Phải cương quyết thu hồi tài sản do tham nhũng

Ngày 28.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng.

Tham nhũng gây thiệt hại 240 tỉ đồng

Trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết: Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngành thanh tra đã phát hiện 49 vụ, 95 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2016 gây thiệt hại trên 240 tỉ đồng, 838m2 đất, đã thu hồi 92 tỉ 460 triệu đồng và kê biên 7 bất động sản, đạt 38,3%.

Cũng theo ông Sáu, việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức, hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng, chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về tặng quà, cảm ơn để biếu xén, đưa hối lộ vì động cơ vụ lợi còn khá phổ biến. Số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện. Nguyên nhân là còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý.

Thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng 2016, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua. Năm 2016 chỉ có 11 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, giảm 35 người so với cùng kỳ năm 2015. Có tình trạng người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị coi vi phạm, tham nhũng của cấp dưới, của đơn vị do mình quản lý không phải là trách nhiệm của mình.

Đưa ra dẫn chứng truy tố tội phạm tham nhũng giảm 17%,8%, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) nhận định “rất đáng lo ngại”, bởi theo ông trong các báo cáo đều nhận định, tình hình tham nhũng không suy giảm nhưng trong đấu tranh lại giảm.

Việc tự phát hiện ra tham nhũng vẫn yếu

Nhấn mạnh vụ án tham nhũng sau đều có số người tham gia nhiều hơn vụ án trước, ĐB Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) cho rằng: Trong thời gian qua Đảng, Nhà nước đã quan tâm, có nhiều văn bản trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Do vậy đều siết lại các kẽ hở đấu tranh với tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực. Điều đó cho thấy quyết tâm chính trị thì có nhưng lại có gì đó chưa ổn là khâu tổ chức thực hiện.

“Chính phủ cần kiểm soát rõ hơn về kê khai tài sản, xác định đâu là tài sản đứng tên? còn đâu là tài sản để cho người nhà đứng tên? và phải cương quyết phải thu hồi lại tài sản do tham nhũng gây lên” - ông Diến kiến nghị.

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh), cơ chế xin - cho chính là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, là nguyên nhân căn bản làm khó người dân và doanh nghiệp, làm cho công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả. Vì vậy Quốc hội phải có trách nhiệm trong khắc phục cơ chế xin cho, làm sao để cơ chế xin cho không còn tồn tại, đặc biệt hiện nay cơ chế xin - cho vẫn còn chi phối trong quá trình chúng ta làm luật.

“Lùi thời điểm cấm xe máy vào nội đô đến 2030”

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 28.10 về việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, cũng như mạng lưới phương tiện giao thông công cộng của Thủ đô.
Trong dự thảo đề án dự kiến đến 2025 cấm xe máy vào các quận nội đô. Nhưng trên thực tế hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được. Có khả năng phải lùi thời điểm cấm xe máy trong nội đô đến 2030. Từ nay đến lúc đó, người dân có khoảng 14 năm để chuẩn bị, Thành phố cũng hoàn thiện được hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng.

Xuân Hải

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/phai-cuong-quyet-thu-hoi-tai-san-do-tham-nhung-605503.bld