PGS.TS Trần Đức Cường: Nhiều khoảng trống lịch sử vẫn chưa được lấp

PGS.TS Trần Đức Cường nuối tiếc bộ sử chưa nói sâu về quan hệ Việt - Trung các thời kỳ hay sự kiện Gạc Ma năm 1988.

- Bộ sách Lịch sử Việt Nam 15 tập do Viện Sử học biên soạn có gì khác biệt so với các sách sử trước đây, thưa ông?

Bộ thông sử gồm 15 tập, gần 10.000 trang do đội ngũ cán bộ Viện Sử học nghiên cứu hơn 9 năm, khái quát lịch sử nước ta từ khởi thủy đến năm 2000.

Trước đây, diện mạo lẫn nhận thức về lịch sử Việt Nam chủ yếu nói về các cuộc kháng chiến chống xâm lược, chính biến cung đình, vua quan, còn đời sống nhân dân rất mờ nhạt. Lịch sử miền Bắc từ khởi thủy đến hiện đại rất rõ ràng. Nhưng lịch sử miền Nam Trung Bộ, Nam Bộ thì mới bắt đầu từ khoảng thế kỷ 16. Hiểu biết về các vùng đất này thời kỳ trước hầu như bỏ trống.

Những "khoảng trống" này vô tình tạo nên nhiều nhận thức chưa đúng đắn cũng như hiểu biết mờ mịt về lãnh thổ, chủ quyền Việt Nam hiện nay.

PGS.TS Trần Đức Cường. Ảnh: H.P.

Bộ thông sử cố gắng "lấp các khoảng trống" này bằng cách đưa nhiều hơn tư liệu về các vùng đất, hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống nhân dân để thấy cái nhìn toàn cảnh về lịch sử. Như lịch sử khởi thủy của Việt Nam, đất nước hình thành trên sự phát triển của ba nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo tương ứng với các quốc gia cổ đại là Âu Lạc, Chăm Pa, Phù Nam.

Tài liệu đầy đủ, nhìn rõ hơn khía cạnh tích cực lẫn những điểm mờ, tiêu cực trong lịch sử của những triều đại phong kiến như nhà Mạc, chúa Nguyễn, nhà Nguyễn, hay các sự kiện lịch sử hiện đại như Cải cách ruộng đất, lần đầu tiên nói về chiến tranh biên giới phía Bắc. Bộ sách cũng nhìn nhận đa chiều hơn về vai trò của những nhân vật còn nhiều tranh cãi như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Mạc Đăng Dung, Phan Thanh Giản...

- Khi quyết định "lấp các khoảng trống", thành viên tổ biên soạn đã có những tranh luận ra sao để đưa vào bộ sử những sự kiện trước đến nay chưa từng xuất hiện trong các cuốn sách lịch sử khác?

Trước khi viết, chúng tôi xác lập nguyên tắc: những gì xảy ra mấy nghìn năm trên đất nước này đều là đối tượng nghiên cứu, thể hiện của lịch sử. Nhiều vấn đề không phải thống nhất với nhau ngay được mà có những tranh luận lớn nhỏ.

Như chiến tranh biên giới phía Bắc, nhóm biên soạn nhất trí ngay từ đầu phải đưa vào, nhưng đưa nhiều hay ít, viết thế nào. Cuối cùng, chúng tôi chọn thể hiện ở thời lượng 8 trang qua những tư liệu có được từ văn bản chính thức của nhà nước, báo chí thời đó... Tiếc là cuộc chiến bảo vệ biên giới giai đoạn 1980 - 1989 chưa đưa được vào bộ sử do tư liệu hầu như không có.

Khi viết tập 12, giai đoạn 1954 đến 1965, chúng tôi cũng có những tranh luận rằng có nên dùng "ngụy quân, ngụy quyền" như trước đây không? Từ lâu, giới nghiên cứu đã cho rằng không nên dùng, nói hay viết cũng đều không sai, nhưng mang hơi hướng miệt thị. Trong bối cảnh hòa hợp dân tộc thì có những cách gọi cần thay đổi. Khái niệm dùng trong văn bản khoa học nên có sự khách quan, trung tính nên cuối cùng qua vài buổi tranh luận, tổ biên soạn quyết định dùng từ quân đội Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn.

Trên lãnh thổ Việt Nam từng tồn tại những thực thể chính quyền. Thời chống Pháp (1945 – 1954) ngoài chính thể là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì ở các đô thị lớn thuộc vùng tạm chiếm, Pháp đã thành lập chính quyền Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng. Sau Hiệp định Giơnevơ, ở miền Nam cũng có chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Dĩ nhiên, thực thể này không chính danh, không hợp pháp.

Ngoài nói thẳng tính chất phụ thuộc về mặt chính trị của chính quyền ấy, bộ sử cũng không né tránh khi viết về những thay đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội ở những vùng chiếm đóng. Thậm chí, thừa nhận nền kinh tế hàng hóa miền Nam khi ấy phát triển hơn ở miền Bắc kế hoạch hóa tập trung; hay chính quyền ấy cũng có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, khi Trung Quốc ra tay đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974...

Bộ thông sử 15 tập được biên soạn trong 9 năm. Ảnh: H.P.

- Vậy, có những khoảng trống gì mà bộ sách chưa thể lấp đầy được?

Mối quan hệ Việt - Trung qua các thời kỳ, nhất là từ sau năm 1975 đến nay. Có giai đoạn đề cập nhưng chưa toàn diện. Như sự kiện tháng 2/1979 cũng mới nêu được bề nổi mà chưa nói được sâu xa về mối quan hệ hai nước khi đó. Hay đánh giá về những thành tựu cũng như bước chững lại của công cuộc Đổi mới.

Ngoài ra, còn có những sự kiện chưa đưa vào được như phong trào Nhân văn - Giai phẩm, sự kiện "thanh Đảng" sau năm 1950, Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma năm 1988.

Đó cũng là những nuối tiếc của tôi cũng như tổ biên soạn.

- Tổ biên soạn chịu những sức ép nào khi nói về những vấn đề lâu nay được cho là "nhạy cảm"?

Không, chúng tôi không gặp phải loại sức ép này.

- Có nhiều quan điểm khác nhau về viết sử: viết sử là ghi chép khách quan độc lập, trung thành với sự kiện, viết sử phục vụ mục đích chính trị... Bản thân ông quan niệm thế nào?

Nghiên cứu lịch sử, viết sử thì phải có nguyên tắc, quan điểm rõ ràng. Quan điểm của tôi là lịch sử phục vụ lợi ích dân tộc, nhân dân, không phiến diện, không né tránh.

Ví dụ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây, có luận điệu nói rằng ta xâm lược Campuchia. Nhưng thế nào là xâm lược? Là đem quân sang đánh nước khác với mục đích vị kỷ cho đất nước mình, như Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan, Tiệp Khắc... Việt Nam đưa quân sang Campuchia năm 1978 ngoài bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế thì còn truy quét quân diệt chủng đến tận sào huyệt của chúng, bàn giao lại đất nước cho Campuchia rồi rút về. Nhiệm vụ của người viết sử phải nói rõ điều này để nhân dân, thế giới biết và hiểu.

Video: 30 điểm vẫn trượt đại học - Bộ GD-ĐT lý giải

- Điều mà ông không hài lòng nhất về bộ sử này là gì?

Vào thời điểm in bộ sách, chúng tôi chỉ có thể nói tạm bằng lòng. Sử học phong kiến rất đồ sộ nhưng đối tượng chủ yếu là vua quan, triều đình. Sử học hiện đại quan niệm đối tượng toàn diện phải là nhân dân.

Những cuốn sử trong thời gian qua, kể cả bộ sử này cũng chưa có được tỷ lệ thích đáng như những người biên soạn mong muốn. Các sự kiện chính trị, quân sự, văn hóa lớn được đề cập nhiều hơn so với sinh hoạt của người dân, vùng giải phóng vẫn có thời lượng nhiều hơn vùng tạm chiếm... Gương mặt người nông dân nhiều thế kỷ trước vẫn chưa "vẽ" ra được, họ ăn, mặc, ở ra sao… tức là có kỳ vọng nhưng chưa sâu sắc.

Tôi hy vọng, điều đó sẽ được khắc phục trong bộ "quốc sử" (25 tập chính sử, 5 tập biên niên), thuộc Đề án nghiên cứu và biên soạn Lịch sử do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, GS Phan Huy Lê là tổng chủ biên. Bộ sử đang trong quá trình biên soạn, ghi lại toàn bộ diễn trình lịch sử đất nước Việt Nam, từ khi con người xuất hiện đến hiện nay.

Nguồn: VnExpress

Nguồn VTC: http://vtc.vn/pgsts-tran-duc-cuong-nhieu-khoang-trong-lich-su-van-chua-duoc-lap-d344345.html