Palestin giành thắng lợi lịch sử tại UNESCO

(Toquoc)-Việc gia nhập UNESCO là một bước tiến quan trọng để Palestine được công nhận là một nhà nước độc lập.

Một dân tộc nếu không hành động dũng cảm và biết chịu hy sinh, không bao giờ giành được quyền lợi chính đáng của mình. Sau những bế tắc trên bàn thương lượng giải pháp hai nhà nước với Israel, người Palestine đã chọn một bước đi giành sự công nhận của cộng đồng quốc tế thông qua các cơ chế Liên hợp quốc, hơn là chờ đợi vô vọng “thiện chí” chưa bao giờ được hiện thực hóa của Irael và sự ủng hộ không có hiệu quả của Mỹ và một số nước phương Tây.

Ngày 31/10, với 107 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 52 phiếu trắng, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã nhất trí để Palestine trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức này, một thắng lợi lớn mang tính biểu tượng trên con đường giành được tư cách thành viên Liên hợp quốc đầy đủ của Palestine. Cả Mỹ và Israel đều phản ứng tiêu cực đối với kết quả trên, điều diễn ra chỉ một tháng sau khi Palestine nộp đơn xin trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc.

Tại Đại hội đồng UNESCO ngày 31/11, Ngoại trưởng Palestine phát biểu khẳng định ý nghĩa to lớn của việc Palestine trở thành thành viên chính thức của tổ chức này

Israel và Mỹ phản ứng tiêu cực

Israel cùng ngày đã cảnh báo rằng quyết định của UNESCO có thể làm tổn hại tới các nỗ lực hướng tới một thỏa thuận hòa bình giữa Palestine và Israel. Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Israel nói: Israel phản đối quyết định của Đại hội đồng UNESCO chấp nhận Palextin là thành viên của tổ chức này. Hành động đơn phương này của Palestine sẽ không đem lại bất cứ thay đổi nào trên thực tế, mà chỉ làm tăng khả năng hai bên không đi tới được một thỏa thuận hòa bình.

Phát biểu trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, đại diện Israel Nimrod Barkan cho biết nước này sẽ cùng với Mỹ chấm dứt tài trợ cho UNESCO. Hiện tài trợ của Israel tương đương 3% ngân sách hàng năm của UNESCO. Trong những năm 1990, Mỹ đã cấm cấp tiền cho bất cứ tổ chức nào của Liên hợp quốc chấp nhận Palestine là thành viên đầy đủ, điều này đồng nghĩa với việc UNESCO sẽ mất khoảng 70 triệu USD tiền tài trợ của Mỹ, tương đương 22% ngân sách hàng năm của tổ chức này.

Israen cho rằng việc công nhận Palestine là thành viên của UNESCO là một hành động vô nghĩa, nó sẽ ảnh hưởng tới hiệp ước hòa bình Palestine-Israel. Bộ Ngoại giao Israel tuyên bố: “Đây là một thủ đoạn đơn phương của Palestine, nó sẽ chẳng mang lại bất cứ sự thay đổi nào ngoài việc loại bỏ cơ hội cho một thỏa thuận hòa bình. Quyết định của UNESCO sẽ không biến thực thể Palestine thành một quốc gia trên thực tế, đồng thời nó sẽ đặt ra những khó khăn không cần thiết trên con đường khôi phục các cuộc đàm phán”.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng nỗ lực của Palestine nhằm giành được tư cách thành viên của Liên hợp quốc cũng như các cơ quan khác thuộc Liên hợp quốc là một sự cố gắng để được công nhận là một nhà nước Palestine độc lập mà không cần một hiệp ước hòa bình (giữa Palestine và Israel), vi phạm trắng trợn cam kết giải quyết mâu thuẫn thông qua các cuộc đàm phán.

Ngoài Israel và Mỹ, Canada, Úc và Đức đã bỏ phiếu chống lại đề nghị trên, trong khi Nhật Bản và Anh bỏ phiếu trắng.

Xung đột thường xuyên diễn ra tại các khu vực giáp ranh giữa lãnh thổ Palestine và Israel

Palestine kiên quyết giữ vững lập trường

Người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết Tổng thống Abbas nói: “Việc Palestine trở thành thành viên chính thức của UNESCO là một chiến thắng đối với quyền lợi, công lý và tự do của chúng tôi”. Việc gia nhập UNESCO là một bước tiến quan trọng để Palestine được công nhận là một nhà nước độc lập. Người phát ngôn nói: “Chúng tôi tin rằng lúc này cả thế giới đang đứng về phía nhân dân Palestine, và sẽ có một cuộc bỏ phiếu ủng hộ việc thành lập Nhà nước Palestine càng sớm càng tốt”. Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Malki, người đã có mặt tại trụ sở của tổ chức văn hóa Liên hợp quốc ở Paris để tham dự cuộc bỏ phiếu công nhận tư cách thành viên UNESCO của Palestine, đã ca ngợi đây là “một khoảnh khắc lịch sử mang lại cho người dân Palestine một số quyền lợi”.

Ngoại trưởng Palestine Malki khẳng định rằng không có sự liên quan giữa quyết định của UNESCO và khả năng nối lại các cuộc đàm phán đang bị ngưng trệ bởi Isreal vẫn đang tiến hành xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ của người Palestine.

Các nhà lãnh đạo của phong trào Hamas ở Dải Gada cũng hoan nghênh quyết định của UNESCO. Người phát ngôn của Hamas miêu tả quyết định này là “một bước đi tích cực. Hamas hoan nghênh quyết định của UNESCO và coi đây là một bước tiến tích cực nhằm khẳng định quyền lợi chính đáng của người dân Palestine đối với lãnh thổ, các thánh địa và các di sản của Palestine”. Thành công của cuộc bỏ phiếu này cũng phản ánh “sự suy giảm đáng kể vai trò của Mỹ trong khu vực và sự cảm thông ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế đối với quyền lợi của người dân Palestine”.

Ngay sau khi Mỹ nói rằng nước này sẽ ngừng tài trợ cho UNESCO, bà Catherine Ashton, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU), đã thúc giục các quốc gia duy trì sự ủng hộ của mình đối với UNESCO. Bà nói: “EU kêu gọi tất cả các nước tiếp tục ủng hộ sứ mệnh của UNESCO. Đây là tổ chức về hòa bình, bản sắc, văn hóa, di sản và tự do ngôn luận. Do đó, EU thúc giục tất cả các bên hay suy nghĩ lại trước khi hành động vội vàng”.

Pháp, quốc gia trước đó đã lên tiếng bày tỏ những nghi ngờ sâu sắc về bản đề nghị công nhận tư cách thành viên UNESCO cho Palestine, cuối cùng đã phê chuẩn bản đề nghị này cùng với hầu hết các quốc gia Arập, châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á, trong đó có Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Với việc ủng hộ tư cách thành viên của Palestine, cộng đồng quốc tế với đa số áp đảo đã bày tỏ ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Palestine có một nhà nước độc lập. Nó cũng tạo sức ép lớn đối với Israel cho đến nay các thế lực cực đoan cản trở mọi nỗ lực đàm phán hòa bình và tiếp tục việc mở rộng khu định cư, hình thành các vùng “da báo” bên trong lãnh thổ Palestine. Mỹ buộc phải ủng hộ Israel vì cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần nhưng nó chứng tỏ ván bài Trung Đông dần tuột khỏi khả năng kiểm soát của Mỹ và ảnh hưởng của Mỹ đối với thế giới Ả rập-Hồi giáo sẽ bị sứt mẻ đáng kể nếu tiếp tục đi ngược lại ý nguyện của Palestine được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Có thể hình dung cuộc đấu tranh gay go phức tạp tiếp theo sẽ liên quan đến việc bảo vệ các thánh địa và các di sản lịch sử văn hóa của Palestine trong vùng lãnh thổ bị chiếm đóng./.

Hương Linh

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Y-Kien-Binh-Luan/Palestin-Gianh-Thang-Loi-Lich-Su-Tai-Unesco.html