Paris 1 năm nhìn lại: Khủng bố vẫn là nỗi khiếp đảm

(Baonghean) - 1 năm sau thảm kịch khủng bố tại Paris, người dân địa phương dường như vẫn vậy, vẫn lui tới những nhà hàng và quán cà phê từng là mục tiêu của những kẻ tấn công. Cuộc sống bình thường có vẻ đã trở lại, nhưng nỗi đau vẫn chưa nguôi, và người ta chưa bao giờ thôi nhớ về các nạn nhân xấu số.

Những ký ức đau buồn

1 năm sau khi những kẻ khủng bố tấn công Kinh đô ánh sáng, thị dân Paris đang chuẩn bị các hoạt động tưởng nhớ 130 nạn nhân, với những tấm biển tưởng niệm, một buổi hòa nhạc đặc biệt và cả quyết tâm không để nỗi sợ hãi hủy hoại truyền thống đoàn kết của mình.

Những ký ức về ngày kinh hoàng 13/11/2015 vẫn còn hiện rõ, những vết thương lòng chẳng biết đến bao giờ mới khép miệng. Stanislas Dutillieux, 41 tuổi, chủ công ty nghe nhìn DeeStan Prod chia sẻ: “Tôi luôn tưởng tượng ra cảnh có ai đó bước vào và kích bom tự sát. Chúng ta không thể làm gì để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Nếu kẻ nào đó hạ quyết tâm giết chóc, hắn sẽ có thể hiện thực hóa điều đó”.

Một địa điểm tưởng niệm nạn nhân vụ tấn công khủng bố Paris khiến 130 người thiệt mạng và 413 người bị thương. Ảnh: AFP

Milva Pecquel, 32 tuổi, làm nghề vẽ tranh minh họa và phải di chuyển mỗi ngày bằng hệ thống tàu điện ngầm của Paris, cũng đồng tình với ý kiến rằng giờ đây người dân không còn cảm thấy an toàn, bình yên nữa. Cô nói: “Khi tàu điện ngầm dừng lại giữa các ga, mọi người nhìn chằm chằm vào nhau. Trước đây chúng ta từng lo ngại về những gói hàng đáng ngờ. Còn giờ chúng lại đang dè chừng lẫn nhau”.

Nhà hát Bataclan - hiện trường tội ác kinh khủng nhất trong ngày định mệnh ấy, nay đã được tu sửa và sẽ mở cửa trở lại bằng một buổi trình diễn của ca sỹ nhạc rock nổi tiếng đến từ nước Anh Sting vào đêm 12/11 - ngay trước thềm lễ tưởng niệm 90 khán giả đã bị 3 tay súng sát hại trước khi cảnh sát kịp ập vào và bắn hạ chúng.

Đó chỉ là một trong nhiều thảm kịch từ chuỗi tấn công liên hoàn bắt đầu ở ngoại ô phía Bắc Paris, gần sân vận động quốc gia Stade de France, nơi 3 kẻ đánh bom liều chết tự kích hoạt bom khi trận bóng đang diễn ra. Ngay sau đó, một nhóm khác gồm những kẻ tấn công có trong tay súng trường tự động Kalashnikov tiếp diễn tội ác, nhắm vào những quán cà phê và nhà hàng ngay giữa trung tâm đông đúc của thủ đô.

Salah Abdeslam, nghi phạm duy nhất còn sống là một kẻ mang quốc tịch Pháp và được sinh ra tại Bỉ, đã sa lưới tại Brussels hồi tháng 3 và sau đó bị dẫn độ về Paris. Hiện y đang bị giam giữ cẩn mật tại đây.

Bước tiếp, nhưng không bao giờ lãng quên

“Mở cửa trở lại nhà hát Bataclan, chúng ta có 2 nhiệm vụ quan trọng cần phải dung hòa. Thứ nhất là tưởng nhớ và trân trọng những người đã mất đi sinh mạng trong vụ tấn công 1 năm trước đó. Thứ hai là ca ngợi cuộc sống và âm nhạc hiện hữu dưới hình hài của nhà hát lịch sử này”, nghệ sỹ Sting tuyên bố.

Dutillieux, một khán giả thường xuyên lui đến nhà hát Bataclan, đã may mắn khi không có mặt trong đêm đau buồn ấy. Nhưng 4 đồng nghiệp của anh lại không được như vậy. Anh nói: “Tôi sẽ không bao giờ có thể tới nhà hát Bataclan với tâm trạng như trước được nữa. Tôi có thể mường tượng ra cảnh mình bước vào nhà hát, nhìn thấy khắp nơi đều là thi thể, là biển máu. Với những điều mà bọn khủng bố đã làm, có lẽ sẽ phải mất một thời gian rất dài nữa thì mọi thứ mới có thể quay trở lại bình thường”.

Giám đốc rạp hát Jerome Langlet nói rằng Bataclan được xây lại đúng như nguyên bản trước vụ khủng bố. Các công nhân đã bỏ đi những phần nội thất cũ và thay thế bằng những vật dụng mới mà vẫn giữ được diện mạo như trước. Langlet nói: “Để có thể mở cửa trở lại nhà hát, chúng tôi quyết định thay đổi mọi thứ mà như không thay đổi gì cả. Từ mái nhà đến sàn nhà, từng bức tranh, từng viên gạch lát, thậm chí là ghế ngồi, chúng tôi đều muốn đảm bảo rằng không có gì suy suyển so với trước”.

Nhiều công ty phục dựng nhà cửa và nhiều thợ thủ công đã đề xuất hỗ trợ tái xây dựng rạp hát miễn phí, như một biểu hiện cho tinh thần đoàn kết sau cơn bão lớn. Ông nói: “Điều này một lần nữa cho thấy thực tế rằng những kẻ khủng bố đã không thể đạt được âm mưu chia rẽ chúng ta. Thiện chí của mọi người sẽ trao cho chúng ta sức mạnh để bước tiếp”.

Tuy vậy, ngày Chủ nhật tới, những cánh cửa của rạp Bataclan sẽ đóng kín, mọi ánh đèn sẽ tắt, và nhà hát sẽ lặng yên trong 1 ngày. “Chúng ta sẽ không bao giờ lãng quên các nạn nhân. Chúng ta sẽ vẫn tiếp tục khóc thương cho họ”, giám đốc nhà hát ngậm ngùi.

Chính phủ Pháp cũng có kế hoạch công bố một trang web hiển thị 7.000 áp phích, tranh vẽ và những món đồ thể hiện tấm lòng tưởng nhớ người đã khuất, thu thập từ các địa điểm tưởng niệm mọc lên sau các vụ tấn công.

Bài toán an ninh

Nước Pháp rõ ràng vẫn chưa bình yên trở lại. Tình trạng khẩn cấp vẫn còn tiếp diễn, khoảng 100.000 lực lượng an ninh - bao gồm cảnh sát, sen đầm và binh lính có vũ trang - được huy động tới thủ đô Paris và nhiều thành phố lớn khác. Do dự tính sai, Tổng thống Pháp François Hollande đã tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp vào ngày 14/7, chính là ngày một kẻ có tư tưởng cực đoan lái xe tải đâm loạn xạ vào những người dân đang mải ăn mừng Ngày Quốc khánh ở thành phố Nice, khiến 86 người thiệt mạng. Sau sự việc này, chuyên gia phân tích chính trị Christophe Barbier nhận định những biện pháp an ninh nhằm trấn an dân chúng Pháp đã thất bại, và rằng nước Pháp “vẫn không biết cách ngăn chặn các vụ tấn công”.

Nhà hát Bataclan, nơi từng là mục tiêu tấn công ngày 13/11/2015. Ảnh: AFP

Như để đề phòng cẩn trọng hơn, các cửa hàng, rạp chiếu bóng, sân vận động và bảo tàng đều thắt chặt an ninh, thuê thêm bảo vệ, kiểm tra túi xách của khách và sử dụng thêm các thiết bị nhận biết, phát hiện kim loại. Có người cho rằng họ đã mất đi sự riêng tư cần thiết, cảm thấy khó chịu khi nhận thấy dường như tất cả mọi người đều đáng ngờ, đáng đề phòng.

Khi nước Pháp đang tiến gần đến các cuộc bầu cử tổng thống năm 2017, vấn đề an ninh lại càng bị đẩy lên cao. Giới chuyên gia thậm chí đã nhắc đến chuyện một số nhà lãnh đạo phe đối lập cánh hữu mới đây đã kêu gọi “mở một nhà tù Guantanamo (nơi Mỹ giam giữ những phần tử tình nghi là khủng bố) kiểu Pháp”, để giám sát những đối tượng mà giới chức an ninh liệt vào danh sách tiềm ẩn mối nguy cho xã hội.

Đâu đó, có chính khách đã tìm cách tranh giành sự ủng hộ thông qua việc gieo rắc hận thù và sợ hãi trong lòng dân chúng Pháp, khi quy chụp người Hồi giáo nhập cư là nguồn cơn của khủng bố. Và như vậy, những nỗi sợ đang tồn tại sẵn trong lòng nước Pháp lại càng bị nhân lên gấp bội từ những mầm mống tư tưởng đó.

Phú Bình (Theo USAToday)

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/quoc-te/201611/paris-1-nam-nhin-lai-khung-bo-van-la-noi-khiep-dam-2754466/