Phải giữ rừng bằng bàn tay sắt

Ngày 22-11, Công an tỉnh Quảng Nam đột kích kiểm tra kho chứa gốc gỗ “khủng” của Công ty TNHH Hồ Mùa Thu (huyện Phước Sơn) do bà Trần Thị Minh Hiếu (vợ ông Nguyễn Giới, Trưởng Công an huyện Phước Sơn) làm giám đốc.

Tại đây, đoàn phát hiện phần gốc cây gỗ chò nâu đã khai thác, rỗng ruột với khối lượng hơn 4,2 m3. Ông Nguyễn Văn Em (SN 1966; ngụ xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn) nhận là chủ sở hữu của cây gỗ này. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Giới cho biết ông Em là “người quen thân thương” nên gia đình ông cho gửi gốc gỗ ở kho (!?).

Tình trạng phá rừng và sự giàu có của lâm tặc, của một số kiểm lâm, quan chức là những câu chuyện dài ở nhiều địa phương. Báo Người Lao Động từng thông tin chỉ trong 4 tháng, huyện Đồng Xuân ở tỉnh Phú Yên mất hơn 120 ha rừng, nghi có sự tiếp tay của một số cán bộ địa phương. Trong kết luận ngày 5-10, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên thống nhất kỷ luật cảnh cáo đối với các ông Nguyễn Hồng Đức, nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đồng Xuân; So Bếp - huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân. Còn tại tỉnh Quảng Nam, sau vụ phá rừng pơ mu ở rừng phòng hộ Nam Sông Bung, cơ quan điều tra đã khởi tố 9 bị can và đình chỉ nhiệm vụ 4 cán bộ biên phòng, hải quan...

Những vụ việc như trên càng cho thấy chủ trương đóng cửa rừng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 6-2016 là cực kỳ sáng suốt, hợp lòng dân. Phải giữ rừng để ngăn ngừa những thảm họa như ở đảo quốc Haiti (vùng biển Caribe) trong cơn bão Matthew tháng 10-2016. Từ 25% diện tích đất những năm 1980 là rừng, đến năm 2004, nước này chỉ còn 1,4% diện tích đất rừng. Mất rừng gây lở đất, ngập lụt trong cơn bão này đã khiến hơn 1.000 người chết.

Tại nước ta, trữ lượng rừng ở Tây Nguyên giảm từ 327,5 triệu m3 năm 2010 xuống còn 270,5 triệu m3 năm 2015. Hậu quả của nạn phá rừng là thời tiết cực đoan, lũ quét ở các tỉnh miền núi, cướp đi nhiều sinh mạng mỗi năm.

Do đó, bài học phải khắc ghi là sự thanh liêm của người thực thi công vụ. Hơn ai hết, những người giữ rừng, người có trách nhiệm liên quan đến rừng, đến đất rừng tại địa phương phải là những người trong sạch nhất, toàn tâm toàn ý giữ rừng. Còn muốn đánh giá đúng thực chất cán bộ, hãy hỏi dân, hãy giám sát chặt chẽ sẽ biết rõ “đá, vàng”. Ai sống ra sao, nguồn gỗ quý có trong nhà ai, ai lấy tài nguyên đất nước để làm giàu cho gia đình, dòng họ đều không thể lọt qua mắt dân.

Muốn giữ rừng thì phải dựa vào dân và có bàn tay sắt của pháp luật.

HIỀN MINH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/phai-giu-rung-bang-ban-tay-sat-2016112323341742.htm