Phá sản nhà máy đóng tàu Dung Quất: Ai trả nợ thay?

Ở đây câu chuyện không đơn giản cứ nói cho phá sản là xong.

Bàn về 3 phương án tái cơ nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS), trong đó có phương án chuyển nhượng và cho phá sản nhà máy này, các chuyên gia đều cho rằng, việc cho phá sản là hẳn nhiên nhưng phải tính toán kỹ lưỡng.

Tàu PVT Mercury đang nằm trong công trường Nhà máy đóng tàu Dung Quất để bảo trì, sửa chữa

Không để phá sản dễ dàng

PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi (Trường Đại học Nông - Lâm) cho hay, một nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường thì các giải pháp xử lý những nhà máy yếu kém cũng phải đi theo cơ chế của thị trường.

Yêu cầu tái cấu trúc DQS là cần thiết vì ngân sách không thể nuôi mãi một cái xác đã chết khô. Một nhà máy đã không còn năng lực tài chính, không còn khả năng sản xuất, cũng không có cơ hội phục hồi lại còn đang ôm những khoản nợ chất cao như núi nếu cố kéo dài chỉ gây thiệt hại thêm cho ngân sách nhà nước.

Theo ông Ngãi, sự chần chừ không muốn để cho nhà máy này phá sản dù đã từng được đề ra từ năm 2015 là để cố kỳ vọng vào một điều kỳ diệu có thể kéo dài sự sống cho nhà máy này. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, DQS không những không thể cứu mà yêu cầu phải phá sản càng được đặt ra cấp bách hơn. Điều này cho thấy, không còn giải pháp nào khác ngoài việc cho nhà máy DQS phá sản.

"Việc Bộ Công thương tính toán cả phương án phá sản nhà máy này cho thấy không còn có giải pháp nào khả thi hơn. Điều này thể hiện thái độ kiên quyết, quyết liệt của Bộ Công thương đối với những nhà máy yếu kém, không hiệu quả. Sẽ không còn câu chuyện chết là cứu, cứu rồi cứu mãi nữa", ông Ngãi nói.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại cũng khẳng định: "Chỉ còn phương án duy nhất là bán lại hoặc cho DQS phá sản, không còn cách nào khác".

Ông Nam nhấn mạnh, việc phá sản DQS là tất yếu. Nếu phá sản sớm nhà nước mất vốn ít, phá sản muộn nhà nước mất vốn nhiều. "Cần làm sạch ngay những danh mục nhà máy, doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ. Bây giờ không phải là chuyện sẽ thu được bao nhiêu, thu được cái gì từ nhà máy này nữa. Vấn đề cần phải đặt thẳng là phải cắt lỗ, kiên quyết không để thâm hụt thêm, không để ngân sách phải bù thêm tiền duy trì trông coi, tiếp tục bù khấu hao cho nhà máy này nữa". Ông nhắc lại quan điểm "đối với những nhà máy, doanh nghiệp đã chết là phải được chôn".

Điểm sáng ở DQS có thể nhìn thấy là mặt bằng công xưởng, ông Nam kỳ vọng nếu cho nhà máy này phá sản nhà nước có thể thu hồi được một phần từ việc bán đất trụ sở của nhà máy này bù đắp cho ngân sách.

Cũng đồng tình với chủ trương phải xử lý những nhà máy, doanh nghiệp nhà nước đầu tư lớn nhưng làm ăn không hiệu quả, song GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và phát triển (ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội) lại cho rằng cần thận trọng, phải tính toán kỹ lưỡng.

GS Đào cho hay, một nhà máy đầu tư vốn lớn, với kỳ vọng và tầm nhìn chiến lược quốc tế nhưng dây truyền, công nghệ đầu tư cũ kỹ, lạc hậu thì việc nó làm ăn thua lỗ, hay có chết cũng là dễ hiểu. Vì vậy, ở đây câu chuyện không đơn giản cứ nói cho phá sản là xong.

GS Đặng Đình Đào thừa nhận, DQS bây giờ chỉ còn là một đống sắt vụn, giống như ụ nổi của Vinalines đến bán sắt vụn cũng không có người mua. Nếu tiếp tục giữ lại thì thiệt hại càng lớn hơn nhưng nếu tính phương án chuyển nhượng thì ai sẽ sẵn sàng mua DQS? Nếu mua sẽ mua với giá nào? Còn phá sản thì hệ lụy thế nào? Có khả thi hay không lại là câu hỏi rất khó trả lời.

Ông cho biết, nếu ở phương Tây, cách xử lý thông thường với những nhà máy làm ăn không hiệu quả, gây thua lỗ, mất vốn rất đơn giản là cho nó phá sản, bán theo giá thị trường. Tuy nhiên, DQS không dễ dàng xử lý như vậy được. DQS chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, gây hậu quả nghiêm trọng khác. Vị GS đặt câu hỏi: "Nếu cho DQS phá sản thì các doanh nghiệp, nhà máy khác sẽ xử lý thế nào? trách nhiệm với dân với nước thì thế nào?".

Vị GS nhấn mạnh, không thể cứ đầu tư lớn, thua lỗ rồi quay sang thanh lý, bán tài sản, phá sản là xong. Mọi giải pháp với nhà máy này đều phải được tính toán, cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Ngân sách phải trả nợ thay?

Trước lo ngại, nếu cho DQS phá sản chắc chắn nhà nước sẽ phải gánh chịu thiệt hại rất lớn. Chỉ tính riêng các khoản chi phí khấu hao tài sản cố định, vốn xây dựng nhà máy... ngân sách cũng đã bỏ ra tới hơn 800 tỷ đồng không có khả năng thu hồi.

Trong khi đó, nếu so sánh số nợ hiện tại với giá trị tổng tài sản của nhà máy này dựa trên sổ sách thì ngay cả khi có bán hết cũng không đủ tiền trả nợ. Thậm chí còn đang bị thâm hụt hơn 1.000 tỷ đồng.

Đó là chưa kể khoản nợ 3.100 tỷ của PVN, 1.990 tỷ đồng vốn điều lệ do PVN cấp...

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/pha-san-nha-may-dong-tau-dung-quat-ai-tra-no-thay-3324189/