Phải có 'bác sĩ chuyên ngành' để 'gỡ' cho các quận, huyện

Đó là chị đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng tại Hội nghị giao ban trực tuyến với UBND quận, huyện, thị xã về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận); công tác đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất dịch vụ trên địa bàn Hà Nội được tổ chức vào sáng 23/2.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Tuấn Định cho biết, trong năm 2016 Sở Tài nguyên và Môi trường đã Thành lập các Tổ công tác xuống làm việc trực tiếp với các quận, huyện, thị xã để hướng dẫn đôn đốc thực hiện đăng ký, cấp Giấy chứng nhận. Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có Thông báo số 125/TB-STNMT-CCQLĐĐ triển khai 04 tổ công tác do đồng chí Giám đốc Sở và 3 Phó Giám đốc Sở làm tổ trưởng tổ công tác (thành phần gồm Sở Tài nguyên và các Sở, Ngành) trực tiếp về làm việc tại 30 quận, huyện, TP để kiểm tra đôn đốc và tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đấu giá và giao đất dịch vụ (từ ngày 14/2/2017 đến ngày 24/2/2017).
Về cơ bản, theo Sở Tài Nguyên & Môi trường, tính lũy kế đến 20/2/2017 đã cấp được 1.319.397 GCN đạt 90,35%. Còn 131.027 thửa còn vướng mắc chưa cấp GCN. Cấp GCN cho hộ gia đình cá nhân sau dồn điền đổi thửa cấp được 605.714 GCN cần cấp, đạt 96,44%; Còn phải cấp 22.443 GCN đến ngày 31/3/2017 thực hiện xong. Về việc cấp GCN cho người mua nhà dự án hoàn thành 145.528 GCN đạt 81,63%; còn phải cấp khoảng 27.000 GCN.Cấp GCN cho tổ chức sử dụng đất (không bao gồm cơ sở tôn giáo tín ngưỡng) cấp được 13.641 GCN, đạt 70,8%; còn khoảng 5.600 thửa đất chưa cấp GCN.
Tại các đầu cầu trực tuyến, các quận, huyện, thị xã cũng đã có những ý kiến về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của các quận huyện trên địa bàn TP.
Ông Vũ Ngọc Phụng - Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp GCNQSD đất ở tại quận vướng mắc nổi cộm nhất là cấp đất trái thẩm quyền. Đối với trường hợp không còn giấy tờ chứng minh về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp cho cơ quan, tổ chức hoặc có phiếu thu nhưng không theo quy định hoặc cơ quan giao đất không còn lưu trữ giấy tờ chứng minh nộp tiền sử dụng đất thì cho phép thực hiện lấy ý kiến cộng đồng dân cư và UBND cấp xã xác nhận người sử dụng đất đã nộp tiền để được sử dụng đất hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức đã thu tiền hoặc cơ quan, tổ chức khác có liên quan. Có 37 trường hợp sử dụng đất tại các xã Phú Lương, Yên Nghĩa thuộc huyện Thanh Oai và Hoài Đức trước đây xảy ra tình trạng thôn, xã tự ý đối đất của người dân sang vị trí đất công khác để xây dựng công trình công cộng, đã thống nhất.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Thuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm lại nhấn mạnh về khó khăn trong việc xử lý nghĩa vụ tài chính khi cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất cho các trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc là Nhà ở cũ diện tự quản là nhà ở cấp 4 đã phá đi xây dựng lại; trường hợp đang sử dụng đất ở có nguồn gốc do tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất nhưng tổ chức kinh tế đã bán thanh lý, hóa giải nhà ở; trường hợp đang sử dụng đất có nguồn gốc do tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất nhưng tổ chức kinh tế đã bán thanh lý, hóa giá công trình xây dựng trên đất (không phải là nhà ở) nay đang được sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Dù vấn đề này, Gia Lâm đã có 4 văn bản báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Sở Tài Nguyên và Môi trường nhưng vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo.
“Cơ bản thời gian qua quận đã được các Tổ công tác quan tâm “gỡ” khó cho nhiều trường hợp. Song vẫn còn tồn đọng nhiều năm do do vướng quy hoạch và nằm trong các dự án đang triển khai trên khoảng 2.000 hộ”, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Phong Cầm cho biết.
Kết luận Hội nghị, Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội rà soát, bố trí nhân lực, vật lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho quận, huyện để đẩy nhanh tiến độ công tác cấp giấy chứng nhận. Hạn định đến 30/3 phải hoàn thành việc kê khai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà. Đối với các trường hợp chưa giải quyết được cần có sự công khai minh bạch để thực hiện.
Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch, trong thời gian tới, Hà Nội và Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp cùng các quận, huyện kịp thời tháo gỡ những khó khăn, quyết tâm hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho các tổ chức, cá nhân, đảm bảo thực hiện theo đúng Chỉ thị số 11/CT-UB ngày 17/5/2016 của UBND TP về các nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn Hà Nội.
Bên cạnh đó, Tổ công tác của Sở Tài Nguyên và Môi trường và các Sở ngành của ngành TP cần tiếp tục thành lập thêm 2 tổ để hướng về cơ sở hơn. Giải quyết những điểm nóng về cấp giấy chứng nhận, chủ động phối hợp với các quận huyện, khi có khó khăn, vướng mắc sẽ trực tiếp xuống tháo gỡ cùng địa phương.
“Tuy nhiên, khi Tổ chuyên ngành đi “khám chữa bệnh” thì cần có những “bác sĩ chuyên ngành” đi theo để tháo gỡ cho địa phương. Đối với các quận, huyện vướng vấn đề quy hoạch, thì Sở Tài Nguyên & Môi trường cần chủ động mời thêm Sở Quy hoạch. Hay gặp khó khăn về Tài chính thì mời Sở Tài Chính và Cục thuế tham gia. Để làm sao bố trí thành phần tổ công tác có tinh thần, có chất lượng phù hợp. Không để tình trạng Tổ công tác đi xuống địa bàn khi xem hồ sơ lại cho rằng “vướng chỗ này” “vướng chỗ kia”, không thuộc chuyên môn cần báo lại. Như vậy là lãng phí công sức, thời gian, tiền bạc”, Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phai-co-bac-sy-chuyen-nganh-de-go-cho-cac-quan-huyen-281164.html