Phá cho hôi

Từ khoảnh khắc đặt bút ký vào đơn ly hôn, trong lòng chị, hai người đã rẽ sang hai ngả khác nhau. Mối quan tâm chung còn lại của anh chị chỉ còn là đứa con trai - kỷ niệm của những ngày tươi đẹp.

Sau bao dằn vặt khổ sở vì bị phản bội, bao nỗ lực níu kéo không thành, cuối cùng chị đành ký vào tờ đơn ly hôn, trả lại tự do cho anh. Tài sản chia đôi. Chị ở lại căn nhà cũ cùng đứa con trai bốn tuổi. Không lâu sau đó, anh kết hôn với người phụ nữ một thời từng làm chị khóc cạn nước mắt.

Ôm mối hận với kẻ đã phá tan gia đình mình, chị quyết tâm không để cô ta yên. Chị biết rõ, trong lòng anh, cả chị lẫn người vợ mới đó đều không quan trọng bằng đứa con. Vì vậy, chị phải dùng đứa con để “rứt” anh khỏi cô ta. Ngay khi họ đang chuẩn bị hưởng tuần trăng mật, chị gọi điện báo tin con nằm viện, khóc đòi ba. Anh vội vàng hủy chuyến đi, túc trực bên giường bệnh. Nghe theo lời mẹ, thằng bé bám riết ba suốt ngày đêm.

“Tình địch” gọi điện thoại cho anh, chị nhanh nhảu trả lời: “Chồng em đang ở chỗ chị, chắc sáng mai mới về” rồi cúp máy, không quên xóa cuộc gọi đến. Chị hả dạ vì biết chắc rồi họ sẽ có một cuộc cãi vã. Cô ta sẽ trách tại sao điện thoại của anh nửa đêm lại ở chỗ vợ cũ. Anh sẽ gắt anh đang nuôi con bệnh. Cô ta không tin và họ sẽ cãi nhau… Chị vẽ ra trong đầu cảnh người tình ngọt ngào một thời của anh biến thành người vợ cáu kỉnh, ghen tuông bằng những lời lẽ nặng nề mà hả hê. Chẳng phải chính anh đã biến chị từ một người vợ vô tư, hiền lành thành người đàn bà “cay nghiệt” như chính anh đã nhận xét đó sao?

Ảnh mang tính minh họa: Internet

Sau nhiều phen lục đục vì chuyện “về với con” của chồng, cô ta chủ động gọi cho chị: “Chị để vợ chồng tôi yên được không? Sao chị cứ làm kẻ thứ ba quấy rối vậy?”. Bị điểm mặt gán cho mấy chữ “kẻ thứ ba”, cơn hận của chị như lửa thêm dầu. Đã vậy thì chị “quậy” thêm cho bõ ghét. Chị mềm mỏng nhờ anh đưa đón con đến lớp, dẫn con đi chơi cuối tuần. Nghe lời vợ cũ tỉ tê, anh trích gần một nửa thu nhập hàng tháng mua bảo hiểm nhân thọ cho con, dành sau này con đi du học. Thậm chí, chị còn lôi kéo anh cùng hai mẹ con đi ăn uống, dã ngoại, về nhà bà ngoại chơi… Người quen, họ hàng nhìn vào cứ tưởng anh chị đã lại hạnh phúc như xưa, khiến người vợ mới càng ghen lồng ghen lộn.

Những tra vấn, trách cứ, soi mói của vợ mới ngày càng khiến anh mệt mỏi. Có lẽ vì vậy, anh bắt đầu xem lại chuyện cũ, tỏ ra ân cần và quan tâm đến mẹ con chị nhiều hơn. Mỗi khi về thăm con, anh nhìn trước ngó sau, lặng lẽ đóng lại cái ghế lỏng đinh, thay cái bóng đèn hỏng, mắc thêm dây phơi quần áo… Một lần, chị giật mình khi vô tình nghe anh nói với con, lúc thằng bé thắc mắc sao ba đi hoài: “Kiệt hỏi mẹ xem, nếu mẹ đồng ý thì ba về ở với con luôn”.

Đêm, chị trằn trọc tự vấn, xác định lòng đã thôi không còn tiếc nuối anh nữa. Vì căm giận, chị chỉ níu kéo để “phá cho hôi”, chứ thật tình cũng chẳng mong anh trở lại. Từ khoảnh khắc đặt bút ký vào đơn ly hôn, trong lòng chị, hai người đã rẽ sang hai ngả khác nhau. Mối quan tâm chung còn lại của anh chị chỉ còn là đứa con trai - kỷ niệm của những ngày tươi đẹp. Con sắp vào lớp 1, đã dần quen với cuộc sống không có ba cạnh bên mỗi ngày.

Nhìn con say giấc, chị tự hỏi mình đang làm gì đây? Không một phút giây bình yên, đầu óc chị luôn quanh quẩn chuyện “trả thù”. Chị nghe ngóng, trông chờ, bực tức… Đem “thành tích” chia sẻ với cô bạn thân, nào ngờ bạn cũng cho rằng, giờ họ đã là vợ chồng hợp pháp, dù quá khứ có ra sao thì hiện tại chị mới chính là kẻ đang gây khó dễ cho vợ chồng người ta. Việc cần buông tưởng đã buông hết, sao chị còn để tâm không chịu dứt, lại còn những phản ứng quá nhỏ nhen?

Duyên nợ đã hết, thay vì chăm bẵm “phục thù”, chị nên “cởi nút thắt” cho tâm hồn thanh thản. Lòng có thảnh thơi cuộc sống mới bình yên. Còn sống trong hằn học, còn dồn nén thù hận, còn quay quắt “phá cho hôi”, thì chị vẫn chưa thể bước ra khỏi quá khứ u tối. Bạn khiến chị sốc nặng vì chưa bao giờ hai người lại bất đồng đến thế. Chị giận, cúp điện thoại nửa chừng, nằm dài suy nghĩ. Mãi đến khi con trai tỉnh ngủ, giụi mắt kêu mẹ tắt đèn, chị mới giật mình.

Gia đình mới của anh cũng như bao gia đình khác, hết lục đục lại ấm êm. Nghe đâu vợ anh đã mang thai. Anh đưa con trai về nhà chơi, cô ấy nấu nướng cho hai cha con bữa cơm cuối tuần khá chu đáo. Chuyện “vợ của ba” có thai là do con dè dặt cho chị biết. Chị để ý, hình như con trai đã hiểu tại sao ba mẹ không còn sống chung một nhà. Con dần tránh nhắc nhiều đến ba, sợ mẹ buồn. Chị cảm nhận, con là đứa trẻ sớm biết nghĩ. Nhìn sự thay đổi của con, chị biết mình cũng cần trút bỏ hết gánh nặng để thanh thản đi cùng con trên con đường mới của mình.

Việt Khuê

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/tam-su/hon-nhan/pha-cho-hoi-79163/