bằng đã về cõi bình yên mãi mãi ở tuổi 85 sau một thời gian dài bị bệnh. Đó là một khoảng trống không dễ lấp đầy của làng nghệ thuật Việt Nam, của công chúng. Trong nỗi buồn đau và tiếc thương ấy, xin được ghi lại một vài ký ức về ông, trong đôi lần may mắn được gặp ông tại căn nhà ở phố Hàng Giầy, Hà Nội.

Tôi hoàn toàn không bắt gặp những gì vẫn thấy ở ông trong mỗi chương trình “Gặp nhau cuối tuần” khi tiếp xúc với ông ngoài đời. Không đùa cợt. Không tỏ ra kiêu căng vì nổi tiếng. Trái lại, ngoài đời, ông là một người trầm tĩnh, sâu lắng và đậm vẻ nho nhã. Và khi nói về công việc thì ông không chỉ say mê mà còn cực kỳ nghiêm túc.

… Năm 1959, mơ ước trở thành phi công, nhưng do hoàn cảnh riêng, Phạm Bằng lại thi vào Đoàn văn công Hà Nội. Sau vài năm lăn lộn với nghề, tài kịch nghệ thiên phú của ông nhanh chóng được khẳng định với những vai chính trong các vở kịch “Đêm tháng 7”, “Hà Nội-những ngày đầu 46”, “Bà mẹ và những người con”… Có người vì mê ông đóng chàng sĩ quan trong vở “Đêm tháng 7” mà đi xem tới vài ba chục lần, để được khóc cười, hỉ nộ ai lạc cùng ông.

NSƯT Phạm Bằng (ảnh: afamily)

Dưới ánh đèn sân khấu hào nhoáng là vậy, nhưng ngoài đời, cuộc sống của gia đình ông khá chật vật. Luôn trong cảnh giật gấu vá vai mà vẫn không đủ cho cuộc sống của 2 vợ chồng và mấy đứa con, nhất là giai đoạn vợ ông ốm phải nằm viện 5-6 tháng.

Đêm đêm, khi diễn xong, đã 1-2 giờ sáng, vừa mệt vừa đói, ông mới có thời gian vào chăm vợ. Có lẽ tình yêu thương của ông đã níu bà qua cơn thập tử nhất sinh trở lại với cuộc sống, để cùng chồng con bước tiếp những tháng ngày nhọc nhằn và vinh quang phía trước.

Khi được cơ quan ưu tiên cho trông xe đạp thêm, cứ diễn xong, ông lại vội vàng trút bỏ “mũ áo xênh xang” với ánh đèn sân khấu lung linh, huyền ảo để nhanh chóng ra cổng cùng vợ trả xe cho khách.

Những khi diễn xa, ông nhận kéo xe chở đồ của đoàn để kiếm thêm vài đồng bạc. Gò lưng kéo xe về đến nơi là trời sáng, chỉ còn đủ thời gian đến cơ quan. Ngồi nói chuyện, ông bất chợt nghẹn ngào khi nhớ về ước mơ của ông khi đó, chỉ là mỗi sáng gia đình sẽ có được bát phở…

Thế mà ông vẫn hết lòng say mê công việc đã chọn, bất chấp sự không đồng tình của mẹ khi cụ thường gọi ông là “anh kép hát”. Mỗi khi nhận vai diễn, ông đều nghiền ngẫm kịch bản thật kỹ, tìm tòi lối diễn ấn tượng nhất với khán giả.

Năm 1975, ông về Nhà hát kịch Việt Nam, tiếp tục khẳng định và phát triển tài năng của mình. Vì thế, năm 1976, ngay khi có phim truyền hình, Phạm Bằng cũng là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được mời tham gia và gắn bó cho đến hôm nay.

Qua truyền hình, ông được xem lại những vai diễn của mình, rút được kinh nghiệm và từ đó, chính ông nhận ra năng khiếu trời cho của mình là hài kịch.

Thành công của các vở “Ông ba khóa, “Êkip”, “Ông Năm hộp thuốc lào”… giúp ông tự tin, đi sâu vào lĩnh vực hài. Ông nhận ra hiệu quả tuyên truyền lớn lao của hài kịch đối với cuộc sống qua việc châm chọc thói hư tật xấu trong xã hội, và vì thế, tiếng cười trên sân khấu đặc biệt được nhân dân yêu thích.

Suốt hơn 20 năm qua ông đã gắn bó với hài kịch bằng một niềm tin: “Rồi đến một lúc, tiêu cực sẽ bị tiêu diệt, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp, nhất là khi sự hiểu biết của nhân dân được nâng cao”…

Để trở thành một diễn viên nổi tiếng như hôm nay, là một hành trình học hỏi và sáng tạo không ngừng của nghệ sĩ Phạm Bằng. Hình như, những người đóng hài kịch thành công lại thường là những người có những đắng đót cuộc đời với nỗi niềm, trăn trở riêng.

Nhưng, quan điểm nghệ thuật của NSƯT Phạm Bằng rõ ràng và rất đáng kính: Người nghệ sĩ quan sát và thể hiện cuộc sống một cách tinh tế và khách quan, không tô hồng nhưng tuyệt đối cũng không bôi đen.

Kinh nghiệm của chính ông và từ đồng nghiệp giúp ông hiểu rằng, diễn hài kịch cần trước hết là cái duyên trời cho, năng lực quan sát tinh tế, vốn sống, nhưng nếu thiếu cái gốc văn hóa thì người diễn viên sẽ không hòa quyện được những cái đó cho vai diễn.

Bởi hài kịch đòi hỏi sự chân thực hơn cả chính kịch, nên muốn khán giả xúc cảm thì trước hết, người diễn viên phải xúc cảm chân thực trước-đặc biệt với phong cách diễn nội tâm. Nếu không, chính diễn viên chứ không phải nhân vật diễn sẽ trở thành điều cho khán giả cười. Vì thế, việc học và đọc đối với ông là không có tuổi.

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với sân khấu, là ngần ấy thời gian NSƯT Phạm Bằng lao động hết mình cho nghệ thuật. Không như nhiều diễn viên hiện nay khi nhận vai chỉ đọc đoạn kịch bản nào có vai mình, thậm chí còn không thuộc thoại, ông bao giờ cũng đọc trọn vẹn kịch bản vài lần, tìm tòi từng chi tiết để sáng tạo, tránh trùng lặp.

Vì thế, chỉ nét nhíu mày, một cái nhìn hoặc điệu bộ của ông cũng đủ gây hiệu quả cao, khiến khán giả cười thỏa thuê, phấn khích. Có lần, ông đi dự một đám tang, bất chợt, một người thân của người đã khuất đang khăn mũ áo tang mà khi nhìn thấy ông đã không nhịn được cười, khiến ông phải vội bỏ đi…

Ông tận tâm với từng vai diễn, bằng ý thức trách nhiệm cao, nên các đạo diễn đều quý mến và yên tâm khi làm việc cùng ông. Những tấm Huy chương vàng, bạc tại các hội diễn là những kỷ niệm đẹp cho cuộc đời nghệ sĩ của ông.

Những năm đầu về hưu, NSƯT Phạm Bằng cho biết, đó lại là khoảng thời gian ông hoạt động nhiều hơn trước. Ông vẫn thường xuyên có mặt trong các vở kịch, phim hài của truyền hình, rồi còn tham gia phim nhiều tập “Vòng quay cổ điển”, góp mặt trong chương trình “Gặp nhau cuối tuần” các chuyến lưu diễn ở các tỉnh theo lời mời.

NSƯT Phạm Bằng trong một bộ phim

“Tôi luôn mong muốn tìm tòi để có những vai diễn hấp dẫn, mang lại tiếng cười cho khán giả, không phụ lòng hâm mộ của mọi người. Cuộc đời có nhiều tiếng cười sẽ giúp con người hồ hởi với cuộc sống và hăng say lao động”- Người nghệ sĩ của nhân dân tâm sự.

Sau những lúc đóng phim, diễn kịch, NSƯT Phạm Bằng lại về với các con trong căn nhà nép mình dưới tán cây xanh ở phố Hàng Giầy (Hà Nội), sống những ngày hạnh phúc. Đừng trông chờ vào người khác, mà hãy luôn tự cố gắng! Đó là quan điểm ông yêu thích và thực hiện suốt mấy chục năm qua!

Giờ đây, sân khấu hài cả nước sẽ vắng bóng người nghệ sĩ. Nhưng tiếng cười sâu sắc và nhiều ý nghĩa xã hội ông để lại cho cuộc đời vẫn còn mãi với nhân gian…

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-hoa/pham-bang-nguoi-nghe-si-cua-nhan-dan-414970/