Phá bỏ lối mòn

Từ chỗ làm ăn bết bát, chỉ chưa đầy 10 năm sau, HTX Dịch vụ nông nghiệp Lam Cầu (HTX DVNN) đã trả hết nợ nần và trở thành 1 trong những HTX tiêu biểu của cả nước.

Ngập trong nợ nần

HTX NN Đoàn Kết bao gồm xã viên của 3 vùng sản xuất Lam Cầu, Quyết Thắng và Quỳnh Viên của xã Quỳnh Thạch (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), được thành lập khi cơ chế bao cấp còn tồn tại.

Ông Đặng Ngọc Nhạc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX DVNN Lam Cầu

Mặc dù có QL1A đi qua nhưng hầu hết xã viên HTX sống dựa vào những cánh đồng manh mún, nguồn nước phục vụ sản xuất 100% đều phải bơm tát. Năng suất lúa vụ xuân ở vùng đất này chưa bao giờ vượt quá 250kg/sào (500m2). Vì thế, cái đói cứ đeo đẳng người nông dân Quỳnh Thạch.

Ba vùng có điều kiện sản xuất khác biệt được tổ chức thành 1 HTX. Khi cơ chế bao cấp thoái trào, việc quản lý xã viên, tài chính lỏng lẻo, phương thức sản xuất lỗi thời khiến HTX NN Đoàn Kết rơi vào nợ nần chồng chất.

“Thời điểm ấy khó khăn lắm, trong khi một số xã viên thiếu đói thì HTX làm ăn không hiệu quả. Thời điểm 1994, vài triệu đồng đã ghê gớm lắm trong khi HTX nợ những 425 triệu đồng, ai cũng khiếp đảm”, ông Hồ Văn Hường, xã viên HTX cho biết.

Trong khốn khó, để cứu vớt HTX, chia sẻ khó khăn, nợ nần, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, sau nhiều cuộc họp diễn ra, Ban Quản trị HTX NN Đoàn Kết quyết định chia tách thành HTX DVNN Lam Cầu, HTX DVNN Quyết Thắng và HTX DVNN Quỳnh Viên. Riêng HTX DVNN Lam Cầu được “thừa kế” món nợ 100 triệu đồng và 300 tấn thóc.

“Thời điểm đó, ai được bầu hay chỉ định làm Chủ nhiệm HTX được coi là thảm họa. Bản thân tôi lúc đó cũng chỉ là Phó chủ nhiệm. Làm cái anh giúp việc, bảo gì làm nấy, không dám có chính kiến, cũng sợ sai, sợ vạ lây trong bối cảnh chung bấy giờ”, ông Đặng Ngọc Nhạc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX DVNN Lam Cầu nhớ lại.

Nhưng rồi chối mãi không thành, năm 1999, ông Nhạc gượng ép ngồi vào chiếc ghế Chủ nhiệm HTX DVNN Lam Cầu. Ít ai ngờ, đó chính là thời điểm đánh dấu bước ngoặt lớn khi HTX DVNN Lam Cầu sang trang mới, thoát khỏi cảnh nợ nần, tiến lên thời kỳ thịnh vượng.

Phá bỏ lối mòn

Sau khi lên làm chủ nhiệm, điều ông Nhạc lo nhất vẫn là làm sao trả hết nợ, làm sao để lôi cuốn được xã viên vào và mặn mà với HTX.

Chăn nuôi nông hộ của xã viên HTX DVNN Lam Cầu phát triển mạnh

Bao trăn trở, Ban quản trị HTX DVNN Lam Cầu đi đến quyết định táo bạo, họ tìm cách đưa những giống mới vào sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Thế nhưng, HTX đối mặt với những hòn đá tảng về tư suy sản xuất cũ kỹ, bảo thủ của xã viên. Nông dân Quỳnh Thạch không muốn thay đổi, ruộng đất vẫn manh mún, nhỏ lẻ, có những thửa ruộng chỉ 40-50m2 thế nhưng vận động bà con chuyển đổi thành các ô thửa lớn còn khó hơn cả đi lên trời.

Bên cạnh đó, những giống lúa cũ thoái hóa dần và kém chất lượng vẫn được đưa vào sản xuất đại trà. Thay đổi tư duy làm ăn cũ thực sự là một thách thức lớn đối với HTX DVNN Lam Cầu.

Các thành viên Ban quản trị HTX DVNN Lam Cầu quyết tâm tìm đường đi mới. HTX liên hệ với các công ty giống đem về sản xuất thử một số giống lúa lai ngắn ngày như Sán ưu số 3, Nhị ưu 838…

Kết quả cho thấy, năng suất, hiệu quả kinh tế của các giống lúa mới tăng gấp 1,5 lần so với sử dụng các giống cũ. Điều đó dần khiến một số xã viên tò mò, đến hỏi, mua giống làm thử. Nhưng điều khó nhất bây giờ là việc chuyển giao KHKT bởi lúa lai giá lúa giống cao, kỹ thuật canh tác phức tạp trong khi nông dân vẫn giữ mãi tư duy sản xuất cũ…

Giải quyết vấn đề này, Ban quản trị HTX DVNN Lam Cầu đã chủ động mời các công ty giống về để tập huấn và hỗ trợ nông dân sản xuất. Khi kỹ thuật canh tác lúa lai đã được cải thiện, xã viên bắt đầu tìm đến nhiều hơn với các giống lúa mới do HTX cung ứng; năng suất trên những cánh đồng HTX DVNN Lam Cầu cũng tăng dần và đến nay đã đạt trên 12 tấn lúa/ha/năm. Năng suất cây trồng tăng cao đã thúc đẩy chăn nuôi nông hộ phát triển mạnh đem lại nguồn thu lớn cho xã viên, đời sống ngày càng được nâng lên.

Trước yêu cầu cấp thiết của việc nâng cao hiệu quả sản xuất, năm 2003, Ban quản trị HTX DVNN Lam Cầu vận động người dân chuyển đổi ruộng đất lần 1, rồi lần 2 (năm 2013). Đặc biệt, chuyển đổi ruộng đất lần 2 được coi là một “cuộc cách mạng” khi HTX DVNN Lam Cầu đi tiên phong.

“Từ chỗ nhận thức được giá trị của việc chuyển đổi ruộng đất, chúng tôi vận động xã viên đóng góp trên 1 tỷ đồng để chuyển đổi. Nhiều xã viên khích lệ Ban quản trị HTX nhưng cũng sợ chúng tôi “cầm đèn chạy trước ô tô”, sợ Ban quản trị phải vạ. Nhưng “cuộc cách mạng” đã thành công mỹ mãn, xã viên đồng thuận cao. Số thửa bình quân/hộ từ 5-6 thửa nay chỉ còn 1,7 thửa, xe ô tô có thể vào tận ruộng chở lúa, sản xuất nông nghiệp đa phần được cơ giới hóa”, ông Nhạc chia sẻ.

Sau chuyển đổi ruộng đất, HTX đã hình thành được cánh đồng lớn 50 ha, 20 hộ dân đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác cho thu nhập cao gấp hàng chục lần trồng lúa. Những cánh đồng bát ngát của xã viên HTX DVNN Lam Cầu nhanh chóng thu hút được các đơn vị sản xuất giống như Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An, Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty Giống cây trồng Trung ương đến đặt vấn đề sản xuất lúa giống.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho xã viên sản xuất, hàng năm, HTX DVNN Lam Cầu cho 85% xã viên được thụ hưởng chính sách cho vay phân bón, giống trả chậm với số tiền 300-400 triệu đồng. Số lúa giống sản xuất đến đâu được HTX kết nối nối với các doanh nghiệp bao tiêu đến đó.

Đến nay, HTX DVNN Lam Cầu có 768 hộ xã viên với 350 thành viên tham gia HTX, quản lý 145 ha đất sản xuất; tổng sản lượng xã hội đạt 1.750 tấn/năm; năng suất lúa đạt bình quân 12-12,5 tấn/ha/năm; giá trị sản xuất đạt 78 triệu đồng/ha. Tổng nguồn vốn của HTX đến 31/12/2015 là 4 tỷ 240 triệu, trong đó vốn lưu động 288 triệu đồng, tài sản cố định 3 tỷ 898 triệu đồng.

Ông Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thạch cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực vượt khó và hiệu quả hoạt động của HTX DVNN Lam Cầu. Đây là đơn vị đi tiên phong trong chuyển đổi ruộng đất của xã, có đóng góp rất lớn vào thành tích cán đích NTM của xã nhà”.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/pha-bo-loi-mon-post179224.html