Parkson Việt Nam lỗ hàng triệu USD: Càng đua càng đuối

Liên tiếp đóng cửa các trung tâm thương mại tại Hà Nội và TP.HCM, đại gia bán lẻ Parkson gặp vô vàn khó khăn trong cuộc đua giành thị phần bán lẻ tại Việt Nam. Lời chia tay của Parkson tại Hà Nội cho thấy một tương lai bất định với các tập đoàn bán lẻ.

Lỗ 80 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm

Trong không khí giáng sinh đang tới gần, các trung tâm thương mại đua nhau sáng đèn rực rỡ. Thế nhưng, Parkson Viet Tower trên phố Thái Hà lại khá vắng vẻ. Bên ngoài vẻ hào nhoáng của một trung tâm thương mại cao cấp, bên trong, các gian hàng đang lặng lẽ dọn đồ chuyển đi. Có lẽ, đây là một mùa giáng sinh buồn với Parkson.

Sau Parkson Keangnam , Parkson Viet Tower sẽ chính thức đóng cửa vào giữa tháng 12 tới. Không đột ngột và phải chuyển ngay trong đêm như Parkson Keangnam, việc đóng cửa Parkson Viet Tower được thông báo khá sớm để các gian hàng chuẩn bị.

Parkson Thái Hà đang giảm giá để đóng cửa trước 15/12 (Ảnh:D.A)

Trước đó, giữa tháng 5, Parkson Paragon (đường Nguyễn Lương Bằng, Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM) cũng chính thức đóng cửa để di dời sau 5 năm hoạt động. Saigon Paragon có quy mô 19.000 m2 khu thương mại từ tầng hầm B1 với khu ẩm thực, siêu thị đến khu mua sắm cao cấp từ tầng 1 đến tầng 4, khu giải trí 4.000 m2 tại tầng 5.

Quyết định đóng cửa ba điểm bán trong vòng chưa đầy hai năm, dù thời gian hợp đồng thuê còn dài, cho thấy mô hình kinh doanh của Parkson đang ngày càng mất dần lợi thế cạnh tranh.

Theo chia sẻ của Parkson, lý do đóng cửa các trung tâm thương mại do kinh doanh thua lỗ. Đơn cử như tại Keangnam, này, Công ty TNHH Parkson Hà Nội cho biết từ khi mở cửa (2011), kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu như kế hoạch, thậm chí còn thua lỗ.

Theo một báo cáo tài chính chưa kiểm toán, trong quý 3 kết thúc vào ngày 31/3/2016 của Parkson Retail Asia Limited, nhà bán lẻ này tiếp tục chứng kiến một quý kinh doanh không hiệu quả ở Việt Nam khi sụt giảm tới 8,2%. Tổng cộng chín tháng của năm tài chính 2016, các TTTM của Parkson tại Việt Nam ghi nhận khoản lỗ trước thuế 4,9 triệu đô la Singapore (tương đương gần 80 tỷ đồng).

Parkson là thành viên của tập đoàn Lion, một tập đoàn quốc tế được thành lập từ năm 1930 tại Malaysia. Kể từ khi thành lập, Lion đã mạnh dạn đầu tư và thiết lập các hoạt động không chỉ ở Malaysia mà còn mở rộng phạm vi trên nhiều lĩnh vực, tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Hồng Kông, Indonesia, Mexico, Singapore và Hoa Kỳ

Càng đua càng đuối sức

Theo các chuyên gia, thời gian đầu xâm nhập thị trường, các đại gia bán lẻ phải chấp nhận lỗ sau đó sẽ thu hồi vốn. Parkson cũng khá thành công nhưng càng về sau càng tỏ ra đuối sức.

CEO Toh Peng Koon của Parkson từng nhận định Việt Nam là thị trường khó khăn nhất của tập đoàn này, nhất là khi xu hướng tiêu dùng đã dịch chuyển mạnh. Sự tham gia của các ông lớn bán lẻ của Nhật, Hàn Quốc, hay sự nổi lên của cả các doanh nghiệp trong nước đã khiến những trung tâm cao cấp như Parkson ngày càng chồng chất khó khăn.

Cảnh buồn tại trung tâm mua sắm cuối năm. (Ảnh:D.A)

Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng việc đóng cửa Parskon là diễn biến hoạt động kinh doanh bình thường, không chỉ ở Việt Nam. Trung tâm mua sắm hoạt động không tốt sẽ phải đóng cửa hoặc cải tạo lại, trong khi thị trường vẫn đón các thương hiệu mới hay các trung tâm khác mở rộng kinh doanh.

Ngày 29/06/2005, trung tâm thương mại cao cấp đầu tiên của Parkson chính thức mở cửa tại TP.HCM, sau đó liên tiếp mở rộng ra Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Từ những ngày đầu thâm nhập thị trường Việt Nam đến nay, Parkson đã áp dụng y nguyên chiến lược phát triển của mình đã làm ở các nước Đông Nam Á, tập trung khai thác đối tượng khách hàng có thu nhập khá và cao, yêu thích thời trang và mỹ phẩm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhóm khách hàng này còn chiếm một tỷ lệ quá thấp ở thị trường Việt Nam. So với các nước trong khu vực, số trung tâm mua sắm vẫn còn quá ít ỏi, tuy nhiên về mức độ hấp dẫn người tiêu dùng cũng như doanh thu lại rất khiêm tốn.

Một lý do khác là sự cạnh tranh của các nhà bán khá quyết liệt. Ngay cạnh Parkson Thái Hà không xa, một trung tâm thương mại quy mô của đại gia trong nước vừa mới được khai trương. Với lợi thế nhà đầu tư trong nước cùng với các nhãn hàng không quá cao cấp nhắm tới tiêu dùng trẻ, rạp chiếu phim, trung tâm thể thao, trung tâm thương mại mới này đã thu hút một lượng lớn khách hàng kể từ ngày khai trương.

Thị trường đang có sự cạnh tranh mạnh và có nhiều tên tuổi các nhà phân phối gia nhập thị trường phân phối hàng xa xỉ, đồ hiệu khiến cho sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt.

Parkson nhận định, trong quý còn lại của năm tài chính 2016, họ sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do cạnh tranh bán lẻ ở Việt Nam ngày càng khốc liệt. Và trong chiến lược mở rộng mạng lưới tại các nước Đông Nam Á giai đoạn tới, Parkson đã không đề cập đến việc mở thêm một mặt bằng bán lẻ nào tại Việt Nam.

Duy Anh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/parkson-viet-nam-lo-hang-trieu-usd-cang-dua-cang-duoi-340615.html