Phải mạnh tay dẹp bỏ những 'hung thần' trên đường phố

Sự cố về cái chết của cháu Trần Minh Hoàng (10 tuổi) bị chiếc xe xích lô chở tôn cứa vào cổ gây tử vong vào ngày 23.9 vừa qua đã khiến dư luận bàng hoàng. Cái chết của cháu Hoàng gióng lên hồi chuông cảnh báo về những chiếc xe thô sơ chở hàng cồng kềnh trên đường phố. Những chiếc xe được ví như những “hung thần” là mối hiểm họa cho người đi đường. Nhưng, những “hung thần” trên đường phố ấy vẫn nhan nhản trên phố, chưa cách gì triệt tiêu một cách hiệu quả.

Xe ba gác chở thép...

“Hung thần” trên đường và những cái chết oan

Trong khi dư luận chưa hết choáng váng bởi cái chết của cháu Trần Minh Hoàng ở quận Hoàng Mai - Hà Nội, thì chỉ 2 ngày sau, thêm một phụ nữ khác cũng bị chết vì tấm tôn được một chiếc xe thô sơ chở trên đường phố quận Hà Đông, cũng thuộc TP Hà Nội. Tới đây, người ta mới giật mình về những cái chết bởi những chiếc xe thô sơ chở hàng cồng kềnh trên đường phố: Vào tháng 5.2015, một vụ tai nạn giao thông giữa xe ba gác chở hàng cồng kềnh và xe máy đã làm một thanh niên chết trên đường đi cấp cứu xảy ra ở Nghệ An.

Tương tự, đầu tháng 5.2015, ở ngã tư Tam Hiệp, quốc lộ 51, tỉnh Đồng Nai, một xe ba gác máy chở 1 cuộn tôn và 1 cuộn thép cồng kềnh đã đâm vào xe máy do anh Thái Đình Kiên điều khiển. Chiếc xe chở tôn, thép va vào cổ, khiến anh Kiên bị văng xuống mặt đường và tử vong. Lái xe ba gác đã trốn bỏ khỏi hiện trường. Chưa hết, vào ngày 24.9.2015, trên quốc lộ 1, anh Vũ Thành Đức (28 tuổi), quê Đồng Nai điều khiển xe máy lưu thông trên quốc lộ 1 hướng từ An Sương về Suối Tiên. Khi đến trước Công ty tôn thép Vạn Đạt Thành, thì bất ngờ một xe chở nhiều tôn thép chạy lùi từ trong Công ty ra, khiến anh Đức không tránh kịp. Hậu quả, anh Đức bị nhiều tấm tôn thép trên chiếc xe này cắt đứt cổ, tử vong tại chỗ...

Có quá nhiều cái chết thương tâm của không ít người, vì những “hung thần” chở hàng cồng kềnh trên đường phố. Ngay sau khi xảy ra cái chết của cháu Hoàng, vào ngày 23.9, Công an Hà Nội đã siết lại kiểm tra, xử phạt đối với những “hung thần” đường phố nêu trên. Chỉ trong một tuần, Công an Hà Nội đã lập biên bản xử phạt 1.948 trường hợp phương tiện chở hàng cồng kềnh. Trong đó, tạm giữ 1.600 bộ giấy tờ và 276 phương tiện, tước giấy phép lái xe 8 trường hợp.

Trong số phương tiện vi phạm bị xử lý nói trên thì có 1.721 trường hợp là phương tiện mô tô, xe ba bánh, chiếm gần 90%, các lỗi chủ yếu: xếp hàng hóa cồng kềnh, vượt kích thước cho phép, đẩy kéo xe và vật khác lưu thông trên đường... Điều đó cho thấy, hiện tượng xe thô sơ chở hàng cồng kềnh, gây nguy hiểm cho người đi trên đường phố đã đến mức báo động.

Xe thô sơ chở tôn, luôn gây hiểm họa cho người đi đường.

Tương tự, ở TP HCM, trong hơn 1 tuần qua, các đội cảnh sát giao thông trên địa bàn TP HCM cũng tăng cường kiểm tra xe thô sơ chở hàng quá khổ trên đường phố Sài Gòn. Chỉ trong buổi sáng 30.9, đội cảnh sát giao thông Bình Triệu đã lập biên bản gần 20 “hung thần” chở hàng cồng kềnh… Còn từ tháng 5.2016 đến nay, đơn vị này xử lý tới 218 trường hợp, tạm giữ 42 trường hợp “hung thần” chở hàng cồng kềnh trên phố…

Xử nghiêm, tại sao không?

Vấn đề đặt ra ở đây, nguy hiểm tiềm ẩn từ những “hung thần” trên là quá rõ, nhưng tại sao lâu nay, cơ quan chức năng không xử lý nghiêm? Theo thiếu tá Nguyễn Đoàn Phúc – Phó đội trưởng Đội cảnh sát giao thông Bình Triệu (TP HCM): “Hầu hết những người điều khiển các phương tiện xe thô sơ chở hàng cồng kềnh là người chở thuê, hoặc người kinh doanh hàng rong… Khi chúng tôi lập biên bản xử phạt, họ đều kêu khổ, kể nghèo, không nộp phạt hoặc cùng đường, họ bỏ luôn phương tiện vi phạm. Chính những nguyên nhân này, khiến cho cảnh sát giao thông chúng tôi rất khó xử. Vâng, lập biên bản xử phạt, họ không có tiền nộp phạt, giữ phương tiện, thì vài hôm sau, họ lại sắm phương tiện khác tiếp tục chở hàng mưu sinh. Hơn nữa, những loại xe thô sơ đó rất rẻ tiền; thậm chí rẻ hơn tiền nộp phạt, thì người vi phạm họ sẵn sàng bỏ xe cũ, mua xe khác…”.

Về phía người vi phạm, anh Nguyễn Quang Xanh – một trong những người bị Đội CSGT Bình Triệu lập biên bản vi phạm ngày 30.9 – nói trong nước mắt: “Tui quê ở Bến Tre, nhà quá nghèo mới lên TP thuê nhà ở trọ, hàng ngày kiếm sống bằng việc chở dừa bằng xe ba gác đi bán rong trên phố. Mỗi ngày lăn lóc khắp các đường phố mới kiếm được khoảng 100.000 đồng. Bị phạt 400.000 đồng, thì lấy tiền đâu nộp phạt, tiền đâu nuôi vợ và 2 con ?”.

Chiếc xe gắn máy cũ nát, không biển số, do lái xe Nguyễn Quốc Nguyên chở ga gây tai nạn trên đường Trường Sơn ngày 6.10 vừa qua.

Mới đây, khoảng 4 giờ chiều ngày 6.10, tại ngã ba đường Trường Sơn – Hậu Giang, phường 4, quận Tân Bình, đã xảy ra vụ tai nạn giữa chiếc xe chở bình ga với người đi đường. Xe chở ga do Nguyễn Quốc Nguyên – chở thuê cho đại lý ga Như Hương (590/8 Phan Văn Trị, P.7, Q.Gò Vấp, TP HCM). Điều đáng nói, chiếc xe chở ga do Nguyên lái đã cũ nát, không biển số, nhưng vẫn tự do tung hoành trên phố, gây bao bất ổn cho người đi đường. Khi xảy ra tai nạn, Nguyên lấy cớ làm thuê, nghèo, đổ hết cho chủ đại lý ga; trong khi chủ đại lý ga không có mặt tại hiện trường.v.v…

Đại úy Trần Minh Quân – CSGT quận Gò Vấp – nói: “Nhiều trường hợp bị CSGT thổi phạt, người lái xe thô sơ chở hàng cồng kềnh, chỉ biết móc điện thoại cho chủ doanh nghiệp (thuê họ chở) để “tìm cách giải quyết”. Hoặc có không ít người, khi bị phạt, chỉ biết khóc lóc xin tha, nên đôi lúc chúng tôi rất khó xử. Nhưng để giữ kỹ cương đúng quy định luật pháp, chúng tôi kiên quyết xử phạt nghiêm minh”.

Mới đây, ngày 26.9, Phó Thủ tướng, kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia – ông Trương Hòa Bình - đã có văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện một số biện pháp tăng cường quản lý hoạt động của xe thô sơ, xe mô-tô, xe cơ giới ba bánh chở hàng hóa cồng kềnh tham gia giao thông.

Theo ông Nguyễn Minh Hòa – Trưởng bộ môn đô thị học, thuộc Trường ĐH KHXH-NV TP HCM: “Đây cũng là một vấn đề của không gian đô thị hiện nay. Luật pháp quy định rất cụ thể để chế tài những loại xe thô sơ. Tuy nhiên, chính các cơ quan chức năng không thực hiện nghiêm các quy định của luật, nên mới dẫn tới những hệ lụy, hậu quả đáng tiếc vừa qua. Phải cấm tiệt, không cho thiết kế các loại xe thô sơ như ba gác, xích lô, xe cải tiến… Nếu xuất hiện các loại xe đó trên đường phố, xuất hiện những xe gắn máy đã hết hạn sử dụng, thì tịch thu ngay để tiêu hủy. Ngoài ra, chính quyền cần phải có sự hỗ trợ những người nghèo, bán hàng rong có phương cách mưu sinh khác… Thực hiện được như vậy, mới triệt tiêu tận gốc những “hung thần” gây ra những cái chết thương tâm trên đường phố”.

Nguyễn Gia Bảo

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/phai-manh-tay-dep-bo-nhung-hung-than-tren-duong-pho-600825.bld