Pepsico coi thường người tiêu dùng Việt?

ANTT.VN – Các sản phẩm của Pepsico không ghi rõ nơi sản xuất, chai Pepsi hay Sting có dị vật bên trong bị khách hàng khiếu nại, song Pepsico luôn im lặng và không có một lời giải thích với người tiêu dùng.

Năm 2015, Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam liên tục bị khách hàng phản ánh về sản phẩm kém chất lượng, có dị vật bên trong, cụ thể:

Ngày 27/3/2015, ông Võ Tấn Cọp (ấp Long Mỹ, xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, Tây Ninh) khi đi du lịch ở chân núi Bà Đen (Tây Ninh) đã mua một chai nước Sting tại quán nhỏ ở đây. Chưa kịp uống, ông Cọp phát hiện chai nước có dị vật gần giống như một loại sâu nhỏ. Dù đã phản ánh, nhưng nhà sản xuất không có câu trả lời thỏa đáng về dị vật trên.

Tiếp đó, ngày 1/4/2015, anh Nguyễn Quang Huy (phường 9, TP. Vĩnh Long) nhân viên một công ty bảo hiểm nhân thọ xác nhận có sợi dây thun màu xanh trong chai Pepsi anh mua ở tỉnh Trà Vinh. Anh Huy đã thương lượng với Pepsi về việc đổi quà để chia sẻ cho người có hoàn cảnh khó khăn nhưng đại diện Pepsi không đồng ý và gọi để xin lại chai nước.

Liên tiếp các sản phẩm có chứa dị vật của hãng Suntory Pepsico

Ngày 22/11/2015, anh Nguyễn Đình Chính trú tại Bắc Ninh có mua 3 chai nước Sting về để uống. Tuy nhiên, khi dùng hết hai chai, anh mới phát hiện chai còn lại có chứa “vật thể lạ”. Quan sát kỹ thì “vật thể lạ” đó có hình hai con nhện nhỏ. Phía trên chai nước có ghi ngày sản xuất là 04/11/2015 và hạn sử dụng đến ngày 04/05/2016 (thời hạn sử dụng là 06 tháng kể từ ngày sản xuất).

Đại diện phía Suntory Pepsico Việt Nam có cử hai cán bộ xuống xác minh và đồng thời lập biên bản. Trong biên bản được lập cùng ngày có ghi rõ vật thể lạ chứa trong chai nước Sting dâu đỏ là con nhện đã chết và chai nước chưa được mở nắp (vẫn còn nguyên hiện trạng ban đầu).

Điều đáng nói ở đây, sau khi làm việc với hai cán bộ của Công ty, vào khoảng 19 giờ 10 phút tối ngày 23/11/2015, anh Chính có đưa vợ đi làm ca đêm. Đang trên đường về bỗng có hai người lạ mặt ép xe anh vào lề đường và hỏi "mua" chai nước chứa vật thể lạ với giá 20 triệu đồng nhưng anh Chính không đồng ý. Thấy vậy, hai thanh niên lạ này liền đạp đổ xe của anh Chính và chạy mất.

Hàng loạt sản phẩm dính lỗi, người tiêu dùng đã phản ánh đến nhà sản xuất. Song dường như Pepsico coi thường sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng Việt khi không đưa ra một lời giải thích nào cho các vụ việc trên.

Không những vậy, trên các sản phẩm của Pepsico như: Pepsi, Sting, Nước cam ép Twister… chỉ ghi “sản xuất bởi Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam. Cao ốc Sheraton, 88 Đường Đồng Khởi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh , Việt Nam” mà không có nhà máy và địa chỉ nhà máy cụ thể.

Vậy, khi các sản phẩm của công ty này có dị vật bên trong, kém chất lượng thì làm sao để biết lỗi ở đâu, sản xuất tại nơi nào?

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền ( Giám đốc Cty Luật hợp danh Thiên Thanh – Đoàn Luật sư Hà Nội ) cho biết: Tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa có quy định một trong những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa đó là: Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa"

Điều 14 Nghị định 89/2006/NĐ- CP có hướng dẫn cụ thể về việc tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa trong đó quy định: Hàng hóa được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hóa đó.

Vấn đề đặt ra đó là việc Pepsico chỉ ghi địa chỉ trụ sở chính của công ty mà không ghi địa chỉ cơ sở sản xuất có vi phạm pháp luật về nhãn hàng hóa hay không?

- Trường hợp địa chỉ cơ sở sản xuất đồng thời là địa chỉ trụ sở chính của công ty Pepsico thì việc ghi thông tin trên nhãn hàng hóa của công ty Pepsico không vi phạm pháp luật;

- Trường hợp địa chỉ cơ sở sản xuất khác địa chỉ trụ sở chính của công ty thì việc công ty Pepsico không ghi địa chỉ cơ sở sản xuất trên nhãn hàng hóa là vi phạm quy định của pháp luật, cụ thể là quy định về nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa. Với hành vi này, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Điều 19 Thông tư 19/2014/TT-BKHCN của Bộ khoa học và công nghệ ngày 01/07/2014 quy định:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:

a) Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;…

Đồng quan điểm với luật sư Nguyễn Thế Truyền, luật sư Trương Thanh Đức Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – VNBA); Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt Nam (VIAC) về vấn đề trên, ông Đức cho rằng công ty Pepsico đã vi phạm Nghị định 89 của Chính phủ, hành vi này của Pepsico có thể bị xử phạt hành chính, tùy theo mức độ vi phạm.

Dường như, mức xử phạt quá nhẹ nên Pepsico vẫn ngang nhiên vi phạm luật. Được biết, Pepsico Việt Nam có 4 nhà máy tại Bắc Ninh, TP. HCM, Đồng Nai, Cần Thơ .

Mới đây, Bộ Y tế đã ra quyết định thanh tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm của Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam. Theo quyết định thanh tra do Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính ký, thời hạn thanh tra đối với Pepsico Việt Nam là 45 ngày, bắt đầu từ ngày 7/9/2016. Ông Chính cũng cho hay việc thanh tra Pepsico là theo kế hoạch, không phải thanh tra đột xuất.

Việc Bộ Y tế thanh tra Pepsico Việt Nam được khá nhiều người quan tâm và đồng tình, bởi thời gian qua thương hiệu nước giải khát này đã dính quá nhiều “phốt” liên quan đến chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, chuyển giá trốn thuế “khủng” gây bức xúc trong dư luận.

Thủy Tiên

Nguồn ANTT: http://antt.vn/pepsico-coi-thuong-nguoi-tieu-dung-viet-0122197.html