Phải tạo được đột phá trong phát triển đường sắt

Trong phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 18/11, Quốc hội đã thảo luận dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) gồm 9 chương, 95 điều, trong đó giữ nguyên 4/114 điều tại Luật Đường sắt 2005 (chiếm 3,5%); sửa đổi, bổ sung 65 điều (chiếm 57%); bãi bỏ 45 điều (chiếm 39,5%); bổ sung mới 26 điều.

Phát biểu thảo luận, các đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng), Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước), Trần Xuân Hùng (Hà Nam)... cho rằng Luật Đường sắt 2005 được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006, là văn bản pháp lý quan trọng, đã thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với mọi hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt.

Đây là lần đầu tiên, hoạt động GTVT đường sắt có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, bước đầu đã góp phần tích cực trong việc điều chỉnh các hoạt động GTVT đường sắt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia kinh doanh đường sắt. Mặt khác, các văn bản này đã tạo khung pháp lý phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động đường sắt mà trước đây chưa có.

Tuy nhiên, qua thực tế thi hành, Luật Đường sắt 2005 đã bộc lộ một số bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đường sắt, trong đó có một số quy định của Luật Đường sắt 2005 là quá chi tiết, cụ thể, mang tính kỹ thuật chuyên ngành thuần túy cần được ban hành trong văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để phù hợp với thực tiễn và linh hoạt trong quá trình thực hiện. Một số nội dung Luật Đường sắt 2005 đã quy định nhưng việc triển khai thực hiện còn hạn chế như chính sách phát triển đường sắt; trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực GTVT đường sắt; kinh doanh đường sắt... Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật là cần thiết trong tình hình hiện nay.

Các đại biểu nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) phải phát huy được những ưu điểm của Luật Đường sắt 2005; bổ sung, thay thế các nội dung không phù hợp, cản trở và gây hạn chế sự phát triển của lĩnh vực GTVT đường sắt; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phát triển của đường sắt các nước trên thế giới có điều kiện tương đồng với Việt Nam.

Đại biểu Triệu Tuấn Hải (Lạng Sơn) nêu rõ, luật cần bảo đảm theo mục tiêu phát triển GTVT đường sắt theo cơ chế thị trường, tạo bước đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; tạo lập môi trường hoạt động kinh doanh thông thoáng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa vận tải đường sắt với các phương thức vận tải khác, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải; tạo cơ chế mở để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư kinh doanh đường sắt, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả; tách bạch giữa chức năng quản lý Nhà nước của cơ quan Nhà nước với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Có ý kiến đề nghị dự án Luật cần quy định rõ và đầy đủ hơn hướng ưu tiên phát triển của ngành đường sắt, nhất là công tác đầu tư để đưa giao thông vận tải đường sắt sớm thoát khỏi tình trạng lạc hậu, yếu kém như hiện nay. Bên cạnh đó là cần bổ sung quy định cụ thể hơn nội dung quản lý Nhà nước về GTVT đường sắt và phải thực sự tạo được đột phá trong phát triển ngành đường sắt.

Khẳng định đường sắt là một ngành giao thông truyền thống, có nhiều lợi thế ưu việt, đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng), đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) cho rằng dự án Luật cần có những quy định khuyến khích mạnh hơn nữa hoạt động xã hội hóa trong kinh doanh vận tải đường sắt và để giảm thời gian chờ tàu, chạy tàu, tránh tàu... cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành đường sắt. Đại biểu Nguyễn Văn Thể đề xuất việc nghiên cứu xây dựng đường sắt đôi Bắc-Nam, đồng thời xem xét xây dựng các tuyến đường sắt chuyên dụng nối các ga trung tâm với các cảng sông, cảng biển.

Cùng quan điểm trên, các đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước), Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) cho rằng vấn đề bảo vệ môi trường đường sắt; bảo vệ an toàn chạy tàu, an toàn đường sắt; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên các chuyến tàu Bắc-Nam cũng cần được nghiên cứu và có các quy định cụ thể.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến đối với dự án Luật liên quan đến vấn đề về quy hoạch phát triển GTVT đường sắt; kinh doanh đường sắt; phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; đất dành cho đường sắt; phát triển đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao…

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/phai-tao-duoc-dot-pha-trong-phat-trien-duong-sat/291912.vgp