Phải đi cấp cứu vì nhuộm tóc để hồi xuân

-“Thấy quảng cáo là thuốc tốt chứ ai biết là nhuộm xong rồi lại bị ngứa ngáy đến khổ sở vậy. Phải mất một tháng điều trị các vết lở loét trên đầu mới lành lại, còn tóc thì chắc vài ba tháng nữa mới dài được như xưa”.

Chị Nhài (45 tuổi, Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) tâm sự khi ngồi đợi đến lượt mình khám tại bệnh viện Da liễu Hà Nội. Không biết thuốc gì cũng nhuộm Cũng như bao người phụ nữ khác bước vào tuổi tứ tuần, tóc chị Nhài đã bắt đầu lấm tấm điểm bạc. Đem băn khoăn kể với người hàng xóm, chị nhận được lời quảng cáo khá hấp dẫn: “Cứ ra chợ bảo người ta bán cho cái thuốc “Cô gái Nhật Bản” chỉ 10 - 12.000 đồng/hộp tha hồ dùng. Nhuộm đến đâu tóc mơn mởn đến đấy”. Hớn hở mua về, chị làm đúng như hướng dẫn sử dụng: trộn đều tuýp thuốc nhuộm, tuýp trợ nhuộm với nhau, sau đó lấy chổi phết lên tóc để 20 phút rồi gội sạch. Tóc đen như thế nào thì chưa thấy, nhưng sau đó da đầu chị ngứa ngáy, gãi mẩn đỏ và tróc hết da. Những tưởng do khi gội chị gãi quá mạnh nên vùng da bị tổn thương chị yên tâm chờ đợi kết quả. Hai ngày sau, không chỉ da đầu mà mặt, trán, bàn tay chị bị phù nề, mọc chi chít những mụn nước. Để tránh mụn không bị vỡ chị đã dùng khăn che phủ kín. Hậu quả là vùng da đầu chị bị nhiễm trùng, mọc mủ chảy be bét dịch vàng. Người nhà phải đưa chị đến bệnh viện cấp cứu. Chị tâm sự: “Bác sĩ bảo mình bị viêm da dị ứng tiếp xúc. Phải cắt tóc đi để dễ dàng cho việc bôi thuốc. Hỏi mình nhuộm loại thuốc gì mình cũng chịu vì thuốc đề tên nước ngoài đến người bán hàng còn không biết tên nữa là mình. Chỉ thấy vài dòng tiếng Việt hướng dẫn sử dụng, đề hạn sử dụng thôi. Mình cứ theo thế mà làm, ai dè nó lại thế này.” Ghi nhớ tên thuốc chị liệt kê, chúng tôi tạt thử vào một cửa hàng tại chợ Chính Kinh, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội hỏi mua thuốc nhuộm tóc. Người bán hàng đon đả: “Em mua loại nào? Cô gái Nhật Bản hay Cô gái tóc xù, loại thường thì 12.000 đồng/hộp. Loại tốt hơn thì 24.000 đồng. Nếu dùng của Thái, của Hàn thì tầm 80 – 90.000 đồng/hộp”. Thấy khách hàng còn ngập ngừng vì không biết chọn loại nào và e ngại khi không tìm đâu tem mác trên sản phẩm, người bán hàng trấn an: “Em yên tâm, bao người dùng rồi chẳng cần nhớ tên thuốc là gì chỉ cần nhìn hình bên ngoài là người ta chọn thôi. Khách hàng của chị toàn thế. Cũng không cần phải cách dùng đâu, người ta đã dùng một lần là biết ấy mà”. Cầm trên tay mấy sản phẩm chị chủ hàng đưa, ngoài những chữ tây, tàu loằng ngoằng tên thuốc, có thêm vài dòng ngắn ngủi hướng dẫn cách nhuộm bằng tiếng Việt, tên công ty sản xuất và hạn sử dụng 2 năm kể từ ngày sản xuất. Nhưng tuyệt nhiên không thấy số đăng ký kinh doanh, số quản lý dược của Bộ Y tế và số điện thoại tư vấn thường có trong quy định. Dạo qua các sạp hàng trên chợ Đồng Xuân, những sản phẩm tương tự cũng được bầy bán đầy rẫy kèm theo đó là những lời mời chào hấp dẫn dành cho các “thượng đế”. Các sản phẩm với đầy đủ chủng loại, mẫu mã, chủ yếu là của Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia... mà giá cả thì cũng "thượng vàng hạ cám". Thử thuốc – việc hiếm làm khi sử dụng sản phẩm Đó là nhận xét của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thành, bệnh viện Da liễu Trung ương khi thăm khám cho các bệnh nhân gặp vấn đề khi dùng mĩ phẩm, đặc biệt là thuốc nhuộm tóc. Bác sĩ cho biết, vấn đề dị ứng mỹ phẩm và các chất trang điểm trên da, đặc biệt là tóc ở viện da liễu hàng tháng đều có 5-6 trường hợp và thường điều trị khỏi. Nguyên nhân dẫn đến các ca dị ứng theo bác sĩ Thành là do 2 yếu tố: thứ nhất là do cơ địa bệnh nhân, dù dùng hàng mĩ phẩm trôi nổi hay chính hiệu. Thứ 2 là do mĩ phẩm, bệnh nhân càng dùng mĩ phẩm trôi nổi, không có xuất xứ, pha trộn không có công thức không có nghiên cứu, càng gây dị ứng và phản ứng đối với da. Và theo bác sĩ Thành thì hầu như nguyên nhân thứ 2 là chủ yếu. “Nhưng tôi thấy làm lạ là nhiều người khi được hỏi là dùng loại thuốc gì, có thử thuốc trước khi sử dụng hay không thì hầu như các bệnh nhân đều không biết và không thực hiện thử nghiệm trước khi dùng. Điều đó càng làm tăng nguy cơ dị ứng đối với cơ thể”. Ông nói. Theo bác sĩ Thành, sau khi tiếp xúc với thuốc nhuộm tóc, bệnh nhân dị ứng với thuốc xuất hiện sớm hay muộn tùy thuộc mức độ, có người sau 2 tiếng, có người 1-2 ngày sau có triệu chứng. Vùng da tiếp xúc mẩn đỏ, ngứa, phù nề, nặng hơn nữa trên da đầu xuất hiện mụn nước hoặc bọng nước. Bọng nước bị dập vỡ, chảy nước. Nếu giai đoạn đến muộn, các hư tổn kèm theo bội nhiễm, thậm chí có mủ, dịch vàng. Bác sĩ Thành khuyến cáo, đối với những người có cơ địa dị ứng cần phải thận trọng hơn khi lựa chọn mỹ phẩm. Nên thử thuốc trước khi nhuộm. Chỉ nên sử dụng các sản phẩm thuốc nhuộm có nguồn gốc, uy tín để tránh các tai biến đáng tiếc xảy ra. Bác sĩ Mai Thị Thắm, Phó khoa khám bệnh Bện viện Da liễu Hà Nội cũng khẳng định: “Khi sử dụng các mỹ phẩm nên làm các test, các bạn nên bôi thử lên vùng dưới mang tai một khoảng có có S=2cm2. Sau đó theo dõi trong 1-2 ngày. Nếu không thấy có phản ứng đỏ ngứa, dị ứng thì hãy dùng trên diện rộng. Đó cũng là nguyên tắc chung cho các loại mỹ phẩm chứ ko riêng thuốc nhuộm tóc”. Tân Giang

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1990/201009/Phai-di-cap-cuu-vi-nhuom-toc-de-hoi-xuan-1769681/