Phải khắc phục bằng được tình trạng “tân quan, tân quy hoạch”

Ngày 21/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về Dự án Luật Quy hoạch. Nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, Dự luật phải bảo đảm sự thống nhất của hệ thống quy hoạch từ Trung ương đến địa phương, khắc phục bằng được tình trạng điều chỉnh quy hoạch tràn lan vì lợi ích, tư duy nhiệm kỳ, “tân quan, tân quy hoạch”.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội). Ảnh: TN

Không để lập quy hoạch vì lợi ích, chia cắt cục bộ

Đánh giá ban hành luật là cần thiết, ĐB Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) cho rằng, nhiều thập kỷ qua, công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức, triển khai thiếu bài bản, bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, gây khó khăn, cản trở các hoạt động phát triển, cũng như hoạt động đầu tư, kinh doanh…

“Cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế được các quy định nhằm khắc phục bằng được tình trạng quy hoạch cho có, có quy hoạch nhưng không dùng được, làm trái quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch tràn lan vì lợi ích, bệnh tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch hoặc "tân quan, tân quy hoạch" ở nhiều địa phương”, ĐBQH TP Hà Nội nhấn mạnh.

Ban Soạn thảo cũng cần khẳng định và thể hiện rõ hơn phương án đổi mới, sắp xếp lại hệ thống quy hoạch theo hướng thích hợp, liên ngành để đạt được nhiều hơn các yêu cầu đề ra.

Cùng với đó, hình thành các quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước lập và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng lãnh thổ. “Nếu không làm tốt việc này dễ xảy ra tình trạng đùn đẩy, bất hợp tác, mạnh ai nấy làm trong quá trình các địa phương thực hiện quy hoạch vùng”, ĐB Ngọ Duy Hiểu nhận định.

Trong khi đó, theo ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình), cần xem xét bổ sung nguyên tắc quy hoạch phải bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, phát huy được lợi thế, tiềm năng của từng vùng, từng địa phương nhưng không làm gia tăng sự chênh lệch và phát triển giữa các vùng và các địa phương.

“Tôi cho rằng, cần lập quy hoạch tổng thể quốc gia để bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, tránh tình trạng quản lý chia cắt cục bộ, thiếu liên kết vùng và liên kết các địa phương và sản phẩm ngành; tạo không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng, ngành và quy hoạch cấp tỉnh; bảo đảm tính dự báo kịp thời, khách quan, ổn định, tính khả thi và thực tế của hoạt động quy hoạch”, ông Phạm Văn Tuân nhấn mạnh.

Cũng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) tán thành quan điểm, việc quy hoạch cần lập theo thứ bậc từ trên xuống dưới.

Theo đó, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn trên cả nước; quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên; tránh sự chồng chéo, lãng phí trong xây dựng và thực hiện quy hoạch, tạo cho đất nước một diện mạo khang trang, đồng bộ…

Không hình dung được quy hoạch bầu trời thế nào

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thì băn khoăn về phạm vi điều chỉnh và cho rằng, Dự luật chỉ quy định vùng biển, vùng đất mà không quy hoạch vùng trời là còn thiếu sót.

“Ở đây phải trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế xã hội và chiến lược bảo vệ Tổ quốc thì mới xây dựng được quy hoạch. Tôi cho rằng, tên của luật và phạm vi điều chỉnh là không phù hợp…. Chúng ta có 3 vùng, vùng đất, vùng trời, vùng biển, luật này có điều chỉnh cả ba vấn đề đó không, hay chỉ quy định về đất”, ông Nhưỡng nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: TN

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã đưa ra bàn bạc, xin ý kiến nhưng không hình dung được quy hoạch bầu trời thế nào. “Trong một bầu trời như thế này, các máy bay bay trên trời được tự do, quan trọng là quản lý, điều hành bay và phối hợp giữa các cơ quan. Mình không có giới hạn ai được bay đến đâu và chiều cao của bầu trời không xác định được. Chúng tôi thấy quy hoạch bầu trời rất khó. Chúng tôi sẽ tiếp thu để nghiên cứu tiếp”, ông Dũng phân trần.

Tiếp thu các ý kiến ĐBQH về nguyên tắc, kết cấu, bố cục, phạm vi điều chỉnh, thẩm quyền duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh thêm 2 nguyên tắc là bảo đảm khách quan và hiện đại, có tính dự báo, kịp thời, ổn định, lâu dài, khả thi, cũng như tính khách quan, minh bạch, quản lý chặt chẽ quy hoạch.

“Luật này ra đời sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế như thiếu tầm nhìn, kém chất lượng về quy hoạch gây thất thoát, lãng phí, cản trở sự phát triển của đất nước, phân tán, không hiệu quả dẫn đến tùy tiện, chia cắt, cát cứ và xung đột lợi ích giữa các ngành, địa phương…”, Bộ trưởng nhấn mạnh một lần nữa sự cần ban hành luật và quả quyết, “không thể chậm trễ được hơn, không thể lùi lại được nữa”.

Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Dự án Luật Quy hoạch sẽ tiếp tục được cho ý kiến và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3.

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Cảnh vệ.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/phai-khac-phuc-bang-duoc-tinh-trang-tan-quan-tan-quy-hoach_t114c67n112334